Hoàn thiện pháp lý xếp hạng các tổ chức tín dụng

(Banker.vn) Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 52/2018/TT-NHNN (Thông tư 52) là bước đi hoàn thiện hơn nữa cơ sở pháp lý về xếp hạng các tổ chức tín dụng (TCTD) nhằm phản ánh đầy đủ thực trạng và mức độ rủi ro trong hoạt động của các TCTD; từ đó tăng cường hiệu quả công tác giám sát ngân hàng, kịp thời đưa ra các biện pháp xử lý đối với từng TCTD, đảm bảo an toàn, lành mạnh hệ thống các TCTD.

Đó là khẳng định của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các TCTD tại Tọa đàm trực tuyến lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 52/2018/TT-NHNN quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 27/8.

Phù hợp với thực tiễn, công bằng đối với các TCTD

Tại hội nghị, báo cáo vướng mắc trong thực tiễn thực hiện Thông tư 52 và nêu một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 52, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết: Đối với phương pháp xếp hạng, thời gian qua, kết quả đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế như Moody’s, Fitch Ratings, Standard&Poor’s đối với các Ngân hàng thương mại Việt Nam (NHTM) rất sát với thực tế. Vì vậy, ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị, Ngân hàng nhà nước (NHNN) xem xét xây dựng quy định xếp hạng các NHTM như đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế theo hướng: Xem xét chia nhỏ xếp hạng trong các xếp hạng lớn A, B, C, D, E thành các mức nhỏ hơn như A1, A2, B1, B2,… để đảm bảo ghi nhận việc phân loại được chính xác và đầy đủ nhất.

“Việc chia các mức xếp hạng chỉ gồm A, B, C, D, E như hiện tại đang quá rộng. Dải điểm trong một hạng cũng khá lớn, khiến nỗ lực của các ngân hàng trong việc cải thiện điểm số chưa được ghi nhận đúng khi các ngân hàng đạt điểm 4,49 sẽ đạt được xếp hạng tương tự ngân hàng đạt điểm 3.5” - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kiến nghị.

Bên cạnh đó, với việc phân nhóm các NHTM để xếp hạng, theo quy định tại Thông tư 52, các NHTM được phân thành 2 nhóm để xếp hạng: Nhóm NHTM có quy mô tổng tài sản trên 100 nghìn tỷ đồng và nhóm NHTM có quy mô tổng tài sản từ 100 nghìn tỷ đồng trở xuống.

Tuy nhiên, trong hệ thống TCTD hiện nay, quy mô tổng tài sản của các NHTM không đồng đều và có sự chênh lệch rất lớn về cấp độ. Các NHTM chênh lệch lớn về quy mô tổng tài sản từ 200-300 nghìn tỷ đồng, cách thức hoạt động, quản trị điều hành và hiệu quả kinh doanh rất khác nhau và đặc biệt là đối với các NHTM có quy mô tổng tài sản từ 1 triệu tỷ đồng trở lên. Đó là những NHTM có tầm quan trọng lớn, đóng vai trò trụ cột trong hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

Do đó, ông Nguyễn Thành Long cho rằng, các quy định về tiêu chí, điểm số và trọng số tại Thông tư 52 là chưa phù hợp để đánh giá, xếp hạng đối với các NHTM lớn. “Để tăng cường hiệu quả trong đánh giá, xếp hạng tổ chức tín dụng và làm cơ sở xây dựng bộ tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá tương ứng phù hợp, Ban soạn thảo xem xét phân nhóm các NHTM theo các cấp độ chi tiết hơn; trong đó, các NHTM có quy mô tổng tài sản từ 1 triệu tỷ đồng trở lên cần có phương thức đánh giá phù hợp” - ông Long nêu kiến nghị

Cũng đóp góp ý kiến việc đánh giá xếp hạng tổ chức tín dụng, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) kiến nghị: Cần có tiêu chí đánh giá rõ ràng hơn trên cơ sở xem xét đến tính chất đặc thù của các nhóm ngân hàng, TCTD. Như tính chất của Agribank đa số khoản vay nhỏ lẻ. Do đó, chí phí về hồ sơ, con người, quản lý giải ngân... tính trên từng khoản vay là rất lớn; rất khó để so sánh với những ngân hàng có đặc thù cho vay các khoản lớn.

Tương tự, việc đánh giá số lượng vi phạm để xác định điểm vi phạm của ngân hàng cũng nên xem xét đến số lượng chi nhánh. Đại diện Agribank cho rằng, việc đánh giá vi phạm nên đối chiếu với số lượng chi nhánh thì mới có thể so sánh chính xác được các ngân hàng với nhau, với quy mô số chi nhánh khác nhau.

Đối với vấn đề nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu, đại diện Agribank đề nghị Ban soạn thảo loại trừ nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc TCTD, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 và các văn bản sửa đổi, bổ sung khỏi nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu

Đồng quan điểm vấn đề nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho rằng: Các vướng mắc liên quan đến cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 và theo Nghị định 55, đối với một số TCTD như Agribank có lượng lớn khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và đặc điểm các khoản cấp tín dụng cho các đối tượng trong lĩnh vực này có mức độ rủi ro cao, phụ thuộc vào nguyên nhân khách quan như thiên tai, dịch bệnh. Do đó, nếu như việc siết các khoản vay được cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo các Nghị định 55 vào nợ cơ cấu tiềm ẩn rủi ro để đánh giá và xếp loại các TCTD thì có thể gây bất lợi đối với các TCTD có tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cao. Ngoài ra, điều này sẽ tác động làm giảm hiệu quả cơ chế chính sách của nhà nước.

Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đề nghị cơ quan thanh tra, giám sát cân nhắc lại chỉ tiêu này để có những đánh giá khách quan, phù hợp với thực tiễn, công bằng đối với các TCTD.

Đóng góp ý kiến về chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh, các TCTD cho rằng, năm 2020, các TCTD đã chủ động giảm thu nhập để chung tay chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp trong cả nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Năm 2021, các TCTD tiếp tục cắt giảm thu nhập để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong cả nước theo chủ trương của Chính phủ và NHNN. Việc giảm thu nhập này ảnh hưởng lớn đến thu nhập lãi cận biên và lợi nhuận trước thuế của các TCTD, dẫn đến giảm điểm các chỉ tiêu trong nhóm tiêu chỉ Kết quả hoạt động kinh doanh. Do đó, các TCTD đề nghị NHNN xem xét cho phép các TCTD ghi nhận lại khoản thu nhập đã giảm để đánh giá chính xác kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ, tạo động lực cho các ngân hàng tiếp tục ủng hộ, thực hiện theo các chủ trương chia sẻ, hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ và NHNN.

Các tiêu chí về vốn, chất lượng tài sản hay quản trị điều hành, hay khả năng thanh khoản cũng được các TCTD góp ý vào sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 52 (hình minh hoạ)

Tại hội nghị đại diện các TCTD cũng đưa ra nhiều ý kiến góp ý đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 52 như: Góp ý các tiêu chí về vốn, chất lượng tài sản hay quản trị điều hành, hay khả năng thanh khoản, mức độ rủi nhạy cảm đối với rủi ro thị trường, về ngưỡi tính điểm từng chỉ tiêu định lượng và cách tính điểm nhóm chỉ tiêu định tính… cũng được đại diện các TCTD đóng góp ý kiến.

Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý

Phát biểu tại hội nghị, Đại diện đơn vị soạn thảo Thông tư 52 - Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng, NHNN cho biết, Thông tư 52 quy định xếp hạng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được NHNN ban hành ngày 31/12/2018. Theo đó, Thông tư 52 ra đời nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về hoạt động của các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Cụ thể: Xếp hạng, đánh giá, nhận diện các TCTD yếu kém, từ đó đưa các biện pháp can thiệp cùng những giải pháp như tái cơ cấu lại các TCTD nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và nâng cao mức hoạt động an toàn của các TCTD.

Qua 2 năm thực hiện xếp hạng (năm 2019 - 2020), Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng ghi nhận rằng các TCTD rất quan tâm đến Thông tư này. Đặc biệt, điểm xếp hạng của các TCTD đã thay đổi theo từng năm, theo hướng tích cực kể cả mặt định lượng và mặt định tính.

Cụ thể về mặt định tính, số vi phạm của các TCTD giảm hơn so với trước đây. “Điều này chứng tỏ các TCTD rất quan tâm và đánh giá cao các chỉ số của Thông tư 52 và vấn đề tuân thủ các chỉ số này ngày càng cao, mức độ rủi ro của hệ thống ngày càng giảm” - Đại diện Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng đánh giá.

Tuy nhiên, theo đại diện Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng, trong quá trình thực tiễn thực hiện Thông tư 52 đã phát sinh nhiều vướng mắc, đặc biệt cơ quan ban hành, soạn thảo nhận thấy hiện nay các văn bản, quy phạm pháp luật có nhiều thay đổi, nhất là giai đoạn cuối năm 2019, đầu năm 2020, khi các TCTD áp dụng Thông tư 41, và sửa đổi bổ sung Thông tư 22. Do vậy Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng và tổ xây dựng đang cân nhắc và xem xét sự cần thiết để thay đổi nội dung của Thông tư 52 cho phù hợp với thực tiễn nhằm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xếp hạng các TCTD thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 52 cũng là bước đi hoàn thiện hơn nữa cơ sở pháp lý về xếp hạng các TCTD nhằm phản ánh đầy đủ thực trạng và mức độ rủi ro trong hoạt động của các TCTD; từ đó tăng cường hiệu quả của công tác giám sát ngân hàng, giúp kịp thời đưa ra các biện pháp xử lý đối với từng TCTD nhằm đảm bảo an toàn, lành mạnh hệ thống các TCTD. Bởi, các chỉ đạo, định hướng của các cấp có thẩm quyền liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong lĩnh vực ngân hàng đều tập trung vào việc tăng cường hiệu quả công tác giám sát hoạt động của các TCTD.

Đại diện Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng cho rằng, từ các ý kiến đóng góp của Hiệp hội ngân hàng Việt Nam và các TCTD sẽ giúp việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định tại Thông tư 52 phù hợp với thực tiễn, công bằng với các TCTD và phù hợp với bối cảnh nền kinh tế trong thời gian tới.

Hoàng Lan

Theo Báo Công thương

Theo: Báo Công Thương