Hoàn thành thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

(Banker.vn) Đến nay, cả nước đã hoàn thành việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Triển khai 3 chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp khó khăn do Covid-19 Chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động: Kịp thời, đúng và trúng đối tượng

Báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ngày 3/3/2023, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, cả nước đã hoàn thành việc thực hiện chính sách.

Hoàn thành thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Cụ thể, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước đã hỗ trợ cho gần 36 triệu lượt người lao động, người dân, xấp xỉ 400.000 đơn vị sử dụng lao động và 508.000 hộ kinh doanh, với tổng số tiền là khoảng 46.000 tỷ đồng.

Trong đó, theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, với nhóm chính sách về bảo hiểm, 11,8 triệu người lao động đã được hỗ trợ số tiền gần 5.600 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Quỹ Bảo hiểm xã hội và Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Đối với nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền, số liệu tổng hợp từ các địa phương cho thấy, có 7,2 triệu người và 508.000 hộ kinh doanh được hỗ trợ với tổng số tiền trên 14.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, các địa phương đã chủ động hỗ trợ 15,6 triệu người lao động không giao kết hợp đồng lao động và lao động đặc thù với số tiền là 21.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.

Với nhóm chính sách hỗ trợ cho vay vốn, theo báo của Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến hết năm 2022 (thời điểm ngừng giải ngân theo quy định), gần 5.000 tỷ đồng đã được giải ngân, đạt 63,8% kế hoạch theo Nghị quyết 68 (mục tiêu đề ra là hỗ trợ vốn vay 7.500 tỷ đồng). Số tiền này dành cho trên 3.500 lượt người sử dụng lao động vay để trả lương cho 1,2 triệu người lao động.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng xác nhận một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết 68. Trong đó, việc tổ chức triển khai thực hiện tại các địa phương đôi chỗ còn thiếu nhất quán. Một số địa phương gặp khó khăn về ngân sách nên việc cấp phát kinh phí có lúc chưa kịp thời, chi hỗ trợ đối tượng còn chậm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chế độ còn nhiều hạn chế.

Đánh giá tính chất của các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68, Nghị quyết 126 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 68) đều được thiết kế trong ngắn hạn, đối tượng, điều kiện, tiêu chí áp dụng chỉ phù hợp trong bối cảnh diễn ra dịch bệnh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, các mục tiêu đề ra đến nay đã đảm bảo hoàn thành. Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đề nghị không đề xuất kéo dài các chính sách đã hết hạn thực hiện được quy định tại 2 Nghị quyết.

Đề cập về 3 địa phương (Cần Thơ, Thái Bình, Bạc Liêu) hiện vẫn chưa được cấp kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương theo quy định tại Nghị quyết số 68 nên còn một số đối tượng chưa được thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ theo quy định, vì thế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, thực hiện. UBND các tỉnh thành chỉ đạo các sở, cơ quan chuyên môn tại địa phương tiếp tục rà soát để hoàn thành việc chi trả các chế độ cho các đối tượng theo quy định.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương