Hoàn thiện quy định pháp lý về chi trả tiền gửi được bảo hiểm

(Banker.vn) Tại phiên thảo luận của Quốc hội vừa qua về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, có đại biểu đặt vấn đề xem xét bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) để thực hiện tốt vai trò trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD), nhất là chi trả cho người gửi tiền được bảo hiểm khi phá sản ngân hàng.
Tại phiên thảo luận của Quốc hội vừa qua về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, có đại biểu đặt vấn đề xem xét bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) để thực hiện tốt vai trò trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD), nhất là chi trả cho người gửi tiền được bảo hiểm khi phá sản ngân hàng.

Đây cũng là một trong những nhiệm vụ chính và quan trọng, thể hiện vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần đảm bảo hệ thống các TCTD hoạt động an toàn, lành mạnh.

Chi trả BHTG - thực tiễn triển khai và một số vướng mắc

Theo quy định tại Luật BHTG, nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt, hoặc văn bản chấm dứt áp dụng, hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD là tổ chức tham gia BHTG vẫn lâm vào tình trạng phá sản.

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, BHTGVN có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được BHTG.

Thời gian đầu mới đi vào hoạt động, BHTGVN đã chi trả BHTG cho gần 1.800 người gửi tiền tại 39 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố. Việc đảm bảo chi trả kịp thời, đầy đủ đã bảo vệ tốt quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền; góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội tại các địa phương có QTDND bị đổ vỡ. Từ năm 2015 đến nay, BHTGVN không phải chi trả tiền gửi được bảo hiểm.

Theo thông tin từ BHTGVN, kết thúc năm 2022, quỹ dự phòng nghiệp vụ của tổ chức này đã đạt trên 89 nghìn tỉ đồng, tổng nguồn vốn đạt trên 95 nghìn tỉ đồng. Đây là nguồn lực tài chính giúp BHTGVN có thể sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết, cũng như tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu các TCTD.
 
 
Hoàn thiện quy định pháp lý về chi trả tiền gửi được bảo hiểm
để BHTGVN thực hiện tốt vai trò trong quá trình tái cơ cấu các TCTD
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn trong quá trình triển khai công tác chi trả BHTG do quy định tại Luật BHTG chưa đồng bộ với các luật có liên quan, trong đó có Luật Các TCTD sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Cụ thể, trong những nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG có thay đổi về thời điểm chấm dứt kiểm soát đặc biệt, về thời điểm NHNN có văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD là tổ chức tham gia BHTG vẫn lâm vào tình trạng phá sản… Điều này dẫn đến yêu cầu cần nghiên cứu thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm tại Luật BHTG nhằm đảm bảo tính kịp thời, tránh gây áp lực lên hệ thống TCTD.

Hay như Luật Các TCTD sửa đổi, bổ sung năm 2017 chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của BHTGVN, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Ban Kiểm soát đặc biệt trong việc phối hợp kiểm soát tính hợp pháp của tiền gửi và tính lãi trả tiền bảo hiểm; xác định số tiền chi trả, xây dựng phương án chi trả trước khi kết thúc kiểm soát đặc biệt, phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm...
Quá trình triển khai nhiệm vụ chi trả tiền bảo hiểm những năm qua còn gặp khó khăn, do theo quy định của NHNN, trong thời gian kiểm soát đặc biệt vẫn được thực hiện hoạt động huy động vốn và cho vay. Tại một số QTDND yếu kém, không có khả năng phục hồi, có dấu hiệu chia nhỏ sổ tiết kiệm thành nhiều sổ dưới hạn mức trả tiền bảo hiểm để được chi trả hết. Nhưng Luật BHTG lại chưa quy định việc tổ chức BHTG từ chối trả tiền bảo hiểm trong trường hợp phát hiện có hành vi trục lợi BHTG.
BHTGVN cũng chưa có quyền yêu cầu ngân hàng lưu giữ thông tin về người gửi tiền theo định dạng được yêu cầu, hay lấy được dữ liệu tiền gửi để chuẩn bị chi trả tại các giai đoạn trước khi xảy ra sự cố tại các tổ chức tham gia BHTG; chưa có kinh nghiệm chi trả cho người gửi tiền tại các ngân hàng, công tác mô phỏng tình huống chi trả cũng chưa được thực hiện thường xuyên… Đây chính là những rào cản khiến công tác chi trả chưa thể được thực hiện nhanh chóng, kịp thời như theo thông lệ quốc tế khuyến nghị.

Hoàn thiện hành lang pháp lý về chi trả BHTG

Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 xác định rõ vai trò ngày càng quan trọng của BHTGVN trong việc góp phần ổn định hệ thống tài chính, ngân hàng, tích cực tham gia vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD.

Tại Chiến lược, một trong những mục tiêu BHTGVN đề ra là phấn đấu đến năm 2025, rút ngắn thời gian chi trả thực tế kể từ khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 30 ngày làm việc và đến năm 2030 là 15 ngày làm việc; qua đó, góp phần giúp người gửi tiền được sớm nhận lại tiền gửi của mình khi tổ chức tham gia BHTG được xử lý.

Để đạt được mục tiêu trên, BHTGVN cho biết, đến năm 2025, tổ chức này sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý về hoạt động BHTG, bao gồm tham gia, phối hợp chặt chẽ với NHNN và các bộ, ngành liên quan trong việc sửa đổi, bổ sung Luật BHTG; hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD nhằm triển khai những quy định liên quan đến hoạt động của tổ chức BHTG, bao gồm: Tăng cường năng lực tài chính cho tổ chức BHTG; đảm bảo ngăn chặn tình trạng trục lợi BHTG, trách nhiệm phối hợp giữa tổ chức BHTG và các cơ quan liên quan; tạo hành lang pháp lý để tổ chức BHTG tham gia thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG nhằm tối đa hóa giá trị thu hồi; quy định về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm theo hướng chi trả sớm hơn để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền…

BHTGVN cũng sẽ xây dựng kế hoạch dự phòng và diễn tập chi trả cho từng loại hình tổ chức tham gia BHTG; xây dựng sổ tay chi trả đối với từng loại hình tổ chức tham gia BHTG nhằm chuẩn hóa quy trình chi trả, đa dạng hóa hình thức chi trả, áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình chi trả nhằm rút ngắn thời gian chi trả thực tế.

Đối với vấn đề nâng cao năng lực tài chính, BHTGVN sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp luật để tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỉ đồng vào năm 2025 và lên 15.000 tỉ đồng vào năm 2030 từ nguồn tự tích lũy và các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm khẳng định cam kết của Nhà nước và nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với chính sách BHTG, đảm bảo nguồn lực triển khai hiệu quả hoạt động BHTG.

Cùng với đó, đề xuất tăng cường năng lực tài chính thông qua việc cho phép tổ chức BHTG đa dạng hóa hình thức và danh mục đầu tư; bổ sung hình thức vay từ NHNN trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức BHTG không đủ để trả tiền bảo hiểm. Nghiên cứu thực hiện, bổ sung danh mục đầu tư gồm: Mua và bán trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh; gửi tiền tại ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt; mua và bán trái phiếu, kì phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi do các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt phát hành; xây dựng đề án tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức BHTG tạm thời không đủ để trả tiền bảo hiểm.

Quốc hội đang cho ý kiến vào các vấn đề quan trọng của dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi; trong đó, có các biện pháp can thiệp sớm. Như vậy, khi Quốc hội thông qua Luật Các TCTD, vai trò của BHTGVN trong tham gia tái cơ cấu các TCTD sẽ được nâng lên.

Đồng thời, Luật BHTG với các nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung nếu được Quốc hội xem xét thông qua sớm trong thời gian tới sẽ tạo cơ sở pháp lý để tổ chức BHTG ngày càng nâng cao năng lực, tầm vóc; đổi mới và tăng cường hiệu quả hoạt động; chủ động tham gia vào quá trình xử lý các TCTD yếu kém. Đặc biệt là hoàn thiện quy định về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm theo hướng chi trả sớm hơn, để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. 

Phong Vân
 
 
 
Theo: Tạp chí Ngân hàng