Hỗ trợ xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam vào châu Âu

(Banker.vn) Việt Nam cung cấp gần một nửa lượng hồ tiêu châu Âu đang tiêu dùng. Dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại hồ tiêu bền vững tại Việt Nam” sẽ hỗ trợ chuỗi cung ứng hồ tiêu và góp phần vào tăng trưởng bền vững của ngành. Đồng thời, góp phần tăng cường hợp tác giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam.

Ngày 25/11, tại Hà Nội, Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) đồng tổ chức Hội thảo giới thiệu dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại hồ tiêu bền vững tại Việt Nam”.

Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Hồ tiêu Việt Nam chiếm khoảng 60% tổng sản lượng hồ tiêu được giao dịch trên toàn thế giới, và chiếm khoảng 45% hồ tiêu nhập vào châu Âu. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp liên quan đến sản xuất, chế biến và thương mại hồ tiêu của Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, thì vẫn còn một số thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là đáp ứng được các đòi hòi khắt khe về chất lượng, đặc biệt là quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Để hỗ trợ ngành hồ tiêu Việt Nam, Liên minh châu Âu đã hỗ trợ Dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại hồ tiêu bền vững tại Việt Nam”. Dự án này nằm trong khuôn khổ Chương trình ARISE Plus do Liên minh châu Âu tài trợ nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đạt được những lợi ích từ các cam kết thương mại song phương và khu vực mới, trong đó tập trung vào việc thực hiện EVFTA; thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ Việt Nam sang EU.

Dự án do Tổ chức IDH Việt Nam, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội Gia vị châu Âu đồng tổ chức thực hiện. Dự án sẽ thúc đẩy sự tham gia tích cực của các bên liên quan chính trong ngành Hồ tiêu vào các hoạt động của dự án như tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về canh tác bền vững cho nông dân; đồng thời các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ đào tạo, giám sát thực hành canh tác bền vững cùng với nỗ lực quản lý sử dụng hóa chất nông nghiệp có trách nhiệm của các cơ quan quản lý sẽ góp phần gia tăng sản lượng hồ tiêu đạt chuẩn thị trường yêu cầu và đảm bảo thu nhập ổn định cho nông dân trồng hồ tiêu, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu hướng đến mục tiêu phát triển hồ tiêu bền vững.

Ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, đại diện Nhóm Đối tác công tư ngành hàng hồ tiêu - khẳng định, đã đến lúc ngành hồ tiêu Việt Nam cần chuyển đổi từ sản xuất theo số lượng sang tập trung nâng cao chất lượng và cải tiến hệ thống sản xuất để hồ tiêu có chất lượng tốt hơn, đồng thời giúp nông dân có thu nhập bền vững. Hỗ trợ của Liên minh châu Âu thông qua dự án này có ý nghĩa rất quan trọng và đúng thời điểm giúp đóng vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp trong nước và châu Âu cùng tham gia vào một mục tiêu chung phát triển ngành hồ tiêu bền vững.

Còn theo ông Huỳnh Tiến Dũng - Giám đốc của Tổ chức IDH tại Việt Nam, thực tế việc thúc đẩy các dự án liên kết chuỗi trong ngành hàng hồ tiêu tại Việt Nam không phải bây giờ mới diễn ra. Trong vài năm gần đây, thông qua sự kết nối của IDH, môt số doanh nghiệp trong nước (thành viên của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và châu Âu (thành viên của Hiệp hội Gia vị châu Âu) đã hợp tác thực hiện một số dự án liên kết sản xuất hỗ trợ nông dân và bước đầu đã mang lại một số kết quả tích cực nhất định. Dự án này với sự hỗ trợ tài chính của Liên minh châu Âu sẽ thúc đẩy việc liên kết chuỗi sản xuất hồ tiêu bền vững một cách toàn diện hơn, mang lại lợi ích không chỉ cho các doanh nghiệp Việt Nam, và châu Âu mà còn nâng cao thu nhập cho nông dân hồ tiêu Việt Nam và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng châu Âu.

Ông Matthieu Penot - Tùy viên Phái đoán Liên minh châu Âu tại Việt Nam - nhận định, Dự án sẽ hỗ trợ chuỗi cung ứng hồ tiêu và góp phần vào tăng trưởng bền vững của ngành. Mục tiêu của dự án là cải thiện đời sống của 10.000 hộ nông dân trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên và giúp các doanh nghiệp sản xuất và chế biến hồ tiêu tăng sản lượng bền vững. Việt Nam cung cấp gần một nửa lượng hồ tiêu châu Âu đang tiêu dùng. Việc Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên đầu tư mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng hồ tiêu Việt Nam góp phần tăng cường hợp tác giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam.

Nguyễn Hạnh

Theo Báo Công Thương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục