Hoa quỳnh: Món ăn và vị thuốc quý ít ai biết

(Banker.vn) Hoa quỳnh thường nở về đêm với hương thơm rất đặc biệt. Ít ai biết, hoa vừa là vị thuốc quý mà còn chế biến thành những món ăn thơm ngon bổ dưỡng.
Râu ngô - vị thuốc tự nhiên tốt cho sức khỏe Giá trị dinh dưỡng từ quả đậu bắp Cỏ gấu: Vị thuốc quý từ loài cỏ dại

Ở nước ta, thường thấy hai loại quỳnh trắng và quỳnh đỏ. Loài hoa phổ biến nhất là quỳnh trắng nở vào tháng 6 và tháng 7.

Cây hoa quỳnh còn có rất nhiều tên gọi khác là hoa quỳnh hương, hoa nhật quỳnh, dạ quỳnh... thuộc họ Xương rồng (Cactaceae). Được mệnh danh là nữ hoàng của bóng đêm bởi loài hoa này chỉ nở về đêm.

Ảnh minh họa
Hoa quỳnh còn là vị thuốc quý, có tác dụng đặc trị các bệnh về hệ hô hấp và phổi. Ảnh minh họa

Thân cây hoa quỳnh: bụi rộng và dẹp, mọc vươn dài hay sống dựa, cao từ 2 - 3m và uốn lượn, được chia thành các thùy; Lá: Cây có lá dài, to bản; Hoa quỳnh: Cánh hoa mềm mại, mỏng, tạo nên một nét đẹp thanh tao. Mỗi bông có đường kính 8-16cm. Hoa quỳnh nở trong đêm có mùi hương nhẹ nhàng thanh tao, nồng nàn và quyến rũ. Sau 2 tiếng hoa sẽ tàn, (nhưng hiện nay có loại lai mới tên Nhật Quỳnh - lai giữa quỳnh và thanh long, hoa của nó phải 3 ngày sau mới tàn).

Người xưa vẫn quan niệm, hoa quỳnh nở là điềm may mắn, hạnh phúc. Những cánh hoa trắng muốt nở về đêm không chỉ thơm, có ý nghĩa về thưởng lãm nghệ thuật, hoa quỳnh còn là một trong những loại hoa dùng để chế biến món ăn rất ngon miệng.

Hoa quỳnh được ứng dụng trong nhiều bài thuốc cổ truyền, nhất là các bệnh về đường hô hấp. Theo kinh nghiệm dân gian, hoa quỳnh có vị ngọt nhưng lại không gây nóng mà ngược lại, nó còn có tác dụng mát máu. Bên cạnh đó, loài hoa này còn được sắc lấy nước uống (từ 3 – 5 bông hoa). Dưới đây là những công dụng của hoa quỳnh:

+ Trong Đông y:

Đây là vị thuốc quý, có tác dụng đặc trị các bệnh về hệ hô hấp và phổi. Ví dụ như dùng hoa quỳnh mới nở đem thái nhỏ và mang đi hấp cách thủy với mật ong hoặc có thể đem nấu với trứng gà để ăn chữa long đờm.

Nhiều người dùng hoa quỳnh ngâm rượu để chữa đau bụng và dùng để bôi các vết bầm tím. Được biết loại rượu này để càng lâu càng tốt, càng có khả năng chữa trị hiệu quả.

+ Trong y học hiện đại:

Hỗ trợ hệ tim mạch, giảm mỡ máu: Hoa có các hoạt chất giúp ổn định hệ tim mạch, kích thích chuyển hóa cholesterol xấu ở gan. Bên cạnh đó, cây giúp cải thiện huyết áp hay các rối loạn như thiếu máu tim, nhồi máu tim, đột quỵ…

Hỗ trợ rối loạn tiết niệu: Chiết xuất từ hoa của cây này giúp đánh tan sỏi thận, niệu quản...

Hỗ trợ tiêu hóa, chữa đầy hơi, giảm đau: Hoa giúp điều chế thuốc giảm đau do chuột rút, chấn thương, đau bụng quanh rốn, vùng thượng vị…

Món ngon từ hoa quỳnh giúp bổ phổi

* Hoa quỳnh xào trứng tốt cho phổi

Nguyên liệu: 2 - 3 hoa quỳnh mới nở; trứng gà ta 1 - 2 quả; Gia vị muối, mì chính, dầu ăn…

Cách làm hoa quỳnh xào trứng

Hoa quỳnh đem rửa sạch rồi thái nhỏ. Dau đó mọi người dầu vào chảo đun nóng, cho tiếp hoa vào xào qua rồi đập trứng gà vào xào tiếp, nêm gia vị vừa miệng. Xào tới khi trứng và hoa quỳnh chín thì bắc ra ăn nóng.

Món ăn này có tác dụng bổ huyết, thanh nhiệt, long đờm, tốt cho phổi.

* Canh hoa quỳnh nấu với thịt nạc ăn bổ phổi

Mọi người có thể dùng hoa quỳnh 1 - 3 bông để chế biến món canh hoa quỳnh nấu với thịt nạc ăn bổ phổi này. Hoa quỳnh tối nở sáng tàn nên cần lấy nấu luôn trưa hôm sau để đảm bảo độ ngon.

Cách chế biến đơn giản như nấu các loại canh thông thường khác. Hoa quỳnh mọi người rửa sạch bụi phấn, bỏ đi phần nhụy và cuống rồi rửa sạch, cắt khúc vừa ăn. Thịt thì xay, lấy khoảng 100gr là đủ.

* Gỏi hoa quỳnh

Nếu có nhiều hoa quỳnh, có thể làm món gỏi hoa quỳnh. Món gỏi hoa quỳnh cũng làm với những nguyên liệu gỏi thông thường như là thịt nạc, tôm, cà rốt, hành tây, lạc khô, rau thơm, tỏi, ớt… Gia vị gồm giấm hoặc dùng chanh, nước mắm, bột canh, đường, muối, tiêu.

+ Làm sạch tôm, luộc rồi bóc vỏ lấy phần thịt. Thịt nạc rửa bằng giấm hoặc rượu cho đỡ mùi hôi, sau thái chỉ.

+ Với hoa quỳnh rửa sạch, thái nhỏ hoặc tùy theo sở thích. Cà rốt rửa sạch và bào sợi; rau thơm, hành tây rửa sạch, thái nhỏ.

+ Pha nước trộn nộm từ đường, mắm, nước cốt chanh, tỏi và ớt băm nhuyễn. Khi nước trộn vừa miệng, mọi người trộn tất cả nguyên liệu vào các nguyên liệu đã sơ chế trên đảo đều. Để ngấm trong 15 phút và trang trí bằng lạc rang, hành phi, ớt thái lát trước khi thưởng thức.

Dân gian thường trồng cây quỳnh sát cạnh cây giao (kim giao) với mục đích làm cho cây quỳnh ra hoa đẹp hơn và nhiều hoa hơn. Ngoài ra từ xa xưa đây còn là một thứ chơi hoa của người xưa, là một biểu tượng mãnh liệt của tình yêu.

Lê Nguyệt

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục