Hoàn thiện khuôn khổ pháp lí để bảo vệ người gửi tiền tốt hơn

(Banker.vn) Luật Bảo hiểm tiền gửi (Luật BHTG) được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2013 đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hoạt động bảo hiểm tiền gửi (BHTG) trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.
Luật Bảo hiểm tiền gửi (Luật BHTG) được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2013 đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hoạt động bảo hiểm tiền gửi (BHTG) trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền. Luật BHTG là văn bản pháp lí cao nhất điều chỉnh hoạt động BHTG tại Việt Nam và là cơ sở bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần ổn định hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD). Thực tiễn sau 10 năm triển khai, Luật BHTG đã cho thấy một số tồn tại và bất cập cần sửa đổi, bổ sung để bảo đảm đồng bộ các quy định pháp luật liên quan, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền.
 

 
Thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng

Luật BHTG trải qua 10 năm đi vào cuộc sống đã nâng cao hiệu quả của chính sách BHTG, đưa chủ trương bảo vệ người gửi tiền và bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng lên một tầm cao mới. Luật BHTG đã xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lí nhà nước về BHTG, tổ chức BHTG, tổ chức tham gia BHTG cũng như quy định về quyền lợi của người gửi tiền được BHTG.

Sau khi Luật BHTG có hiệu lực, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã tham gia hỗ trợ, tái cơ cấu các TCTD theo quy định của Luật cũng như các văn bản dưới Luật, theo chỉ đạo của NHNN để bảo vệ người gửi tiền, góp phần duy trì sự phát triển lành mạnh của các TCTD.

Cụ thể, BHTGVN bảo vệ người gửi tiền thông qua các hoạt động nghiệp vụ giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ đối với 100% tổ chức tham gia BHTG, đồng thời thực hiện kiểm tra chuyên sâu theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Khi phát hiện các vấn đề sai sót, tồn tại cũng như các rủi ro, yếu kém, BHTGVN báo cáo NHNN để chấn chỉnh, xử lí.

BHTGVN tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHTG nhằm nâng cao niềm tin công chúng, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD. Nhờ vậy, đã góp phần giảm thiểu các rủi ro dẫn tới đổ vỡ TCTD.

Hiệu quả của Luật BHTG thể hiện rõ nhất qua việc từ năm 2015 cho tới nay, không xảy ra đổ vỡ, phá sản tổ chức tham gia BHTG. Việc thực thi chính sách BHTG đã góp phần giúp các TCTD hoạt động ổn định, an toàn, không có rủi ro mang tính hệ thống, quyền lợi của người gửi tiền được đảm bảo.

Với người gửi tiền, BHTGVN cam kết chi trả theo hạn mức trả tiền bảo hiểm 125 triệu đồng khi tổ chức tham gia BHTG bị mất khả năng chi trả hoặc phá sản. Từ khi thành lập tới nay, BHTGVN đã chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền tại 39 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) bị giải thể, phá sản.

Nguồn lực tài chính của tổ chức BHTG đã có sự phát triển mạnh qua từng năm, đủ khả năng phản ứng kịp thời khi TCTD gặp sự cố và sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ khác mà Chính phủ, NHNN giao để góp phần tham gia có hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém.

Có thể nói, những năm qua, với việc triển khai có hiệu quả Luật BHTG - hành lang pháp lí cao nhất cho hoạt động của BHTGVN, quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền luôn được bảo đảm, sự ổn định của hệ thống các TCTD cũng được duy trì.

Những tồn tại cần tháo gỡ

Những bất cập, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật BHTG tập trung ở việc Luật chưa quy định, quy định chưa rõ hoặc có quy định nhưng chưa thống nhất với luật khác.

Một số quy định tại Luật BHTG chưa cụ thể, dẫn tới quá trình thực hiện còn gặp khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, Luật BHTG quy định, tiền gửi được bảo hiểm gồm tiền gửi có kì hạn, tiền gửi không kì hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kì phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các TCTD. Tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật chưa có quy định rõ về “các hình thức tiền gửi khác”; do vậy, còn có các quan điểm khác nhau trong việc xác định tiền gửi được bảo hiểm đối với hình thức như tiền gửi kí quỹ, thẻ trả trước...

Việc áp dụng mức phí BHTG phân biệt giữa các TCTD còn khó khăn. Hệ thống các TCTD vẫn đang trong quá trình cơ cấu lại, gắn với trọng tâm là xử lí căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém. Việc áp dụng phí BHTG phân biệt sẽ làm tăng gánh nặng tài chính đối với các tổ chức tham gia BHTG; đặc biệt, những TCTD có độ rủi ro cao, gia tăng khó khăn cho quá trình tái cơ cấu và xử lí nợ xấu của các tổ chức này.

Ngoài ra, Luật BHTG quy định tổ chức BHTG được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN và gửi tiền tại NHNN nhưng chưa quy định BHTGVN được bán trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN khi cần thiết.

Đi kèm với quá trình tái cơ cấu các TCTD, các cơ chế, chính sách đã được sửa đổi, tiêu biểu là Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD đã trao thêm chức năng, nhiệm vụ mới cho BHTGVN nhằm tham gia tích cực vào quá trình này. BHTGVN được giao nhiệm vụ cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt; mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ; tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi QTDND, tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính; tham gia xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt, tham gia Ban kiểm soát đặc biệt... Đây là những chức năng, nhiệm vụ chưa được quy định tại Luật BHTG.

Quốc hội, Chính phủ gần đây có nhiều chỉ đạo NHNN liên quan đến việc cần sớm sửa đổi Luật BHTG giai đoạn 2022 - 2025 để nâng cao vai trò của BHTGVN trong tái cơ cấu hệ thống các TCTD. Điều này được thể hiện trong rất nhiều văn bản như: Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, một trong ba dự án luật quan trọng Chính phủ giao NHNN xây dựng, triển khai cho giai đoạn 2015 - 2025 đó là “Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHTG”; Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi Luật BHTG để sử dụng nguồn tiền kết dư phí BHTG xử lí các TCTD yếu kém.  

Bên cạnh đó, ngày 30/12/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1660/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật BHTG giai đoạn 2022 - 2025 là nội dung quan trọng được đề cập tại Quyết định này.

Đồng thời, tại Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022, Quốc hội yêu cầu việc tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lí, tổ chức thực hiện có hiệu quả về chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trong đó có các luật như: Luật Các TCTD, Luật BHTG, Luật NHNN và các văn bản liên quan, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD. Tiếp đến, tại phiên họp cho ý kiến về việc bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 với Dự án Luật Các TCTD (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý việc sửa đổi Luật Các TCTD cần song hành với sửa đổi Luật BHTG để đảm bảo tính đồng bộ.

Như vậy, có thể thấy, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền là quan điểm xuyên suốt của Chính phủ. Để thực hiện tốt mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra đó là sớm sửa đổi Luật BHTG. Theo các chuyên gia kinh tế, Luật BHTG sửa đổi cần được xây dựng theo hướng khắc phục những bất cập từ thực tiễn triển khai; bám sát, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về BHTG và vấn đề cơ cấu lại TCTD yếu kém. Đặc biệt là định hướng sử dụng công cụ BHTG vào quá trình can thiệp sớm thông qua việc quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của tổ chức BHTG; bổ sung quyền hạn cho BHTGVN tham gia tái cơ cấu, xử lí QTDND yếu kém như: Tiếp quản trực tiếp, tham gia quản trị hoặc góp vốn để chi phối hoạt động của QTDND...

Luật BHTG sửa đổi cũng cần trao quyền cho BHTGVN được tiếp cận sâu và đầy đủ thông tin về đánh giá sự lành mạnh của TCTD; bổ sung chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN như: Quy định BHTGVN phối hợp với NHNN kiểm tra, giám sát QTDND trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng theo yêu cầu của NHNN...

Về cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt, bổ sung quy định BHTGVN cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt để thống nhất với quy định tại Luật Các TCTD sửa đổi năm 2017 và cụ thể hóa một số nội dung để đảm bảo cơ sở pháp lí cho BHTGVN trong quá trình cho vay đặc biệt, ví dụ: Nguồn vốn cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản đối với TCTD, cơ chế xử lí rủi ro...

Việc sửa đổi Luật BHTG cần bổ sung các quy định để BHTGVN tăng cường hơn trong khâu giám sát, kiểm tra, cảnh báo sớm rủi ro hoạt động của các TCTD; sửa đổi, bổ sung về nguồn vốn hoạt động và việc mở rộng danh mục đầu tư để tăng cường năng lực tài chính cho tổ chức BHTG.

Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung quy định về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm theo hướng chi trả sớm hơn để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực từ BHTG vào thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại TCTD yếu kém, xử lí nợ xấu nhằm bảo vệ tốt hơn người gửi tiền, nâng cao niềm tin công chúng vào hệ thống các TCTD.

Tại Hội thảo của Ủy ban châu Á - Thái Bình Dương (APRC), Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) năm 2023 với chủ đề “Tăng cường vai trò của tổ chức BHTG trong phát hiện sớm và can thiệp kịp thời” do BHTGVN đăng cai tổ chức từ ngày 09-10/11/2023, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, hiện nay, Việt Nam đang xây dựng dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi nhằm hoàn thiện quy định và xử lí những vướng mắc, bất cập của pháp luật về TCTD.

Đối với BHTGVN, theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi dự kiến nâng tầm vị trí, giao trách nhiệm hơn nữa qua việc bổ sung thêm một số chức năng, nhiệm vụ trong can thiệp sớm và xử lí TCTD yếu kém. Đây cũng là tiền đề quan trọng và tiếp nối cho quá trình sửa đổi Luật BHTG.

“Chắc chắn, sau khi các Luật được sửa đổi, BHTGVN sẽ trở thành một định chế tài chính lớn, có vai trò, chức năng quan trọng hơn”, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Về phía BHTGVN, đã chủ động thực hiện tổng kết thi hành Luật BHTG và nghiên cứu đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật BHTG. Hi vọng trong bối cảnh sửa đổi Luật Các TCTD là yêu cầu cấp bách, có ý nghĩa quan trọng để củng cố nền tảng cho các TCTD, đảm bảo an toàn hệ thống; khi dự thảo Luật Các TCTD được Quốc hội thông qua sẽ tạo đòn bẩy cho việc tiếp tục xem xét sửa đổi, bổ sung Luật BHTG để bảo vệ người gửi tiền, đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD ngày một hiệu quả hơn.  

BHTGVN cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục củng cố năng lực tài chính, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động; tích cực tham gia tái cơ cấu hệ thống các TCTD; đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHTG tới người gửi tiền để giữ vững vai trò, tôn chỉ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và là công cụ đắc lực của Chính phủ, NHNN trong đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. 

VH
Theo: Tạp chí Ngân hàng
    Bài cùng chuyên mục