HNG nêu lộ trình khắc phục cổ phiếu bị kiểm soát

(Banker.vn) Mới đây, Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HOSE: HNG) đã có công văn giải trình biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát.

Cụ thể, trong văn bản công bố, HNG cho biết theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2024, Công ty dự kiến trồng mới 1.533 ha chuối, chăm sóc và khai thác 6.328 ha cao su; đầu tư chuồng trại, cánh đồng cỏ và nhập khẩu 5.800 con bò cái. Theo đó, doanh thu thuần ước đạt 694 tỷ đồng và lỗ trước thuế 120 tỷ đồng.

Mặt khác, HNG đã được Chính phủ Lào chấp thuận chủ trương đầu tư dự án sản xuất trồng trọt cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò quy mô lớn tại tỉnh Attapeu và tỉnh Sekong, Lào. Dự án có quy mô diện tích đất 27.384 ha, tổng vốn đầu tư 18.090 tỷ đồng, thời gian hoàn thiện đầu tư dự án từ năm 2024 đến năm 2028. Doanh thu năm 2028 ước tính đạt 13.500 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 2.450 tỷ đồng.

HNG nêu lộ trình khắc phục cổ phiếu bị kiểm soát

Hiện nay, HNG thực hiện Chiến lược sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trên nền tảng hữu, quản trị theo phương pháp công nghiệp xuyên suốt chuỗi giá trị, ứng dụng cơ giới hoá, công nghệ sinh học và số hoá theo lộ trình phù hợp. HNG sẽ tập trung vào 4 mục tiêu chính.

Thứ nhất, đầu tư quy hoạch tổng thể, đồng bộ hệ thống giao thông – thuỷ lợi – điện; các công trình trên đất; tuyến đê bao chống ngập; tổ chức hoạt động giao nhận vận chuyển, tổng kho.

Thứ hai, trồng trọt chuyên canh chuối, dứa với diện tích lớn, cung cấp trái cây tươi; đầu tư các nhà máy sơ chế, chế biến trái cây; trồng trọt các loại cây ăn trái (xoài, bưởi, sầu riêng…) kết hợp chăn nuôi bò sinh sản bán chăn thả, bê và bò thịt chăn thả, bò thịt vỗ béo tập trung.

Thứ ba, tổ chức mô hình khu liên hợp sản xuất trồng trọt và chăn nuôi khép kín đảm bảo công tác an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện chuyển đổi các vườn cao su không hiệu quả sang trồng chuối, dứa và cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò.

Với chiến lược này, HNG tin tưởng vào sự phát triển bền vững và tạo ra lợi nhuận trong các năm tiếp theo, từ đó từng bước giảm các khoản lỗ luỹ kế trên BCTC trong thời gian ngắn nhất.

Trước đó, cổ phiếu HNG bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 12/4/2023, do kết quả kinh doanh 2 năm liên tiếp (2021, 2022) là số âm. Đến ngày 27/7, HOSE tiếp ra thông báo huỷ niêm yết đối với HNG do thua lỗ 3 năm liên tiếp. Cụ thể, các năm 2021, 2022 và 2023, HAGL Agrico ghi nhận mức lỗ lần lượt: gần 1.120 tỷ đồng, gần 3.580 tỷ đồng, xấp xỉ 1.100 tỷ đồng.

HNG lỗ nặng trước khi bị huỷ niêm yết

Về kết quả kinh doanh, HAGL Agrico vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 với doanh thu thuần giảm sâu 48% còn 79 tỷ đồng. Trong kỳ, cây ăn trái chỉ đạt doanh thu gần 46 tỷ đồng, sản lượng 3.664 tấn, giảm 59% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là bởi quý 2/2024 HNG chỉ tập trung chăm sóc và khai thác trên 833ha diện tích vườn chuối có hiệu quả, so với cùng kỳ là 1.891ha.

Phần diện tích còn lại đã dừng chăm sóc để tập trung nguồn lực tiến hành đầu tư mới đối với hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất; đẩy mạnh tập trung vào công tác quy hoạch, đầu tư đồng bộ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh. Theo đó, công ty xác định và ghi nhận khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho với giá trị 178 tỷ đồng.

Còn cây cao su mang về gần 32 tỷ đồng, sản lượng 896 tấn. Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng thiếu công nhân cạo mủ cao su, cùng với sản lượng khai thác đầu mùa vụ thấp. Ngoài ra, chi phí giá vốn vườn cây lớn, chủ yếu là chi phí khấu hao dẫn đến doanh thu không bù đủ chi phí.

Giá vốn tăng vọt khiến HNG lỗ gộp 271 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí phát sinh, chủ yếu là lãi vay, doanh nghiệp lỗ ròng 323 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 135 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ 14 liên tiếp thua lỗ kể từ quý I/2021.

Luỹ kế 6 tháng, doanh nghiệp lỗ ròng 370 tỷ đồng, nâng mức lỗ luỹ kế tính tới ngày 30/6/2024 lên 8.472 tỷ đồng.

Về tình hình tài chính, tại ngày 30/6, quy mô nguồn vốn đạt 15.549 tỷ đồng, công ty chỉ còn nắm giữ hơn 16 tỷ đồng tiền mặt. Tài sản của doanh nghiệp nằm chủ yếu ở tài sản cố định, chi phí xây dựng cơ bản dở dang (chủ yếu là chi phí phát triển vườn cây ăn trái, cao su, nhà xưởng,...).

Tổng dư nợ vay cuối kỳ là 9.138 tỷ đồng, trong đó 79% dư nợ đến từ Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico) và HAGL (HoSE: HAG), còn lại là từ ngân hàng. Vốn lưu động của doanh nghiệp âm hơn 7.500 tỷ đồng cuối quý 2.

Gần nhất, quý 1/2024 HNG ghi nhận doanh thu thuần giảm 26%. Kinh doanh dưới giá vốn cộng với các chi phí khiến doanh nghiệp lỗ sau thuế 47 tỷ. Đây cũng là quý thứ 13 liên tiếp thua lỗ của công ty tuy nhiên mức lỗ đã giảm còn hai chữ số. Tại thời điểm cuối quý 1/2024, HNG đã lỗ lũy kế 8.149 tỷ đồng, dẫn đến việc vốn chủ sở hữu chỉ còn 2.487 tỷ đồng.

Mới đây, ngày 26/7, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã ra thông báo hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HNG. Lý do, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2021, 2022, 2023 lần lượt âm 1.119 tỷ đồng, 3.576 tỷ đồng và 1.098 tỷ đồng.

Không quá bất ngờ, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT HNG cho rằng, việc HNG bị hủy niêm yết là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, HNG kỳ vọng đến năm 2025 khi doanh thu ổn định và bắt đầu có lãi, HNG sẽ đăng ký trở lại trên HOSE.

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên sáng 2/8, cổ phiếu HNG đang giao dịch quanh 3.900 đồng/cp. Trong vòng 1 tháng qua, từ mức giá đống cửa cao nhất 5.300 đồng/cp (phiên 8/7), thị giá HNG đã “bốc hơi” 22%. Trước đó, phiên 29/7, giá cổ phiếu HNG giảm kịch sàn 6,87% sau tin hủy niêm yết.

Lên HOSE từ 20/7/2015 với giá chào sàn 28.000 đồng/cp và từng có thời điểm, mỗi cổ phiếu HNG có giá gần 35.000 đồng/cp và đó cũng là mức cao nhất mà một cổ đông lâu năm của HNG từng tận hưởng. Bởi chưa đầy 1 năm sau, giá nhanh chóng lao dốc xuống dưới mệnh giá.

HNG nêu lộ trình khắc phục cổ phiếu bị kiểm soát
Diễn biến giá cổ phiếu HNG từ khi niêm yết.
Cổ đông HAGL Agrico (HNG) thông qua việc đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng cho dự án tại Lào

HAGL Agrico (HNG) thành lập công ty mới để thực hiện dự án trồng cây kết hợp nuôi bò tại Lào. Ước tính, dự án ...

Ôm HAGL Agrico từ tay bầu Đức, tỷ phú Trần Bá Dương đã lường trước việc cổ phiếu HNG rời sàn?

Sau khi bị hủy niêm yết, cổ phiếu HNG sẽ giao dịch trên sàn UPCoM. Để niêm yết trở lại trên HoSE, công ty phải ...

HNG chất sàn sau tin hủy niêm yết, hé lộ thời điểm có thể trở lại HOSE nhờ một lý do đặc biệt

Chỉ mới vừa nhận quyết định hủy niêm yết, thế nhưng, ngày trở lại sàn HOSE của cổ phiếu HNG đã được hé lộ?

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán