Ngày 10/12/2024, tại Hà Nội, Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo khoa học “Hoạch định tài chính cá nhân hướng tới tài chính toàn diện tại Việt Nam”. Tham dự Hội thảo, có bà Nguyễn Thị Hòa - Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN; đại diện Lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị trực thuộc NHNN; Hiệp hội Ngân hàng; các tổ chức tín dụng, hiệp hội, công ty tư vấn trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, công ty trung gian thanh toán, tổ chức tài chính vi mô và các nhà khoa học trong ngành Ngân hàng.
Hoạch định tài chính cá nhân là nhu cầu cấp thiết trong phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Hòa - Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hòa - Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN cho biết, trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, tài chính toàn diện có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm thiểu bất bình đẳng, nâng cao mức sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Trước thực tế đó, ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với nhóm giải pháp về “tăng cường giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính; bảo vệ người tiêu dùng tài chính” được xác định là một trong những trụ cột quan trọng của Chiến lược. Trong đó, hoạch định tài chính được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu việc thiếu kiến thức, kỹ năng tài chính phù hợp của công chúng, định hướng người dân đến các hành vi tiêu dùng, tiết kiệm, đầu tư… hiệu quả, đóng góp vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm chênh lệch giàu nghèo và tăng cường an sinh xã hội.
“Xu hướng phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới đã cho thấy hoạch định tài chính cá nhân đang dần trở thành một ngành, nghề chuyên môn hóa cao và nhận được sự quan tâm lớn từ chính phủ cũng như cộng đồng” - bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN chia sẻ tại Hội thảo. Bà Nguyễn Thị Hiền cũng cho biết, tại Mỹ, hoạch định tài chính cá nhân có lịch sử phát triển từ những năm 1920. Kể từ khi tiêu chuẩn nghề nghiệp về hoạch định tài chính cá nhân được ban hành năm 1985, Chính phủ Mỹ đã tăng cường thiết lập các quy tắc, tiêu chuẩn hành nghề cho các tổ chức, cá nhân hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực này. Ở khu vực châu Á, Singapore và Malaysia là hai quốc gia tiêu biểu trong việc xây dựng cơ chế giám sát tài chính tổng thể về với Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) và Ủy ban Chứng khoán Malaysia (SC). Hiệp hội Tư vấn Tài chính Singapore (FPSB) và Hội đồng Tư vấn Tài chính Malaysia (FPAM) là đơn vị cấp chứng chỉ, lập tiêu chuẩn hành nghề cho thành viên, giám sát các thành viên đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN chia sẻ tại Hội thảo
Tại Việt Nam, năng lực hiểu biết tài chính của người dân còn khá thấp so với khu vực và thế giới. Theo báo cáo khảo sát quản lý tài chính cá nhân của Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam giai đoạn 2023 - 2024, trên 80% người dân tham gia khảo sát tự nhận không có kiến thức, kỹ năng về quản lý tài chính, hoạch định tài chính cá nhân hoặc chỉ có hiểu biết căn bản và sơ bộ nhưng có đến 93,44% số người tham gia khảo sát thể hiện sự quan tâm đối với lĩnh vực này. Chính vì vậy, xu hướng phát triển các hoạt động tư vấn tài chính cá nhân đã có mặt trong các tổ chức tài chính nhằm nâng cao năng lực tài chính cho khách hàng. Tuy nhiên, những hoạt động này vẫn còn đơn lẻ, chưa mang tính tổng thể, dài hạn cho khách hàng. Bên cạnh đó, thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực hoạch định tài chính cá nhân hay các chương trình đào tạo chuyên sâu về hoạch định tài chính cá nhân vẫn là một vấn đề còn nan giải. Vì vậy, trong Chiến lược tài chính toàn diện tại Việt Nam, “nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân và doanh nghiệp” là một trong năm mục tiêu cụ thể được Chính phủ đặt ra nhằm đạt được mục tiêu tài chính toàn diện và phát triển hệ sinh thái tài chính bền vững.
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Phạm Phương Lan - Phó trưởng Khối bán lẻ, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khẳng định, hiện nay, tốc độ tiếp cận các sản phẩm tài chính, đầu tư của người dân đã phát triển nhanh chóng; cùng với đó, việc triển khai các sản phẩm, dịch vụ tài chính cá nhân cũng được các tổ chức tín dụng đầu tư mạnh mẽ. Nhằm đáp ứng các nhu cầu về phát triển sản phẩm, dịch vụ cá nhân hóa, nhiều tổ chức tín dụng, trong đó có BIDV, đã tích cực phối hợp với các đối tác để tổ chức các sự kiện cập nhật thị trường tài chính chuyên sâu cho khách hàng, đồng thời, đưa ra nhiều sản phẩm chuyên biệt như BIDV Private Banking. Thông qua sản phẩm BIDV Private Banking, BIDV cung cấp cho khách hàng một kênh đầu tư hiệu quả, duy trì và tăng trưởng tài sản cũng như tư vấn hoạch định các mục tiêu cơ bản của cuộc sống như mua nhà, hưu trí, thừa kế…
Bà Phạm Phương Lan - Phó trưởng Khối bán lẻ, BIDV phát biểu tại Hội thảo
Truyền thông giáo dục tài chính có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao hiểu biết, kỹ năng về tài chính cá nhân trong cộng đồng
Theo ông Mai Việt Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông, NHNN, trong bối cảnh kinh tế, địa chính trị thế giới có nhiều diễn biên phức tạp, các quốc gia trên thế giới đều đặc biệt quan tâm đến việc truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao nhận thức của người dân, gia tăng khả năng tiếp cận tín dụng cũng như các sản phẩm, dịch vụ tài chính, đồng thời bảo vệ người dân, tránh các rủi ro không đáng có. Theo đó, Mỹ đang đẩy mạnh các chương trình đào tạo tài chính với các hoạt động như lập website về giáo dục tài chính quốc gia, triển khai chương trình MoneySmart nhằm giúp các cá nhân có thu nhập thấp nâng cao kỹ năng tài chính. Nhật Bản thực hiện việc phát hành sách, giáo trình, sổ tay hướng dẫn, các chương trình game và phần mềm giáo dục, cung cấp thông tin tài chính trên các website, điện thoại… Singapore cũng đang thực hiện chiến dịch quảng bá quy mô lớn về truyền thông đại chúng với nhiều cuộc diễu hành đường phố, carnival, semimar, xây dựng website của MoneySENSE và trang Facebook để giúp người dân nhận thức, quan tâm đến giáo dục tài chính.
Tại Việt Nam, thời gian qua, NHNN đã và đang thực hiện các hoạt động truyền thông chính sách một cách bài bản và đa dạng với nội dung được xây dựng trên cơ sở những vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm, trong đó, tập trung vào các chính sách mới, tác động trực tiếp đến người sử dụng dịch vụ ngân hàng như tỉ giá, tín dụng, lãi suất, tiết kiệm, thanh toán… Các hình thức truyền thông được lựa chọn như hội thảo, tọa đàm, phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền hình xây dựng các chương trình giáo dục tài chính trực quan, sinh động như “Những đứa trẻ thông thái”, “Tiền khéo tiền khôn”, “Tay hòm chìa khóa”, “Đồng tiền thông thái” , “Hiểu đúng về tiền” hay chuỗi sự kiện truyền thông giáo dục tài chính “Nhà ngân hàng tương lai”... Bên cạnh các hình thức truyền thông truyền thống, NHNN còn triển khai truyền thông giáo dục tài chính trên mạng xã hội và xuất bản học liệu tài chính. Cuốn truyện tranh “Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền” do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành tháng 12/2023 được xem như một học liệu tài chính góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, được dư luận đón nhận và lan tỏa trong cộng đồng.
Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông Mai Việt Trung khẳng định, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục triển khai các chương trình giáo dục tài chính hướng tới các nội dung được dư luận quan tâm, đặc biệt là các kiến thức chiều sâu về tài chính ngân hàng, nâng cao kiến thức tài chính cá nhân, Vụ Truyền thông, NHNN sẽ đẩy mạnh tích hợp giáo dục tài chính thực tế vào chương trình giảng dạy ở các trường học, nâng cao hiểu biết về kỹ thuật số thông qua các nền tảng đầu tư, thúc đẩy trải nghiệm học tập thực hành như các câu lạc bộ và cuộc thi giáo dục tài chính. Ngoài ra, việc nghiên cứu đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các xu hướng truyền thông hiện đại, ứng dụng mạng xã hội, tổ chức game show truyền hình, youtube, các ấn bản in có hình ảnh minh họa với nội dung ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu sẽ được đầu tư trọng tâm. Thông qua đó, có thể thực hiện các chương trình truyền thông giáo dục tài chính mang lại giá trị cho cộng đồng và xã hội, hướng tới việc cung cấp thông tin chính sách kịp thời và đầy đủ đến người dân, nhất là giới trẻ, đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những nhóm công chúng ít thông tin về tài chính... nhằm nâng cao kiến thức tài chính cá nhân, góp phần tạo cộng đồng có thói quen tài chính tốt, bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính.
Toàn cảnh Hội thảo
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực hoạch định tài chính cá nhân là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển tài chính toàn diện
Là đơn vị đi đầu trong khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, Học viện Ngân hàng sẽ bắt đầu triển khai chương trình đào tạo chất lượng cao chuyên ngành hoạch định và tư vấn tài chính từ năm 2025, ông Nguyễn Thanh Phương - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng thông tin tại Hội thảo. Ông Nguyễn Thanh Phương cho biết, mục tiêu của chuyên ngành hoạch định và tư vấn tài chính là đào tạo được những sinh viên có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, sức khỏe; có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, khả năng giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực lập kế hoạch và tư vấn tài chính một cách hiệu quả, sáng tạo; có năng lực nghiên cứu và triển khai thiết kế các sản phẩm, dịch vụ tài chính; có khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào trong công việc, có trách nhiệm nghề nghiệp và ý thức phục vụ cộng đồng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và thích nghi môi trường đa văn hóa để hình thành phẩm chất công dân toàn cầu. Để xây dựng được chương trình giảng dạy bài bản về hoạch định tài chính cá nhân, thời gian qua, Học viện Ngân hàng đã chủ động nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp, có chuyên môn vững vàng, đồng thời, hợp tác với các tổ chức, cơ quan quốc tế hàng đầu về lĩnh vực hoạch định tài chính cá nhân như Quỹ Hợp tác Quốc tế Ngân hàng Tiết kiệm Đức (DSIK), Tập đoàn Momenta, Singapore… Chương trình đào tạo hoạch định và tư vấn tài chính của Học viện Ngân hàng là bước đi chiến lược nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính cá nhân, góp phần nâng cao kiến thức tài chính trong cộng đồng và thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Chia sẻ về thực tiễn liên quan đến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực hoạch định tài chính cá nhân, ông Huỳnh Minh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT cho biết, nhu cầu nhân sự trong lĩnh vực tư vấn hoạch định tài chính cá nhân ngày càng gia tăng do người dân tham gia vào thị trường tài chính ngày càng nhiều hơn, sâu rộng hơn nhưng đi kèm với sự an toàn và hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Hiện nay, FIDT là một trong những đơn vị tiên phong trên thị trường xây dựng mô hình tư vấn hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế như chứng chỉ CFP của Mỹ hay FPSB của Singapore, tuy nhiên việc được hoạt động chuyên nghiệp, chính thức trên thị trường tài chính của các cá nhân, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do chưa có hành lang pháp lý chuyên biệt. Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, để nhà hoạch định tài chính cá nhân có môi trường làm việc thuận lợi, hỗ trợ tích cực cho khách hàng có nhu cầu hoạch định tài chính cá nhân, Chính phủ cần xây dựng khung pháp lý chặt chẽ, tiêu chuẩn đào tạo chính quy và cách thức hành nghề riêng biệt, góp phần xây dựng đội ngũ nhà hoạch định tài chính cá nhân chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng Nguyễn Thị Hòa khẳng định, qua những phân tích, đánh giá và chia sẻ tại Hội thảo, có thể thấy, hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam còn ở giai đoạn ban đầu, tỉ trọng người trưởng thành Việt Nam có kiến thức tài chính ở khoảng cách xa so với một số nước khu vực, hành vi tài chính của nhóm này còn thiếu bền vững, đa số tập trung vào nhu cầu ngắn hạn thay vì xây dựng kế hoạch tài chính dài hạn. Hoạt động tư vấn tại các tổ chức tài chính hiện nay chủ yếu mang tính chất tư vấn sản phẩm tài chính đơn lẻ mà chưa đáp ứng được nhu cầu xây dựng kế hoạch tài chính tổng thể cho khách hàng. Tuy nhiên, Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh mẽ về tài chính cá nhân nhờ quá trình tăng trưởng kinh tế, gia tăng tầng lớp trung lưu và lao động trẻ có trình độ. Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, thực trạng và các thuận lợi, khó khăn trong phát triển hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam, Hội thảo đã đưa ra một số giải pháp chính nhằm phát triển hoạch định tài chính cá nhân, đóng góp vào thực hiện mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia trong giai đoạn tới, cụ thể như sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh giáo dục tài chính cá nhân qua hệ thống giáo dục chính thức và các chương trình truyền thông quốc gia, kết hợp với việc xây dựng thói quen lập kế hoạch tài chính dài hạn cho các cá nhân từ khi còn trẻ. Tập trung vào đối tượng là học sinh, sinh viên, người lao động trẻ để hình thành tư duy tài chính bền vững ngay từ sớm và kết hợp với các công cụ công nghệ hỗ trợ cần thiết.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện các quy định để nâng cao chất lượng tư vấn tại các định chế tài chính, thúc đẩy các định chế tài chính nhằm tăng cường đào tạo và phát triển nhân sự đủ năng lực để tư vấn, hoạch định tài chính cho khách hàng, hướng tới cung cấp dịch vụ tư vấn, hoạch định tài chính cá nhân chuyên nghiệp, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tài chính, công ty công nghệ tài chính ứng dụng các công nghệ hiện đại, phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động, nền tảng trực tuyến, công cụ tự động hóa giúp khách hàng quản lý, hoạch định tài chính cá nhân dễ dàng và hiệu quả hơn.
Thứ tư, thúc đẩy tổ chức hiệp hội ngành nghề trong lĩnh vực tài chính ban hành các nguyên tắc, tiêu chuẩn hành nghề nhằm phát triển các thông lệ tốt nhất trong hoạt động tư vấn tài chính, đặc biệt chú trọng các nguyên tắc đạo đức của người tư vấn, tuân thủ các quy định của pháp luật và thông lệ, chuẩn mực hiện đại, lấy khách hàng làm trung tâm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng tài chính.
Thứ năm, tăng cường hợp tác giữa các tổ chức tài chính và các trường đại học, các tổ chức đào tạo quốc tế để cung cấp chương trình đào tạo chuyên sâu về tư vấn, hoạch định tài chính cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ngọc Linh