Hoàn thiện chính sách phát triển hạ tầng gắn với công nghiệp hiện đại

(Banker.vn) Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13 ngày 16/1/2012 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
“Tin vui” liên tục cho ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn Việt Nam Sản xuất công nghiệp tăng tốc ngay đầu năm: Quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa ký ban hành Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Bộ Chính trị kết luận sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 13- NQ/TW đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, nhiều chương trình, dự án, công trình được đưa vào khai thác, vận hành, phát huy hiệu quả, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng, thủy lợi, đô thị, thông tin và truyền thông…

Tuy nhiên, Bộ Chính trị cho rằng, việc thực hiện mục tiêu cơ bản của Nghị quyết số 13- NQ/TW chưa đạt yêu cầu đề ra, chưa tạo được bước đột phá trong huy động nguồn lực, hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững.

Một số cơ chế, chính sách ban hành chậm, thiếu thống nhất; công tác quản lý nhà nước, phân cấp, phân quyền còn bất cập. Tình trạng ách tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân tại một số đô thị lớn…

Khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật

Nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết 13, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, có các giải pháp chủ yếu để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đi trước một bước; có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên những lĩnh vực đột phá, cơ bản…

Phấn đấu đến năm 2030, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng tương xứng với nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, kết nối với khu vực và thế giới.

Định hướng đến năm 2045, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại gắn với nước phát triển, thu nhập cao; kết nối và hội nhập với phát triển của thế giới.

Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng yêu cầu khẩn trương rà soát, sửa đổi, ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng gắn với mục tiêu xây dựng công nghiệp hiện đại đến năm 2030, nhất là chính sách, pháp luật về đầu tư công, quy hoạch, đối tác công - tư, ngân sách nhà nước, phát triển hạ tầng số, kinh tế số, xã hội số...

Đồng thời, nghiên cứu tổ chức thí điểm mô hình đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công; hoàn thiện mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD); xây dựng cơ chế tài chính đặc thù đối với các công trình hạ tầng văn hóa, xã hội.

Cùng với đó là xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để hình thành một số tập đoàn kinh tế lớn hàng đầu, có đủ nguồn lực, năng lực quản trị hiện đại, tiếp cận, chuyển giao và làm chủ được công nghệ tiên tiến trong đầu tư, xây dựng những công trình hạ tầng lớn, có ý nghĩa quan trọng, chiến lược đối với phát triển đất nước.

Hoàn thiện chính sách phát triển hạ tầng gắn với công nghiệp hiện đại
Tuyến tàu điện Cát Linh-Hà Đông ở Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước

Một vấn đề quan trọng khác được Bộ Chính trị nhấn mạnh là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phân cấp, phân quyền gắn với năng lực tổ chức thực hiện và đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu ở địa phương, rút ngắn quy trình ra quyết định, tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện đầu tư.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo sự liên thông giữa các thủ tục đầu tư với các thủ tục về đất đai, xây dựng, đấu thầu, môi trường; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước tham gia; phân cấp đầu tư và giao trách nhiệm cho người đứng đầu trong quyết định đầu tư.

Bộ Chính trị cũng lưu ý việc nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách rút ngắn quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng; tách dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư ra khỏi dự án đầu tư theo quy hoạch…

Bên cạnh đó, Bộ Chính trị yêu cầu huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, ưu tiên phân bổ vốn ngân sách nhà nước cho công trình, dự án quan trọng…; đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội.

Nghiên cứu hình thành quỹ phát triển hạ tầng, áp dụng linh hoạt trần nợ công gắn với khả năng trả nợ để tăng thêm nguồn lực, phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng.

Ưu tiên nguồn lực cho các dự án hạ tầng

Bộ Chính trị lưu ý tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Phát triển hạ tầng năng lượng, nhất là bảo đảm cung cấp đủ, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội và an ninh năng lượng; hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, nhất là các đô thị lớn; tạo sự đột phá trong phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ số…

Bên cạnh đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các trục cao tốc Đông - Tây và các tuyến giao thông kết nối đa phương thức theo quy hoạch; các sân bay quốc tế; hạ tầng các cảng biển lớn, các tuyến đường thủy nội địa có nhu cầu vận tải lớn; dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái (Quảng Ninh) - Hải Phòng, TP.HCM- Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành...

Cùng với đó là tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, tàu điện ngầm có quy mô vận tải lớn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn khác.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu tập trung xây dựng hạ tầng số với công nghệ tiên tiến, hiện đại; phát triển đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ sở dữ liệu lớn, trung tâm dữ liệu lớn; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin...

Mục tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/01/2012:

Tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư giải quyết cơ bản những tắc nghẽn, quá tải, bức xúc và từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội tương đối đồng bộ với một số công trình hiện đại, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững, tăng cường hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách vùng, miền và nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh và giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia, đáp ứng yêu cầu nước ta cơ bản đạt được quy mô và trình độ của nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Cùng với yêu cầu phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, cần tập trung nguồn lực cho 4 lĩnh vực trọng tâm với các mục tiêu cụ thể như sau:

- Về hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế lớn với nhau và với các đầu mối giao thông cửa ngõ bằng hệ thống giao thông đồng bộ, năng lực vận tải được nâng cao, giao thông được thông suốt, an toàn.

- Về hạ tầng cung cấp điện, bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; đi đôi với tiết kiệm, giảm tiêu hao điện năng.

- Về hạ tầng thuỷ lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm tưới tiêu chủ động cho diện tích lúa 2 vụ, các vùng cây công nghiệp và nguyên liệu, nuôi trồng thuỷ sản tập trung. Chủ động phòng, tránh bão, lũ, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

- Về hạ tầng đô thị lớn, từng bước phát triển đồng bộ và hiện đại, giải quyết cơ bản tình trạng ách tắc giao thông, úng ngập; cung cấp ổn định điện, nước và xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

Vũ Sơn

Theo: Báo Công Thương