Hòa Bình có tiềm năng, lợi thế rất lớn, là điểm đến của các nhà đầu tư

(Banker.vn) Thủ tướng đề nghị tỉnh Hòa Bình phát huy mạnh mẽ những tiềm năng, thế mạnh, tinh thần tự tin, tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình…

Thủ tướng Chính phủ chủ trì Phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Thủ tướng dự lễ khởi công đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La

Chiều 26/2/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về tình hình, kết quả phát triển KTXH năm 2022, những tháng đầu năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới và giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng và các đại biểu cũng dành nhiều thời gian phân tích về những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Hòa Bình. Theo đó, Hòa Bình có vị trí chiến lược rất quan trọng, là địa phương cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, cầu nối giữa vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.

Thủ tướng khẳng định, tỉnh Hòa Bình hội tụ đủ các điều kiện để trở thành địa phương ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp - Ảnh VGP
Thủ tướng khẳng định, tỉnh Hòa Bình hội tụ đủ các điều kiện để trở thành địa phương ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp - Ảnh VGP

Diện tích tự nhiên gần 4.600 km2 (đứng thứ 33/63 địa phương trên cả nước); dân số trên 900.000 người (thứ 50/63) với 7 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 3/4 dân số, đồng bào dân tộc Mường chiếm trên 63% dân số.

Có nhiều kho tàng văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc, tiêu biểu nhất là văn hóa Mường với các di sản nổi tiếng như mo Mường, sử thi Đẻ đất đẻ nước... Con người Hòa Bình giàu truyền thống cách mạng, đoàn kết, cần cù, đôn hậu, mến khách với khát vọng vươn lên mạnh mẽ làm giàu cho quê hương, đất nước.

Hòa Bình cách thủ đô Hà Nội 80 km; có mạng lưới giao thông tương đối thuận lợi (đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 6, 12B, 21, 15A, 70B...) và đang tiếp tục hoàn thiện theo hướng hình thành trục vành đai kết nối qua Hòa Bình (trong đó có tuyến đường vùng liên kết Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La vừa được khởi công).

Tỉnh có hệ thống sông ngòi phân bố tương đối dày và đồng đều với nhiều sông lớn (sông Đà, sông Mã...). Điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phong phú, đa dạng; đất đai có độ màu mỡ cao, diện tích đất lâm nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp và đất chưa sử dụng lớn. Độ bao phủ rừng lớn (51%), có nhiều tiềm năng phát triển xanh.

Về du lịch, dịch vụ, tỉnh có nhiều địa điểm du lịch giàu tiềm năng (như suối khoáng Kim Bôi, Thung Nai, động thác Bờ, thung lũng Mai Châu, rừng nhiệt đới nguyên sinh Pù Noọc...). Văn hóa các dân tộc đặc sắc, văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú, nhiều sản vật địa phương nổi tiếng (như cơm lam Hòa Bình, lợn mán, cá sông Đà, rượu cần Mường, cam Cao Phong, quýt Ôn Châu, mía tím...).

Về công nghiệp, tỉnh có Nhà máy Thủy điện Hòa Bình - một trong những "công trình thế kỷ", biểu tượng của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công nghiệp đang phát triển khá, hiện có 8 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp với nhiều nhà máy trong và ngoài nước đầu tư. Tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông sản... Tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú, nhất là đất sét, đá vôi, than đá...

Hòa Bình có tiềm năng, lợi thế rất lớn, là điểm đến của các nhà đầu tư
Nhà máy Thủy điện Hòa Bình

Thủ tướng khẳng định, với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và nguồn lực phong phú, đa dạng, có thể nói tỉnh Hòa Bình hội tụ đủ các điều kiện để trở thành địa phương ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Hoà Bình vào ngày 22/3/2022.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng và các đại biểu cho rằng, Hòa Bình còn nhiều khó khăn mà nguyên nhân chính là hạ tầng giao thông Hòa Bình đã có cải thiện nhưng vẫn còn thiếu 1 con đường xứng tầm để kết nối với Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng, các cảng hàng không, cảng biển... Khi nguồn lực có ít, thời gian có hạn, hạ tầng chiến lược cần được ưu tiên hàng đầu về lãnh đạo, chỉ đạo, thời gian, nguồn lực..., lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, những công việc, công trình mang tính chất "đòn bẩy, điểm tựa", hiệu quả lan tỏa cao, chấm dứt đầu tư dàn trải, manh mún, kéo dài.

Thủ tướng đánh giá cao các định hướng, mục tiêu, giải pháp, nhiệm vụ mà tỉnh đề ra, tập trung vào 4 đột phá chiến lược về quy hoạch; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động.

Nhấn mạnh một số quan điểm, định hướng, Thủ tướng đề nghị tỉnh Hòa Bình quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm, các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đặc biệt là Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với tỉnh vào ngày 22/3/2022.

Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; chú trọng sơ kết, tổng kết, đánh giá bài học kinh nghiệm, phát huy mô hình hay, cách làm hiệu quả để tiếp tục nhân rộng, tạo sức lan tỏa. Giữ vững bản lĩnh, kiên định, kiên trì những vấn đề nguyên tắc nhưng chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp tình hình thực tiễn.

Phát huy mạnh mẽ những tiềm năng, thế mạnh, tinh thần tự tin, tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình, không trông chờ, ỷ lại. Lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; trong thời gian ngắn nhất cải thiện cho được các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Là địa phương còn nhiều dư địa phát triển, nhất là về nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch văn hóa lịch sử - sinh thái, tỉnh phải hết sức chú trọng bảo đảm sự hài hòa, gắn kết giữa phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ.

Hoàng Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán