Hoàn thiện khung pháp lý để xử lý nợ xấu

(Banker.vn) Trong Đối thoại Hoàn thiện pháp lý về xử lý nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 kết thúc thí điểm do Tạp chí Kinh tế Việt Nam vừa tổ chức, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu, trước mắt, ngành ngân hàng phải khẩn trương rà soát, đánh giá, tổng kết những khó khăn, vướng mắc và xem xét sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng.

Toàn cảnh Đối thoại Hoàn thiện pháp lý về xử lý nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 kết thúc thí điểm

TS. Nguyễn Quốc Hùng nhận định, Nghị quyết 42 có vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình xử lý nợ xấu thời gian qua. Những quy định tại Nghị quyết 42 có hiệu quả hết sức to lớn trong việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng và cần thiết phải áp dụng những nội dung trong Nghị quyết 42 để tiếp tục xử lý nợ xấu. Do vậy, khi chưa có hành lang pháp lý mới cho việc xử lý nợ xấu thì việc kéo dài hiệu lực của Nghị quyết 42 là cần thiết để tạo ra một lộ trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, có thể là sửa, ban hành Luật xử lý nợ xấu hoặc sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng.

TS. Nguyễn Quốc Hùng Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

“Việc ban hành một bộ luật về xử lý nợ xấu hoặc sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan nợ xấu ở tất cả các luật khác trong chưa đầy 1 năm là rất khó. Tôi nghĩ trước mắt, ngành ngân hàng phải khẩn trương rà soát, đánh giá, tổng kết những khó khăn, vướng mắc tại Nghị quyết 42 và những quy định pháp luật khác và xem xét sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng”, ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, xử lý tốt nợ xấu giúp tăng nguồn lực cung cấp tín dụng cho nền kinh tế. Nợ xấu là vấn đề liên tục và cần phải có một khung pháp lý tránh tình trạng cộng dồn tích tụ tạo nên những nguy cơ, những điểm tắc nghẽn cho kinh tế quốc gia.

Nghị quyết 42 phát huy hiệu quả rất tốt trong thời gian vừa qua. Nhờ thế mà bức tranh nợ xấu giảm rõ rệt. Nếu không có dịch COVID-19, sứ mệnh đưa nợ xấu gộp xuống dưới 3% đã hoàn thành vào cuối năm 2020. Một chính sách có hiệu quả như vậy, TS. Cấn Văn Lực cho rằng nên thực hiện tiếp, còn những vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 42, có thể xử lí trong thời gian được gia hạn và sau đó khi luật hóa các quy định xử lý nợ xấu phải lưu ý các vướng mắc đó để không lặp lại.

TS. Cấn Văn Lực đề xuất 2 bước, trước hết gia hạn Nghị quyết 42 đến 31/12/2023. Như vậy từ nay đến trước thời điểm đó, phải chuẩn bị các bước để luật hóa xử lý nợ xấu không tạo ra khoảng trống pháp lý và từng bước xử lý các vướng mắc. Tiếp đó, cần hình thành bộ luật riêng về xử lý nợ xấu hoặc có một chương trong Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước

Chia sẻ về vấn đề này, bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước cho biết ngày 16/6/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về nội dung của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15; trong đó đã giao cho Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hoá các nội dung của Nghị quyết 42, đồng thời sửa đổi bổ sung Luật các tổ chức tín dụng. Để triển khai Nghị quyết của Quốc hội, NHNN đã tích cực, chủ động trong việc rà soát sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng cũng như Nghị quyết 42.

Trong quá trình nghiên cứu, NHNN nhận thấy các nội dung mà luật hóa Nghị quyết 42 và sửa đổi bổ sung Luật các tổ chức tín dụng, sẽ cần luật hoá toàn bộ nội dung của Nghị quyết 42. Trong đó, cũng bổ sung một số nội dung Nghị quyết 42 như quyền xử lý tài sản bảo đảm của các dự án là bất động sản; thu giữ tài sản bảo đảm; áp dụng thủ tục rút gọn.

Hiện tại với Nghị quyết 42, việc áp dụng trình tự xử lý rút gọn tại tòa áp dụng đối với quyền tranh chấp tài sản sản, tranh chấp quyền thu giữ tài sản. Tranh chấp hiện nay của các tổ chức tín dụng là tranh chấp về hợp đồng tín dụng. Do đó, các chính sách trong Nghị quyết 42 cũng cần sửa đổi, bổ sung trong quá trình xây dựng hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu.

Tiếp đến, trong quá trình triển khai Nghị quyết thì phải xây dựng luật. Trong đó có xây dựng báo cáo đánh giá tác động, thì NHNN trên tinh thần tổng kết các khó khăn của các tổ chức tín dụng, VAMC cũng như các bộ, ngành liên quan đã xây dựng các chính sách và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động của văn bản. Hiện nay, NHNN đã triển khai công việc đó, dự kiến trong khoảng tháng 7 và 8 này sẽ chính thức lấy ý kiến.

Ngoài ra, bên cạnh những khó khăn vướng mắc mà NHNN đã nhận diện được trong quá trình tổng kết Nghị quyết 42 thì NHNN cũng đang lấy ý kiến của các chuyên gia, các ngân hàng thương mại để có ý kiến bổ sung thêm trong quá trình luật hoá.

“Theo Nghị quyết của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, Chính phủ phải hoàn thiện khung khổ pháp lý trên cơ sở kế thừa các chính sách của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng và các luật liên quan để trình kết quả đề xuất lên Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 5 (tháng 5/2023); sau đó, Quốc hội cho ý kiến hoàn thiện và thông qua vào kỳ họp tháng 10/2023, nhằm tránh khoảng trống pháp lý xử lý nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023” , bà Vũ Ngọc Lan cho biết thêm.

TS. Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ, các ngân hàng - tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp, mà là doanh nghiệp đặc biệt, kinh doanh mặt hàng đặc biệt là tiền, cần đối xử công bằng, đúng như các doanh nghiệp. "Với vai trò Hiệp hội Ngân hàng, chúng tôi đã rà soát những vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu liên quan đến các Bộ Luật dân sự, Luật nhà ở… để tổng hợp kiến nghị với ban soạn thảo NHNN. Hiệp hội sẽ đồng hành cùng NHNN đối chiếu các luật đang sửa đổi với Nghị quyết 42, kiến nghị ngay với cơ quan soạn thảo luật đó những vướng mắc, vừa đảm bảo giải quyết khó khăn của ngành ngân hàng và khó khăn chung, vừa đảm bảo kịp thời sửa đổi trong quá trình thực thi luật", Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhấn mạnh.

Bùi Trang

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục