Hỗ trợ thương nhân xuất khẩu gạo hiểu hơn về Luật cạnh tranh, phòng vệ thương mại

(Banker.vn) Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) đã phổ biến pháp luật về cạnh tranh, phòng vệ thương mại cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.
Bộ Công Thương đảm bảo mục tiêu kép trong điều hành xuất khẩu gạo Xuất khẩu gạo Việt chịu tác động gì sau khi Philippines sửa đổi Luật về thương mại gạo? Việt Nam duy trì là đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất của Philippines

Sáng 12/6/2024, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) đã chủ trì và phối hợp Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ Thương mại, Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), cùng sự hỗ trợ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam... đã tổ chức chương trình Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về cạnh tranh, phòng vệ thương mại và các quy định khác có liên quan cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.

Theo đó, hội nghị được tổ chức với mục tiêu triển khai các nhiệm vụ và giải pháp đã được quy định tại Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 03/CT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nêu, đặc biệt là hai nhiệm vụ đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường và xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo và kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.

Hỗ trợ thương nhân xuất khẩu gạo hiểu hơn về Luật cạnh tranh, phòng vệ thương mại
Hội nghị giúp các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo hiểu hơn về luật về cạnh tranh, phòng vệ thương mại và các quy định khác có liên quan - (Ảnh: Hiệp Đồng).

Tại Hội nghị, các diễn giả đến từ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Cục Phòng vệ Thương mại, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã phổ biến cho các doanh nghiệp tổng quan về các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh; thực tiễn và xu hướng điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng thị trường xuất khẩu gạo lành mạnh, bền vững.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, năm 2023 là năm chứng kiến chuỗi biến động bất thường trong lĩnh vực lương thực nói chung và thị trường gạo nói riêng trên toàn cầu. Thời tiết khắc nghiệt, xung đột địa chính trị, lạm phát, các biện pháp hạn chế xuất khẩu do một số quốc gia áp dụng là những yếu tố đã góp phần làm cho thị trường lương thực toàn cầu trong năm 2023 trở nên bất ổn và khó dự đoán hơn bao giờ hết, từ đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến giá cả và an ninh lương thực trên toàn thế giới.

“Trước tình hình khó khăn như vậy, năm 2023 xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đạt kết quả tích cực. Cụ thể, nước ta đã xuất khẩu được trên 8,1 triệu tấn gạo, đạt trị giá gần 4,7 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và 35,3% về giá trị so với năm 2022”, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga thông tin.

Hỗ trợ thương nhân xuất khẩu gạo hiểu hơn về Luật cạnh tranh, phòng vệ thương mại
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương - (Ảnh: Hiệp Đồng).

Cũng theo Phó Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, ngành hàng lúa gạo nước ta còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Trong số đó, những hạn chế phải kể đến như chưa chú trọng phát triển liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cũng như triển khai các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu, cập nhật thông tin về thị trường gạo thế giới, dự báo chính sách nhập khẩu gạo của các nước; chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu vẫn còn hạn chế, thị trường gạo có dấu hiệu chưa bền vững, vẫn phụ thuộc một số thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia; công tác phát triển thị trường chưa được hỗ trợ tương xứng với tiềm năng của ngành hàng.

"Thông qua Hội nghị này, Bộ Công Thương lưu ý các doanh nghiệp việc tuân thủ pháp luật cạnh tranh cùng với các quy định khác của pháp luật liên quan đến kinh doanh xuất khẩu gạo. Đồng thời, nghiên cứu để ứng phó trước các nguy cơ nước nhập khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản (bao gồm mặt hàng gạo) của Việt Nam. Qua đó, góp phần tăng cường hiệu quả trong việc xây dựng chuỗi cung ứng gạo, phát triển thị trường xuất khẩu gạo lành mạnh, bền vững, ứng phó kịp thời với những biến động trong khu vực và thế giới", bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga kỳ vọng.

Tại hội nghị, bà Hoàng Thị Thu Trang, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh (Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia) cũng đã giới thiệu các quy định cơ bản của pháp luật cạnh tranh Việt Nam và một số lưu ý đối với doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo để đảm bảo tuân thủ pháp luật cạnh tranh.

Tiếp đến, ông Phùng Gia Đức, Phó trưởng Phòng Phòng xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài (Cục Phòng vệ Thương mại) giới thiệu nội dung chính của pháp luật về phòng vệ thương mại. Cùng với đó là một số lưu ý đối với doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo để đảm bảo tuân thủ pháp luật về phòng vệ thương mại.

Phát biểu tại Hội nghị, Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, tổng cầu sụt giảm nhưng hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn và ghi nhận được một số kết quả tích cực. Theo số liệu ước của liên Bộ, xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 4,15 triệu tấn, tăng 14,7% về lượng; trị giá đạt 2,65 tỷ USD, tăng 38,2% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân 638 USD/tấn, tăng 20,5% về giá so với ước thực hiện 5 tháng năm 2023”.

Hỗ trợ thương nhân xuất khẩu gạo hiểu hơn về Luật cạnh tranh, phòng vệ thương mại
Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương - (Ảnh: Hiệp Đồng).

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, để đạt được kết quả như vậy là sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương, trong đó không thể không kể đến những nỗ lực từ thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo đã góp phần tạo lên kết quả đáng khích lệ như trên. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống văn bản pháp lý điều hành kinh doanh xuất khẩu gạo vẫn còn những điểm chưa phù hợp, chưa theo kịp thực tế phát sinh nhưng cũng tương đối đầy đủ và toàn diện, góp phần giúp cho cơ quan quản lý nhà nước và thương nhân tạo lập nên bức tranh sáng trong bầu trời xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Cũng tại Hội nghị này, ông Trần Quốc Toản cũng đã có những trình bày về một số điểm chính trong Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong đó, đặc biệt lưu ý đối với các doanh nghiệp về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận; quy định về tổ chức hậu kiểm điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; quy định về trách nhiệm của thương nhân.

“Đến nay, Nghị định trên đã triển khai được 7 năm và có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo. Nghị định đã khuyến khích các thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu gạo khi đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo hiện nay khoảng 158 thương nhân; năng lực kho chứa, xay, xát, chế biến thóc, gạo được cải thiển rõ rệt, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của thương nhân, góp phần giải quyết cơ bản một số bất cập, tồn tại trong việc thu mua, tiêu thụ thóc gạo, sơ chế, chế biến sản phẩm thóc...”, ông Toản chia sẻ thêm.

Hỗ trợ thương nhân xuất khẩu gạo hiểu hơn về Luật cạnh tranh, phòng vệ thương mại
Ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, ông Ngô Đức Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã lắng nghe ý kiến phát biểu của các thương nhân - (Ảnh: Hiệp Đồng).

Cũng tại hội nghị này, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, ông Ngô Đức Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã lắng nghe, giải đáp và ghi nhận các ý kiến của các doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu gạo.

Các đại biểu tại đây đã có những trao đổi, thảo luận sôi nổi. Qua đó, giúp các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo hiểu rõ hơn các quy định về pháp luật về cạnh tranh, phòng vệ thương mại và các quy định khác. Từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường xuất khẩu gạo theo hướng tuân thủ pháp luật, lành mạnh, bền vững.

Sỹ Đồng - Tấn Hiệp

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục