Hoạt động ổn định
Thông tin tại Hội nghị trực tuyến về Quỹ tín dụng nhân dân năm 2024 được tổ chức ngày 9/4, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, trong thời gian qua, Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước luôn quan tâm, sát sao chỉ đạo cùng các đơn vị vụ, cục, chi nhánh tiến hành đề án tái cơ cấu trong suốt giai đoạn gần chục năm. Đến thời điểm này, hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân tiếp tục được củng cố, chấn chỉnh.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra Quỹ tín dụng nhân dân đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vi phạm, tồn tại của các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn. Công tác xử lý các Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém đạt được nhiều kết quả tích cực. Hầu hết các quỹ đã và đang triển khai một cách tích cực Đề án tái cơ cấu.
Cùng với tăng cường công tác thanh tra giám sát của các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cùng sự vào cuộc của các vụ, cục chức năng nên Đề án tái cơ cấu đã từng bước được triển khai hiệu quả, nhiều Quỹ tín dụng nhân dân đã ổn định và phát triển, thể hiện sự lành mạnh hơn… Sự phối hợp trao đổi thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố với các sở, ban, ngành, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam được tăng cường. Số lượng Quỹ tín dụng nhân dân được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam thực hiện kiểm tra theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tăng lên qua từng năm và đạt hiệu quả.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị |
Có được kết quả trên theo đánh giá của Phó Thống đốc Đào Minh Tú là nhờ nhận diện một cách kịp thời cũng như đưa ra những giải pháp, nhiệm vụ được đặt ra trong một giai đoạn, từng năm, từng quý một cách tích cực và quyết liệt. Bên cạnh đó, tinh thần tập trung xử lý tháo gỡ nhanh những khó khăn, yếu kém đã được quán triệt và các đơn vị trong toàn ngành - nhất là các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố đã vào cuộc tích cực.
“Nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp trên đã phát huy hiệu quả, hoạt động hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân từng bước ổn định, ngăn chặn đổ vỡ như các năm trước”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Minh chứng cho điều này trong năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế cũng như hệ thống ngân hàng, nhưng hoạt động Quỹ tín dụng nhân dân đạt kết quả tích cực, không có quỹ nào rơi vào tình trạng kiểm soát như những năm trước; nhiều quỹ được chấn chỉnh, từng bước phát triển, về cơ bản thực hiện tốt các quy định Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Hợp tác xã, các quy định của ngành Ngân hàng.
“Dù không chủ quan nhưng ở góc độ hệ thống, Quỹ tín dụng nhân dân đạt được nhiều kết quả rất tích cực, từng bước củng cố, phát triển ổn định”, Phó Thống đốc ghi nhận.
Theo báo cáo thống kê của Ngân hàng Nhà nước đến thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản đạt của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân đạt 183.826,8 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cuối năm 2022; tiền gửi khách hàng là 163.067,1 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cuối năm 2022; tổng dư nợ cho vay là 133.449,1 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cuối năm 2022; vốn chủ sở hữu 12.755,6 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cuối năm 2022; tỷ lệ nợ xấu là 0,69%... Một số địa bàn như Nghệ An, hầu hết các Quỹ tín dụng nhân dân đều đảm bảo chênh lệch thu chi, hoạt động cơ bản an toàn, lành mạnh...
Khẩn trương hoàn thành xử lý các Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thống đốc nhận định, công tác quản lý hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, công tác xử lý pháp nhân của các Quỹ tín dụng nhân dân là công việc phức tạp, chưa có tiền lệ nên quá trình xử lý cần nhiều thời gian hơn dự kiến; nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân tại một số địa phương chậm được xử lý, thực hiện nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố đối với Quỹ tín dụng nhân dân vẫn còn một số nội dung cần lưu ý.
Hội nghị trực tuyến về Quỹ tín dụng nhân dân năm 2024 |
Tại hội nghị, đại diện Cơ quan thanh tra giám sát, Ngân hàng Hợp tác xã, Bảo hiểm tiền gửi cũng chỉ ra những tồn tại của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân cũng như đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân. Cụ thể, về chủ quan, công tác kiểm soát của các Quỹ tín dụng nhân dân chưa chặt chẽ; trình độ cán bộ hạn chế, ý thức tuân thủ cán bộ chưa thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ, sai sót trong quá trình tác nghiệp. Về khách quan, cơ chế chính sách còn thiếu, chưa phù hợp trong hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân; khó khăn trong quá trình kiểm tra Quỹ tín dụng nhân dân...
Trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra, đại diện Cơ quan Thanh tra, giám sát kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, tổng hợp những vi phạm, tồn tại, hạn chế thường gặp của các Quỹ tín dụng nhân dân, gửi Quỹ tín dụng nhân dân để rút kinh nghiệm, tránh lặp lại trong hoạt động. Đây cũng là cơ sở để xem xét trách nhiệm của Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Ban kiểm soát trong quản trị, điều hành Quỹ tín dụng nhân dân, áp dụng biện pháp xử lý cao hơn đối với Quỹ tín dụng nhân dân được thanh tra, kiểm tra những năm tiếp theo vẫn vi phạm các nội dung đã được cảnh báo.
Đối với các địa bàn có nhiều Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố giám sát việc thực hiện quy định về việc một đối tượng chỉ được là thành viên của một Quỹ tín dụng nhân dân và cần tra cứu thông tin từ Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam khi thực hiện cho vay; tăng cường công tác phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Công văn số 4228/NHNN-TTGSNH ngày 15/6/2021 để hỗ trợ kịp thời, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Đại diện Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam kiến nghị được tiếp cận các thông tin kịp thời từ Ngân hàng Nhà nước, các văn bản cảnh báo chấn chỉnh của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nhằm đánh giá đúng thực trạng hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân.
Từ những ý kiến của đại diện các đơn vị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các đơn vị tiếp tục khẩn trương hoàn thành xử lý các Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém ngay trong năm nay; khẩn trương ban hành các thông tư hướng dẫn theo Luật Các tổ chức tín dụng, tổ chức tập huấn góp phần giúp các địa phương, các Quỹ tín dụng nhân dân nắm được để thực hiện nghiêm túc.
Định kỳ tối thiểu 1 quý hoặc 6 tháng lần/năm phối hợp với chính quyền địa phương cấp tỉnh, huyện, xã tổ chức hội nghị chuyên đề về Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn để phối hợp nắm bắt, cung cấp thông tin trong việc thông báo chủ trương chính sách, kết quả hoạt động và cảnh báo, chấn chỉnh các Quỹ tín dụng nhân dân tiềm ẩn rủi ro, sai phạm.
Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tiến hành thanh tra giám sát theo chương trình hàng năm. Mục tiêu của các đợt thanh tra, kiểm tra là nhằm phát hiện ra các rủi ro để các Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động an toàn, lành mạnh, tuy nhiên, nếu phát hiện sai cần xử lý nghiêm.
Đối với hoạt động kiểm tra của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Phó Thống đốc cũng khẳng định, đây là chủ trương, nhiệm vụ được giao, do đó, tất cả các bên cần thực hiện. Thời gian tới, hoạt động kiểm sẽ theo hướng ngày càng mở rộng, số lượng sẽ nhiều hơn. Các Quỹ tín dụng nhân dân cần có trách nhiệm phối hợp thực hiện nghiêm các yêu cầu kiểm tra.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Công văn số 4228/NHNN-TTGSNH ngày 15/6/2021 để hỗ trợ kịp thời, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Phó Thống đốc yêu cầu Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam nâng cao năng lực tài chính, hiện đại hóa, đầu tư đổi mới hệ thống công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hiện đại, tăng cường hơn nữa vai trò liên kết hệ thống, điều hòa vốn, trung tâm thanh toán, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, kiểm tra, giám sát an toàn của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, tham gia hỗ trợ, xử lý Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, được kiểm soát đặc biệt.
Các Quỹ tín dụng nhân dân cần phối hợp chặt chẽ với Cục Công nghệ thông tin, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trong việc triển khai Dự án Hệ thống thông tin phục vụ công tác giám sát hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân. Phó Thống đốc yêu cầu lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, các cán bộ trực tiếp thực hiện công tác giám sát Quỹ tín dụng nhân dân cần tham gia trực tiếp để đảm bảo Hệ thống được xây dựng, triển khai dễ sử dụng, tự động hóa, nâng cao hiệu quả và đáp ứng yêu cầu công tác giám sát Quỹ tín dụng nhân dân của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố.
Với những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, với tinh thần khách quan, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế để khắc phục, Phó Thống đốc Đào Minh Tú tin rằng, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân sẽ có những thành công mới trong thời gian tới, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành Ngân hàng, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thuỳ Linh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|