Theo Bộ Công Thương, khi đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã cam kết để các nước thành viên WTO đối xử với Việt Nam như một quốc gia có nền kinh tế phi thị trường trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá /chống trợ cấp trong vòng 12 năm (đến hết ngày 31/12/2018).
Tuy nhiên, qua thời hạn này, Hoa Kỳ không tự động công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam mà tiếp tục xem xét dựa trên 6 tiêu chí theo quy định pháp luật của Hoa Kỳ, bao gồm: Mức độ chuyển đổi của đồng tiền; Vấn đề đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; Các yếu tố khác.
Hoa Kỳ hiện là nước đứng đầu trên thế giới về việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Ảnh: TTXVN |
Sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, năm 2008, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thành lập Nhóm công tác song phương về vấn đề kinh tế thị trường (Structural Issues Working Group - SIWG), đầu mối là Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Hoa Kỳ - DOC.
Từ đó đến nay, Việt Nam và Hoa Kỳ đã tổ chức 10 phiên họp kỹ thuật để trao đổi thông tin, giúp Hoa Kỳ cập nhật về tình hình kinh tế thị trường của Việt Nam, tạo tiền đề cho Hoa Kỳ có cơ sở nhìn nhận và xem xét lại vấn đề kinh tế thị trường cho Việt Nam. Tuy nhiên, trao đổi trong khuôn khổ Nhóm công tác song phương về vấn đề kinh tế thị trường không thay thế cho quy trình Bộ Thương mại Hoa Kỳ rà soát chính thức để công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam theo quy định của Hoa Kỳ mà chỉ là bước chuẩn bị cho quy trình này.
Trong bối cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện nhân chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, gần một năm qua, Chính phủ Việt Nam (cụ thể là Bộ Công Thương) đã tham gia đầy đủ các giai đoạn của vụ việc rà soát thay đổi hoàn cảnh để đề nghị Hoa Kỳ xem xét việc công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường theo đúng quy định pháp luật của Hoa Kỳ (bao gồm nộp yêu cầu đề nghị xem xét quy chế kinh tế thị trường, xây dựng lập luận đầu tiên, lập luận phản biện, lập luận về cáo buộc của ngành sản xuất cá tra-basa Hoa Kỳ, tham gia phiên điều trần công khai), để chứng minh Việt Nam đáp ứng 6 tiêu chí theo luật định Hoa Kỳ khi công nhận một quốc gia có nền kinh tế thị trường.
Những thay đổi này đã được làm rõ trong hơn 20.000 trang thông tin, tài liệu mà Bộ Công Thương Việt Nam gửi tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ, chứng minh sự tiến bộ mạnh mẽ của Việt Nam trên tất cả 6 tiêu chí mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra khi xem xét công nhận một quốc gia có nền kinh tế thị trường.
Các bản lập luận mà Bộ Công Thương cung cấp cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng chứng minh một cách đầy đủ, nhất quán về mức độ thực hiện 6 tiêu chí này của Việt Nam ít nhất là ngang bằng và thường tốt hơn so với mức độ thực hiện của các quốc gia khác đã được công nhận nền kinh tế thị trường; và thực tế tương đương hoặc tốt hơn các quốc gia đã luôn được coi là nền kinh tế thị trường.
Theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hoa Kỳ hiện là nước đứng đầu trên thế giới về việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và cũng là nước điều tra, áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhất với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam.
Đến nay, Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra 64 vụ trên tổng số 253 vụ việc nước ngoài điều tra với ta (chiếm 25%), gồm: 28 vụ việc chống bán phá giá, 11 vụ việc chống trợ cấp, 22 vụ việc chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại và 3 vụ việc tự vệ.
Việc Bộ Công Thương tham gia trực tiếp trong 11 vụ việc điều tra chống trợ cấp và đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tham gia các vụ việc phòng vệ thương mại đã giúp Bộ Công Thương hiểu các trình tự, quy định của Hoa Kỳ trong các vụ việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Bên cạnh đó, trong quá trình Hoa Kỳ sửa đổi pháp luật, quy định liên quan về điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cũng chủ động nghiên cứu, bày tỏ ý kiến, quan điểm với Bộ Thương mại Hoa Kỳ về các nội dung sửa đổi, nhằm đảm bảo lợi ích chính đáng của doanh nghiệp ta khi tham gia các vụ việc phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ.
Việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường không làm bóp méo thương mại giữa hai nước, mà chỉ để các doanh nghiệp Việt Nam được đối xử một cách bình đẳng hơn trong các vụ điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ. Mặt khác, công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường không tước đi của các nhà sản xuất Hoa Kỳ quyền yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như họ đã và đang làm đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nền kinh tế thị trường khác.
Tuy nhiên, ngày 2/8/2024, việc Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường có thể ảnh hưởng đến kết quả điều tra vụ việc chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ.
Theo đó, Hoa Kỳ sẽ sử dụng chi phí của một nước thứ ba (nước thay thế) để tính toán biên độ bán phá giá, trợ cấp trong các vụ việc chống bán phá giá, trợ cấp khiến mức thuế bán phá giá/trợ cấp tăng cao. Việc này phản ánh chưa thực sự chính xác chi phí và tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã áp dụng phương pháp này kể từ vụ đầu tiên với cá tra-basa Việt Nam năm 2002, sau đó duy trì tiền lệ này trong tất cả các vụ việc điều tra chống bán phá giá với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Chỉ các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ bị điều tra chống bán phá giá/trợ cấp mới bị ảnh hưởng bởi quy định này.
Quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở nên quá lớn để ở lại nhóm thị trường cận biên Theo Trung tâm phân tích Công ty Chứng khoán SSI, giai đoạn này là thời điểm thích hợp cho việc nâng hạng của thị trường ... |
Nền kinh tế Úc đang chậm lại trong quý III/2023 Nền kinh tế Úc bất ngờ chậm lại trong quý III khi người tiêu dùng tập trung đối mặt với chi phí vay tăng cao ... |
Những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế, dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ khởi sắc hơn Nhiều tín hiệu cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh đã bắt đầu sôi động trở lại sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2024. ... |
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|