Hòa Bình tận dụng có hiệu quả ưu đãi EVFTA mang lại

(Banker.vn) Không chỉ ngành chức năng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cũng đã chủ động hơn để tận dụng ưu đãi Hiệp định EVFTA mang lại.
EVFTA giúp hàng Việt tăng sức cạnh tranh tại Đức Tận dụng EVFTA để mở cửa thị trường cho hàng hóa giữa Việt Nam - Rumani

Đẩy mạnh tuyên truyền

Ngay khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) có hiệu lực, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 2058/QĐ-UBND ngày 1/9/2020 về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA trên địa bàn tỉnh, nhằm quán triệt, nâng cao nhận thức của cơ quan đơn vị, sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố, hệ thống doanh nghiệp và người dân trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan Trung ương.

Hòa Bình tận dụng có hiệu quả ưu đãi EVFTA mang lại
Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã và đang nỗ lực, chủ động hơn để tận dụng EVFTA

Những nội dung được đẩy mạnh tuyên truyền, đó là: Vận dụng, phát huy có hiệu quả ưu đãi của hiệp định, từ đó tận dụng tối đa cơ hội, hạn chế tối thiểu thách thức của Hiệp định EVFTA trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo công ăn việc làm và xóa đói giảm nghèo.

Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; xây dựng chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nông dân, phù hợp với cam kết quốc tế; chuẩn bị giải pháp ứng phó, hỗ trợ đối với sản phẩm xuất khẩu, mặt hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ việc thực thi Hiệp định EVFTA trên các phương diện; có chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; đồng thời triển khai đồng bộ chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững…

Đặc biệt với doanh nghiệp, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức các chương trình, hội nghị hỗ trợ pháp lý, tập trung vào nội dung của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); xây dựng hệ thống thông tin, cử cán bộ đầu mối thực hiện hỗ trợ pháp lý và thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp thực hiện hỗ trợ, tư vấn về pháp luật trong kinh doanh cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

Bên cạnh đó, Hòa Bình còn chú trọng phát triển thị trường, xúc tiến thương mại; hoàn thiện chính sách thương mại, tài chính, tín dụng và đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa xuất khẩu; nghiên cứu đánh giá trên cơ sở khoa học để xác định rõ danh mục các mặt hàng xuất khẩu thực sự có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh vào EU.

Doanh nghiệp chủ động hơn để tận dụng Hiệp định

Không chỉ cơ quan chức năng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã và đang nỗ lực, chủ động hơn để tận dụng EVFTA.

Theo nhận định của giới chuyên gia, các mặt hàng nông sản như gạo, sản phẩm trồng trọt, rau quả... có nhiều lợi thế khi EVFTA có hiệu lực. Trong khi đó, đây cũng là nhóm hàng có thế mạnh của tỉnh Hòa Bình.

Hiện nay, trong cơ cấu kinh tế của Hòa Bình, ngành nông nghiệp chiếm 22,12% GRDP và đã hình thành được một số mặt hàng chủ lực như cam, bưởi, mía tím, lợn bản địa, gà đồi, cá sông Đà... với sản lượng hàng năm khá lớn. Trong định hướng phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của tỉnh giai đoạn đến năm 2030, EU cũng được đánh giá là một trong những thị trường truyền thống.

Số liệu thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 66 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu. Nhiều năm qua, hoạt động xuất, nhập khẩu của tỉnh có sự tăng trưởng đáng kể cả về quy mô và giá trị, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, mở rộng sản xuất ở những ngành có lợi thế vượt trội nhờ vị thế địa kinh tế của tỉnh.

Để tận dụng có hiệu quả ưu đãi của EVFTA mang lại, các doanh nghiệp đã và đang chủ động tìm hiểu nội dung của EVFTA, đặc biệt là cam kết liên quan tới thuế quan và quy tắc xuất xứ, chủ động điều chỉnh quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu để đáp ứng được quy tắc xuất xứ của hiệp định, chuyển hướng nguồn nhập khẩu sang các nguồn nguyên liệu trong nước hoặc từ các nước thành viên EVFTA.

Ngoài ra, để vượt qua được rào cản về kỹ thuật, thâm nhập vào thị trường các nước EU, doanh nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyên nghiệp hóa quy trình bán hàng, tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu… để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp của mình.

Đáng chú ý nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nói riêng và cả nước nói chung là vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU. Từ đó tạo việc làm, nâng cao chất lượng sản phẩm, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ của nhiều doanh nghiệp cho thấy, trong Hiệp định EVFTA có những cam kết trong nhiều lĩnh vực mà chưa từng có trong bất kỳ FTA nào trước đây, như: Chỉ dẫn địa lý (GI), Mua sắm chính phủ (GP) hay Thương mại phát triển bền vững (TSD)... Ngoài ra, còn có nhiều nội dung cam kết có cách tiếp cận hoàn toàn khác so với cách tiếp cận trong các FTA trước mà Việt Nam tham gia được áp dụng nếu doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh cùng một mặt hàng... Vì vậy, việc tổ chức các lớp học có ý nghĩa quan trọng, giúp người dân, doanh nghiệp nhận thức đầy đủ, qua đó chuẩn bị tâm thế vững chắc hơn cho cuộc chơi mới ở thị trường tiềm năng.

Cùng với sự hỗ trợ tích cực của cơ quan, ban, ngành, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, tích cực tiếp cận và tìm kiếm đối tác, nắm bắt cơ hội kết nối hợp tác với doanh nghiệp châu Âu.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương