Hoàng Anh Gia Lai thanh toán 200 tỷ đồng gốc trái phiếu

(Banker.vn) Sau khi thu hồi công nợ của HAGL Agrico, doanh nghiệp của bầu Đức đã thực hiện thanh toán 200 tỷ đồng nợ gốc cho mã trái phiếu HAGLBOND16.26.
Hoàng Anh Gia Lai thanh toán 200 tỷ đồng gốc trái phiếu
Doanh nghiệp của bầu Đức đã thực hiện thanh toán 200 tỷ đồng nợ gốc cho mã trái phiếu HAGLBOND16.26

Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HOSE: HAG) cho biết mới đây công ty đã trả nợ gốc trái phiếu có mã HAGLBOND16.26 với số tiền 200 tỷ đồng. Số tiền này đến từ việc thu nợ của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HOSE: HNG).

Được biết, lô trái phiếu mã HAGLBOND16.26 có giá trị 6.596 tỷ đồng, phát hành ngày 30/6/2016 với kỳ hạn 10 năm. Trái chủ của lô trái phiếu này là Ngân hàng BIDV. Tại ngày 30/9 theo báo cáo tài chính hợp nhất, giá trị còn lại của lô trái phiếu này là 4.891 tỷ đồng.

Số tiền gốc chậm thanh toán luỹ kế tính tới ngày 30/9 của HAGL là 1.157 tỷ đồng và tiền lãi chậm trả là 2.871 tỷ.

Giauiải trình việc thanh toán trễ là do nguồn tiền đến từ khoản trả nợ của HNG - hiện đã thoả thuận lộ trình trả nợ ba bên và thanh lý một số tài sản không sinh lợi của công ty. Tập đoàn dự kiến sẽ thanh toán phần còn lại trong quý IV năm nay.

Cũng trong tháng 10, HAGL đã thanh lý tài sản là Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai (địa chỉ số 1 Phù Đổng, phường Phù Đổng, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) và thu về 180 tỷ đồng. Số tiền này theo dự định là ưu tiên thanh toán một phần nợ trái phiếu phát hành năm 2016 nói trên.

Ngoài lô trái phiếu HAGLBOND16.26, HAGL còn đang lưu hành một lô trái phiếu khác là HAG2012.300 giá trị 300 tỷ, phát hành năm 2012 với kỳ hạn 11 năm. Ngày 29/9, HĐQT của doanh nghiệp đã thông qua việc điều chỉnh kỳ hạn lô trái phiếu 300 tỷ từ 11 năm thành 13 năm, tức đáo hạn ngày 30/9/2025. Trái chủ là Công ty CP Dịch vụ Nông nghiệp Tây Nguyên.

Về tình hình kinh doanh, HAGL đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ 9 tháng đầu năm đạt 702 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu ănm 2023 đạt 710 tỷ đồng. Về tình hình đầu tư các dự án, Hoàng Anh Gia Lai vẫn đang tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực là heo, chuối và sầu riêng. Trong đó, doanh thu và sản lượng chuối dự kiện sẽ tăng mạnh vào quý IV/2023. Về công tác cơ cấu tài chính, doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình thanh lý các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác và hoạt động thanh lý một số tài sản không sinh lời. Hoạt động này phân nào mang lại dòng tiền, duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Gần đây nhất, ngày 14/11, Hoàng Anh Gia Lai đã công bố kết quả kinh doanh tháng 10 với doanh thu thuần đạt 711 tỷ đồng. Trong đó, ngành cây ăn trái mang về 410 tỷ đồng, ngành chăn nuôi 198 tỷ đồng, ngành phụ trợ 103 tỷ đồng. Điểm đáng lưu ý, mặc dù công bố doanh thu tăng đột biến, nhưng doanh nghiệp của bầu Đức không đề cập tới lợi nhuận, điều không xảy ra trong những báo cáo tháng trước đó.

Bên cạnh câu chuyện trồng chuối, sầu riêng và nuôi heo, một trong những vấn đề lớn của Hoàng Anh Gia liên quan đến nợ và lỗ lũy kế. Tại Hội nghị nhà đầu tư tháng 8 vừa qua, bầu Đức cho biết còn đang nợ ngân hàng hơn 7.000 tỷ đồng đều có tài sản đảm bảo và gần 3.000 tỷ đồng lỗ lũy kế. So với đỉnh nợ năm 2018 của HAGL là 29.000 tỷ đồng thì “không là gì” nhưng vẫn mang tiếng nợ.

Tuần trước, tối 24/11/2023, vừa công bố danh sách các nhà đầu tư tham gia đợt phát hành 1.300 tỷ đồng cổ phiếu riêng lẻ được 1 ngày, Hoàng Anh Gia Lai bất ngờ ra văn bản đính chính thông tin. Theo đó, doanh nghiệp này đã thông qua nghị quyết hủy để cập nhật lại danh sách nhà đầu tư dự kiến được chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Lý do được đưa ra là danh sách nhà đầu tư được công bố ngày 23/11 có sai sót trong quá trình trao đổi thông tin, cần sửa đổi, điều chỉnh.

Theo loạt nghị quyết được công bố ngày 23/11, Hoàng Anh Gia Lai sẽ chào bán 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ với mệnh giá 10.000 đồng/cp, qua đó huy động 1.300 tỷ đồng để trả nợ trái phiếu, cơ cấu lại nợ và bổ sung nguồn vốn lưu động cho công ty con. Thời gian dự kiến triển khai là trong năm 2023 và/hoặc 2024, sau khi được UBCKNN chấp thuận.

Danh sách nhà đầu tư tham gia vào đợt phát hành cổ phiếu này gồm có hai tổ chức là Công ty CP Quản lý Quỹ Việt Cát, Công ty CP Chứng khoán LPBank và một nhà đầu tư cá nhân là ông Nguyễn Đức Quân Tùng. Cả ba nhà đầu tư nói trên đều không sở hữu cổ phiếu HAG nào trước đợt chào bán.

Trong đó, Công ty CP Quản lý quỹ Việt Cát – công ty quản lý quỹ chuẩn bị về tay Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank, HOSE: TPB) của đại gia Đỗ Minh Phú là nhà đầu tư tham gia nhiều nhất vào đợt phát hành cổ phiếu sắp tới của Hoàng Anh Gia Lai khi dự kiến mua vào 60 triệu cổ phiếu, tương ứng góp 600 tỷ đồng. Theo sau là Công ty CP Chứng khoán LP Bank - một thành viên thuộc hệ sinh thái Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, HOSE: LPB) của “bầu” Thuỵ dự kiến mua 50 triệu cổ phiếu, tương ứng góp 500 tỷ đồng. Cuối cùng, ông Nguyễn Đức Quân Tùng dự kiến chi 200 tỷ đồng cho 20 triệu cổ phiếu HAG.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HAG đã vượt mốc 10.000 đồng/cp - mức cao nhất trong vòng một năm trở lại đây, giữa thông tin công bố sắp hoàn thiện hồ sơ đăng ký chào bán 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ để nộp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trong phiên giao dịch sáng ngày 29/11, cổ phiếu HAG đang dao động trong vùng 11.000 đồng/cp, tăng 34% kể từ đầu tháng 11.

Lộ diện 3 “đại gia” sắp góp 1.300 tỷ đồng vào Hoàng Anh Gia Lai

Danh tính 3 nhà đầu tư tham gia vào đợt phát hành cổ phiếu sắp tới của Hoàng Anh Gia Lai đã được công bố. ...

Hoàng Anh Gia Lai (HAG) bất ngờ “quay xe”, hủy danh sách nhà đầu tư tham gia đợt phát hành 1.300 tỷ đồng

Vừa công bố danh sách các nhà đầu tư tham gia đợt phát hành 1.300 tỷ đồng cổ phiếu riêng lẻ được 1 ngày, Hoàng ...

Doanh nghiệp tuần qua: Hoàng Anh Gia Lai, Đạt Phương, Minh Phú, Novaland “chiếm sóng”

Tuần vừa qua, Hoàng Anh Gia Lai, Đạt Phương, Minh Phú và Hoàng Anh Gia Lai là những doanh nghiệp “chiếm sóng” truyền thông cũng ...

Tiểu Vy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán