Him Lam Land "sang tay" 980.000 cổ phiếu SGN với giá 74.000 đồng/cp. |
Vừa qua, Him Lam Land đã có báo cáo về việc không còn là cổ đông lớn tại Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (mã SGN).
Theo đó, ngày 7/7, Him Lam Land đã bán ra thành công 980.000 cổ phiếu SGN, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 7,6% xuống còn 4,7%. Đối chiếu với dữ liệu trong phiên giao dịch ngày 7/7, Him Lam Land đã thực hiện giao dịch số cổ phiếu này theo hình thức thỏa thuận. Cụ thể, thị trường ghi nhận đúng 980.000 cổ phiếu SGN được “sang tay” với giá 72 tỷ đồng, tương đương thị giá 74.000 đồng/cp.
Dữ liệu trong phiên giao dịch ngày 7/7 về thương vụ "lướt sóng" của Him Lam Land |
Như vậy, sau thương vụ trên, Him Lam Land đã Địa ốc Him Lam chính thức rời ghế cổ đông lớn, đồng nghĩa với việc không còn phải công bố biến động sở hữu tại Phục vụ Mặt đất Sài Gòn.
Trước đó, vào ngày 1/6, Him Lam Land đã mua vào 2.557.245 cổ phiếu SGN, nâng sở hữu từ 0% lên 7,6% vốn điều lệ của Phục vụ Mặt đất Sài Gòn. Cùng ngày, Công ty CP Đầu tư Khai thác cảng (IMP Corp) thông báo thoái xong toàn bộ vốn sở hữu tại Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn với hơn 2,5 triệu cổ phiếu được bán ra, đúng bằng lượng cổ phiếu mà Him Lam Land mua vào.
Mặc dù giá trị thương vụ vẫn được giữ kín nhưng nếu tính theo thị giá trên sàn của SGN ngày 1/6 là 73.500 đồng/cp, số tiền mà Him Lam Land đã chi ra để IMP Corp nhường lại chiếc ghế cổ đông lớn có thể lên tới gần 200 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, IMP Corp do Chủ tịch HĐQT là doanh nhân Lưu Quang Lãm thành lập ngày 29/1/2010, hoạt động chính trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông vận tải. Được biết, ông Lãm là đồng hương Bắc Ninh với nhà sáng lập Him Lam Group – ông Dương Công Minh.
Về IMP Corp, doanh nghiệp này dần gây dựng được tiếng tăm trong làng xây dựng giao thông với một số dự án tiêu biểu như dự án BOT Quốc lộ 38 nối Bắc Ninh - Hải Dương trị giá 1.679 tỷ đồng (liên danh với Công ty CP Licogi 16); dự án nạo vét cửa sông Cổ Chiên (Châu Thành, Trà Vinh); dự án nâng cấp tuyến luồng kênh Cái Tráp (Hải Phòng) giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BT với Cục Hàng hải Việt Nam… Tuy nhiên, kể từ sau thời kỳ hoàng kim vào năm 2015, IMP Corp ghi nhận kết quả kinh doanh khá “lẹt đẹt” với doanh thu từ hoạt động cốt lõi chỉ vài chục tỷ đồng và liên tục thua lỗ.
Đáng nói, trái ngược với hoạt động kinh doanh “kém sắc”, IMP Corp lại cho thấy sự “mát tay” trong việc “chọn mặt gửi vàng”, mà cụ thể là khoản đầu từ “1 vốn 4 lời” vào Phục vụ Mặt đất Sài Gòn.
Theo tìm hiểu, IMP Corp bắt đầu tham gia đầu tư vào Phục vụ Mặt đất Sài Gòn từ cuối năm 2014. Cùng với Công ty CP Hàng không Vietjet (VJC) và Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hoàn Lộc Việt, doanh nghiệp của đại gia Lưu Quang Lãm là một trong ba nhà đầu tư chiến lược tham gia mua thoả thuận lần lượt gần 4%, 2,25% và 12,8% vốn điều lệ của Phục vụ Mặt đất Sài Gòn.
Giá hợp đồng mua khi đó là 14.100 đồng/cổ phiếu, thời hạn nắm giữ cổ phần là 5 năm. Đến năm 2019, IMP Corp nhượng lại 1,7 triệu cổ phiếu SGN cho Vietjet với mức giá 81.400 đồng/cp. Như vậy, chỉ sau 5 năm, khoản đầu tư của doanh nhân Lưu Quang Lãm đã tăng gấp 6 lần giá trị, qua đó giúp ông “bỏ túi” hơn 140 tỷ đồng.
Còn trong thương vụ với Him Lam Land, với giá trị lên tới gần 200 tỷ đồng, ước tính, IMP Corp có thể kiếm lời tối thiểu thêm 160 tỷ đồng. Đó là chưa kể trong suốt các năm qua, IMP Corp vẫn đều đặn nhận cổ tức hàng chục tỷ đồng từ SGN (tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt bình quân 30%/năm).
Theo tìm hiểu, Phục vụ Mặt đất Sài Gòn được thành lập từ năm 2004 và cổ phần hóa vào năm 2014. vốn điều lệ là 140,5 tỷ đồng. Doanh nghiệp này kinh doanh khai thác kết cấu hạ tầng trang thiết bị của cảng hàng không sân bay, đồng thời cung ứng dịch vụ bảo dưỡng tàu máy bay, phụ tùng thiết bị hàng không và trang thiết bị kỹ thuật khác.
Đây là đơn vị cung cấp dịch vụ trên cho các hãng bay lớn cả trong và ngoài nước như: VietJet, Asiana Airlines, Emirates Airlines, Qatar Airways, Turkish Airlines. Theo đó, địa bàn chính hoạt động chính của doanh nghiệp này là tại sân bay Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cam Ranh.
Theo thông tin từ phía Phục vụ Mặt đất Sài Gòn, năm 2023, doanh nghiệp đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 1.280 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 205 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 35% và 46% so với thực hiện năm 2022.
Kết quả kinh doanh của Phục vụ Mặt đất Sài Gòn những quý gần đây |
Kết thúc 3 tháng đầu năm 2023, Phục vụ Mặt đất Sài Gòn ghi nhận doanh thu đạt 329 tỷ đồng, tăng 95% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cũng vọt 83%, đạt hơn 55 tỷ đồng. Theo đó, doanh nghiệp này đã thực hiện được 25,7% mục tiêu về doanh thu và 27,4% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của SGN tăng 7% so với đầu năm, lên gần 1.153 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là đầu tư tài chính ngắn hạn 485 tỷ đồng, phải thu ngắn hạn gần 319 tỷ đồng và tài sản cố định hơn 235 tỷ đồng. SGN không không có vay nợ tài chính.
Trên sàn thị trường, cổ phiếu SGN đang được giao dịch quanh mức đỉnh 74.000 đồng/cp, tăng 18% so với đầu năm. Thanh khoản bình quân trên 5.000 cp/ngày.
Hà Lê
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|