Hoàn thiện hệ sinh thái logistics cho thương mại điện tử

(Banker.vn) Một số trung tâm logistics đặt tại các khu công nghiệp gần đại đô thị đã giải quyết bài toán khó cho thương mại điện tử, nhờ hình thành hệ sinh thái hoàn chỉnh.
Sắp diễn ra hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới Gần 200 giảng viên đại học được đào tạo về thương mại điện tử và kinh tế số Thương mại điện tử của Việt Nam có thể cán mốc 300.000 tỷ đồng

Thương mại điện tử tiếp tục đi lên, hệ sinh thái dần thành hình

Theo ước tính của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tăng trưởng ngành thương mại điện tử (TMĐT) trong quí 1 vừa qua ước đạt trên 22% so với cùng kỳ, cả năm vẫn có thể đạt trên 25%. Trong năm ngoái, tốc độ tăng trưởng của ngành là 25% với quy mô trên 20 tỉ đô la Mỹ.

Không chỉ có các sàn TMĐT, hoạt động mua bán trực tuyến diễn ra khắp các nền tảng, nổi bật trong thời gian qua là TiktokShop, hay ở nhiều doanh nghiệp (65% doanh nghiệp triển khai kinh doanh trên mạng xã hội, theo khảo sát của VECOM).

Một trong những động lực giúp giữ đà tăng trưởng cho TMĐT là dịch vụ phụ trợ đi cùng phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Những nút thắt trong ngành như câu chuyện thanh toán khi nhận hàng (COD), dịch vụ kho bãi, giao hàng,… đang dần được giải quyết bằng xu hướng hình thành hệ sinh thái tương hỗ nhau.

Hệ sinh thái được xem là mục tiêu chung của ngành TMĐT vì đường đi của hàng hóa phải trải qua nhiều kho hàng khác nhau. Khi đơn hàng được xác nhận, hàng từ người bán đổ về kho hàng của sàn giao dịch TMĐT, đến kho hàng của dịch vụ hậu cần, dịch vụ giao hàng, rồi sau đó mới đến tay khách hàng.

Bài toán của TMĐT là phải tối ưu hóa quy trình này để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh so với mua hàng truyền thống. Do đó, một trong những thách thức lớn và đầu tiên để phát triển dịch vụ hậu cần cho TMĐT là câu chuyện kho bãi.

Trên thực tế, đầu tư kho bãi sẽ tùy thuộc vào từng người bán, số đơn hàng hay đặc thù hàng hóa. Nhưng với những sàn TMĐT thuộc tốp đầu, diện tích kho cần phải đủ lớn thì mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Thống kê chưa chính thức cho thấy, quy mô kho dành riêng cho TMĐT đang chiếm một con số khiêm tốn, với khoảng trên dưới 5% diện tích kho Logistics trên thị trường, chủ yếu tập trung tại hai đầu TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Riêng ở khu vực phía Bắc thì các nhà TMĐT thường ưu tiên lựa chọn Bắc Ninh, vì Hà Nội không có diện tích kho lớn.

Hoàn thiện hệ sinh thái

Trong xu hướng tăng cường đầu tư hạ tầng Logistics, có một điểm dễ nhận thấy là thị trường đang dần hình thành những trung tâm hậu cần sở hữu hệ sinh thái giúp tăng cường tính hiệu quả của các doanh nghiệp trong lĩnh vực TMĐT.

Chẳng hạn như tổ hợp thương mại điện tử Tân Phú Trung (Củ Chi, TPHCM) của Công ty Cổ phần Phát triển Công Nghiệp BW (BW) hiện là điểm điểm đến của nhiều doanh nghiệp hoạt động liên quan đến TMĐT như Shopee Express, J&T Express, Best Logistics, GHTK,… đều là những công ty trang bị hệ thống phân phối hàng tự động.

Hoàn thiện hệ sinh thái logistics cho thương mại điện tử

Tổ hợp thương mại điện tử của Tân Phú Trung của Công ty BW

Chọn đặt kho hàng cho doanh nghiệp tại các khu công nghiệp sở hữu hệ sinh thái sẽ là xu hướng tiếp theo của lĩnh vực TMĐT, vì để đầu tư và hình thành được hệ sinh thái dịch vụ thì rất tốn kém cả về chi phí và thời gian.Yếu tố đầu tiên là quỹ đất phải đủ lớn để phát triển nhà kho, trong đó cân nhắc cả cơ hội mở rộng cùng sự tăng trưởng của ngành trong tương lai. Vị trí cũng là điều kiện đặc biệt quan trọng, cần phải đủ gần đến sân bay, cảng biển, khu đô thị và cả các cơ quan quản lý chuyên ngành như hải quan. Tiếp theo đó sẽ là điều kiện kỹ thuật như đòi hỏi quy mô vốn hay công nghệ kho bãi đạt tiêu chuẩn, kinh nghiệm quản lý.

Ngoài những điều kiện cần như trên, điều kiện đủ là phải có đủ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mang tính tương hỗ lẫn nhau, như sàn TMĐT, công ty cung cấp dịch vụ quản lý đơn hàng (fulfilment), hay dịch vụ giao hàng chặng cuối (last-mile delivery) có hệ thống phân loại và sắp hàng tự động. Dĩ nhiên các khu công nghiệp sẽ phải mất thời gian để chứng minh tính hiệu quả nhằm thu hút các doanh nghiệp trong ngành.

Lance Li, Tổng giám đốc BW cho hay: “Sau 4 năm phát triển với chiến lược xây dựng hệ sinh thái logistics dành riêng cho lĩnh vực TMĐT, khu công nghiệp Tân Phú Trung của BW đến nay đã sở hữu hệ sinh thái khép kín, là sự lựa chọn đầu tiên ở khu vực phía Nam với các công ty tham gia trong chuỗi cung ứng cho ngành TMĐT. Ngoài ra, khu công nghiệp này còn nhiều khách thuê khác là các nhà bán lẻ chọn làm kho hàng, nhờ lợi thế về vị trí khi nằm gần đại đô thị TP Hồ Chí Minh”.

Hoàn thiện hệ sinh thái logistics cho thương mại điện tử
Ông Lance Li, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp BW

Trong khi đó, ông Đinh Duy Linh, Tổng giám đốc công ty Phúc Đức Minh – đơn vị tư vấn vị trí kho vận chiến lược cho các công ty TMĐT và 3PL cho rằng, những khu sinh thái logistics như Tân Phú Trung vẫn cần có thêm hệ thống thông quan 1 cửa cho hàng hoá TMĐT xuyên biên giới để hoàn thiện hệ sinh thái hoàn chỉnh.

Hoàn thiện hệ sinh thái logistics cho thương mại điện tử

Ông Đinh Duy Linh, Tổng giám đốc công ty Phúc Đức Minh


Hiện nay, thị trường đang chờ Nghị định về quản lý hàng hóa loại này, dự kiến nhập khẩu vào kho ngoại quan đường biển và đường hàng không số lượng lớn, dưới sự giám sát của Hải quan. Khi có bất kỳ đơn hàng thành công trên sàn TMĐT sẽ được thông quan (đóng thuế hoặc miễn thuế theo quy định) xuất ra khỏi kho ngoại quan và giao tới người tiêu dùng trong cả nước, hoặc xuất khẩu giao đi nước ngoài. Quy định này sẽ ảnh hưởng lớn đến các hoạt động TMĐT. Hàng hóa thông quan theo qua kho ngoại quan cũng sẽ minh bạch hơn, người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng lợi khi có nhiều sự lựa chọn hơn” - ông Linh cho hay.

Cũng theo ông Linh, nghị định này cũng được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy hàng hóa của Việt Nam đi ra thế giới. Nếu thuận lợi, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể giảm chi phí, giảm thời gian giao hàng nhờ đặt kho hàng tại các khu công nghiệp có hệ sinh thái Logistics hoàn chỉnh.

PV

Theo: Báo Công Thương