Nhiều giải pháp hỗ trợ các địa phương phát triển thương mại điện tử
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã định hướng các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỉ lệ đô thị hoá khoảng 45%; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.
Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngành Công Thương đã đạt được nhiều kết quả, trong đó đối với lĩnh vực kinh tế số, việc đưa thương mại điện tử về các địa phương và hỗ trợ lĩnh vực này phát triển được coi là điểm sáng của ngành trong thời gian gần đây.
Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, trong tiến trình chuyển đổi số cũng như phát triển kinh tế của đất nước như hiện nay, thương mại điện tử đang đóng một vai trò thiết yếu và vô cùng quan trọng. Thương mại điện tử tiếp tục là một trong những lĩnh vực kinh tế sáng nhất, tăng trưởng nhanh và ổn định nhất với tốc độ tăng trưởng cao khoảng (từ 15 - 20%/năm).
Sự ra đời của thương mại điện tử đã làm cho mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp được thay đổi đáng kể và đang trở thành xu thế mới, thay thế dần phương thức kinh doanh cũ với rất nhiều ưu thế và mang lại hiệu quả cao. Phát triển thương mại điện tử sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành và thực thi kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa phương và phù hợp với chủ trương của Nhà nước được phê duyệt trong Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Trên 73% dân số Việt Nam sử dụng Internet, trong số đó có tới 78% người dùng tham gia mua sắm trực tuyến |
Theo số liệu thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, hiện tại, trên 73% dân số Việt Nam sử dụng Internet, trong số đó có tới 78% người dùng tham gia mua sắm trực tuyến.
Năm 2021, thương mại điện tử Việt Nam giữ tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 16%, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ (B2C) đạt 13,7 tỷ USD, tỷ trọng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 7%, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020.
Đến năm 2022, thương mại điện tử tiếp tục là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế số với tốc độ tăng trưởng 20% và doanh thu thương mại điện tử bán lẻ đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.
Nửa đầu năm 2023, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Đáng chú ý, thương mại điện tử Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về quy mô và dẫn đầu về tốc độ phát triển.
“Những thành tựu ấn tượng như trên là kết quả của một hệ thống chiến lược, chính sách dài hạn và nhất quán của Chính phủ nhằm phát triển thương mại điện tử từ đầu những năm 2010, là sự nỗ lực, đồng hành, phối hợp với Bộ Công Thương của tất cả các địa phương trên toàn quốc mà đặc biệt là của các Sở Công Thương, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và các lĩnh vực liên quan” - bà Oanh nhấn mạnh.
Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương phối hợp cùng các Sở Công Thương tổ chức rất nhiều chương trình đào tạo, tập huấn về pháp luật thương mại điện tử, xây dựng hệ sinh thái xuất khẩu xuyên biên giới, kết nối giao thương thương mại điện tử, nâng cao năng lực tiếp cận thương mại điện tử cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, truyền thông về thương mại điện tử cho người tiêu dùng trên toàn quốc,...
Bộ Công Thương phối hợp cùng các Sở Công Thương tổ chức nhiều chương trình đào tạo, tập huấn về pháp luật thương mại điện tử |
Mạnh tay xử lý vi phạm
Dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ nhưng bà Oanh thẳng thắn nhìn nhận, trong thực tiễn, thương mại điện tử đang bộc lộ nhiều vấn đề như: Tình trạng hàng gian, hàng giả, vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử; tình trạng phát triển không đồng đều của thương mại điện tử giữa khu vực thành thị và nông thôn cũng như giữa các thành phố lớn của Việt Nam; tình trạng manh mún, thiếu tính liên kết về thương mại điện tử giữa các vùng; hạn chế về cơ sở hạ tầng và logistics phục vụ thương mại điện tử,...
Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng nêu lên một số hành vi vi phạm của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này như: Không thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng; không công bố hoặc công bố không đầy đủ, không chính xác trên website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng thông tin về chủ sở hữu website hoặc ứng dụng bán hàng; thông tin hàng hóa, dịch vụ…; hoặc những vi phạm liên quan đến Giao kết hợp đồng sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến, Giả mạo thông tin, Kiểm soát thông tin trên các website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử…
Bà Oanh cho biết, về thủ tục thông báo/đăng ký website thương mại điện tử: Theo quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, Bộ Công Thương là cơ quan tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính về thông báo website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng và đăng ký website/ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử trên toàn quốc. Tương ứng với phương thức hoạt động của thương mại điện tử là trên môi trường Internet, các thủ tục hành chính này cũng được thực hiện hoàn toàn trực tuyến theo hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử www.online.gov.vn.
Theo số liệu tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử, tính đến ngày 22/5/2023, số lượng website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng được xác nhận thông báo là 991 website; trong khi đó, số lượng website/ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử được xác nhận đăng ký là 11 website.
Về thanh tra, kiểm tra thương mại điện tử, năm 2020, Bộ Công Thương đã tiến hành 14 cuộc (tổng số tiền phạt 330 triệu đồng) và 9 cuộc năm 2022 (tổng số tiền phạt là 138 triệu đồng). Tháng 5 năm 2023, Bộ đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thanh tra Công ty TikTok Việt Nam. Bộ cũng đang chuẩn bị các hoạt động nhằm triển khai công tác thanh tra, kiểm tra năm 2023 theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, qua công tác rà soát các website/ứng dụng vi phạm, trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Công Thương đã yêu cầu các thương nhân, tổ chức hoạt động thương mại điện tử gỡ bỏ/khóa 5.119 gian hàng với 16.183 sản phẩm vi phạm; chặn 3 website vi phạm có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương duy trì Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử. Đây là kênh thông tin trực tuyến hiệu quả trong việc tiếp nhận khiếu nại, tố cáo của người dân và đăng tải thông tin, cảnh báo về hành vi vi phạm pháp luật của các chủ thể hoạt động thương mại điện tử. Năm 2019, Bộ Công Thương khai trương “Hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, khiếu nại, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử”. Mục tiêu của Hệ thống nhằm chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Hệ thống là một trong 6 nhóm giải pháp quan trọng để tăng cường công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử giai đoạn 2018 - 2022.
“Trung bình mỗi năm hệ thống tiếp nhận và xử lý khoảng 300 phản ánh, khiếu nại của người dân. Các khiếu nại, phản ánh tập trung vào những hành vi vi phạm: Chưa thực hiện thông báo, đăng ký (79,6%), giả mạo thông tin đăng ký (10,7%), kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (4%)...” - bà oanh cho hay.
Lê Na
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|