Hiệu quả từ cuộc thi sáng tạo của thanh thiếu niên nhi đồng

(Banker.vn) Với những ý tưởng mới, sáng tạo, nhiều đề tài của các em học sinh đã đạt giải cao tại Cuộc thi sáng tạo của thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 19.
Trao giải Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên và nhi đồng toàn quốc lần thứ 18 Quảng Ninh: Trao 103 giải tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ VII và lần thứ VIII

Những học sinh đam mê sáng tạo

Cuộc thi sáng tạo của thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 19 năm 2023 mặc dù đã tổ chức trao giải và trôi qua gần 2 tháng nhưng niềm vui vẫn còn đọng lại với các “tác giả nhí” là 5 em học sinh đến từ Trường THCS Cầu Giấy -Hà Nội đạt giải Đặc biệt cho Đề tài “website dân ca quan họ".

Em Quản Minh Hồng Anh - Lớp 9A3, Trường THCS Cầu Giấy, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, mặc dù có ý tưởng ban đầu nhưng để hình thành sản phẩm chúng em cũng phải có sự giúp đỡ rất lớn từ cha mẹ và các thày cô giáo trong trường hướng dẫn và động viên, tạo điều kiện để chúng em thực hiện đề tài và tham gia dự thi.

Chia sẻ về nguyên nhân hình thành ý tưởng và xây dựng đề tài, theo em Hồng Anh, khu vực đồng bằng Bắc bộ được xem như cái nôi của nền văn hóa nước ta, nên ở đây tập trung rất nhiều đặc điểm văn hóa đặc trưng cho cả dân tộc, và nội bật trong đó là Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận - Dân ca Quan họ.

“Để Dân ca Quan họ được truyền bá rộng rãi hơn trong và ngoài nước, chúng em đã thiết kế, xây dựng nên website học tập “Hành trình về Miền di sản Quan họ”.”- em Hồng Anh tâm sự.

Hiệu quả từ cuộc thi sáng tạo của thanh thiếu niên nhi đồng
Nhóm tác giải nhận Giải Đặc biệt chia sẻ tại buổi lễ trao giải

Theo đó, cấu tạo của website được chia làm 3 phần vùng cụ thể đó là: Phần một là phần lời mở đầu, giới thiệu về dự án, giúp cho người trải nghiệm có cái nhìn cụ thể và trực quan về dự án này. Phần hai, giới thiệu về đồng bằng châu thổ sông Hồng với bản đồ của các tỉnh trong khu vực, tại phân vùng mỗi tỉnh trên bản đồ, người trải nghiệm chỉ cần click chuột vào sẽ có giới thiệu về tên tỉnh, đặc trưng của tỉnh về tự nhiên, xã hội, các nét đặc trưng về văn hóa (như lễ hội, dân ca đặc trưng, trò chơi, ...) và đưa ra các bài dân ca giúp người dùng có thể trải nghiệm cụ thể từng loại. Phần ba, đi sâu vào di sản văn hóa Quan họ Bắc Ninh.

Tại đây người dùng sẽ được giới thiệu lược sử về Quan họ, các không gian gắn liền với sự ra đời và biểu diễn của Quan họ, các loại nhạc cụ biểu diễn, game trang phục dùng cho Quan họ. Chinh phục game tìm hiểu về Quan họ và trải nghiệm không gian Văn hóa của Hội làng Diềm, Hội Lim.

Điều đặc biệt nhất là trong mục trải nghiệm “Em là truyền nhân Quan họ”, người dùng được thưởng thức các bản nhạc do chính các tác giả của dự án tấu và diễn xướng, nhằm đưa người dùng đến với không gian đồng bằng Bắc Bộ đậm chất thơ, giàu tình người và thêm yêu nền văn hóa nước nhà.

Em Hồng Anh tâm sự: Qua Website này, chúng em mong muốn đưa nền văn hóa Việt Nam đi sâu vào lòng mỗi người dân nước Việt và quảng bá đến với bè bạn trên khắp thế giới.

Trong khi đó, đề tài “Mô hình học tập Hà Nội, thủ đô Văn hiến – Sáng tạo- Phát triển” của 5 em học sinh đến từ các trường: Tiểu học Long Biên, Long Biên, Hà Nội; THCS Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội, TH&THCS Trần Quốc Toản, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh và THCS Thanh Am, Long Biên, Hà Nội đã xuất sắc đạt Giải Nhất tại Cuộc thi.

Hiệu quả từ cuộc thi sáng tạo của thanh thiếu niên nhi đồng
Các tác giả đoạt Giải Nhất tại Lễ trao giải

Mô hình “Hà Nội, Thủ đô văn hiến – Sáng tạo – Phát triển” có kích thước mô hình khi đóng: dài 1,6 m, rộng 1,4 m, cao1,5m; khi mở: dài 2,6 m, rộng 1,4 m, cao 1,5 m. Mô hình thể hiện lại hình ảnh Hà Nội xưa và nay.

Em Lê Nguyễn Bình An- Lớp 9A1 – Thành viên nhóm tác giả chia sẻ: Khi mô hình đóng, Hà Nội xưa hiện lên với 3 sự kiện lịch sử tiêu biểu: Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình; Trận chiến Hà Nội 60 ngày đêm năm 1946, Điện Biên Phủ trên không năm 1972. Còn khi nhấn nút công tắc điều khiển, phần mô hình Hà Nội xưa sẽ dịch chuyển sang bên, mô hình sẽ mở ra, phần mô hình về Hà Nội ngày nay nhô lên với những hình ảnh đặc trưng, làng nghề truyền thống của Hà Nội như: Hồ Gươm, Làng Gióng, gốm sứ Bát Tràng, nón làng Chuông, Tượng đài liệt sĩ, các toà cao ốc.

Theo em Bình An thì đây là những danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống, lễ hội đặc trưng của Hà Nội. Thể hiện một Hà Nội yên bình, văn hiến nhưng cũng rất phát triển. Từng địa điểm sẽ có mã QR để độc giả tra cứu thông tin Mô hình “Hà Nội, Thủ đô văn hiến – Sáng tạo – Phát triển” sẽ giúp các em học sinh học tập bộ môn Lịch sử, giáo dục địa phương, bồi dưỡng niềm tự hào dân tộc về một Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Nhiều đề tài được hiện thực hóa trong cuộc sống

Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Vifotec Phan Xuân Dũng cho biết, trong nhiều năm qua, Quỹ Vifotec - Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đã phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thành công 18 lần Cuộc thi Sáng tạo dành cho các em thanh thiếu niên từ 6 đến 18 tuổi trong cả nước. Cuộc thi đã triển khai sôi nổi và rộng rãi trên khắp các tỉnh, thành phố, đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi.

Trên thực tế, trải qua 19 lần tổ chức (2004 – 2023), Cuộc thi đã thu hút được hàng vạn các em tham gia với hơn 10 ngàn đề tài tham dự, 1742 đề tài đã được Ban Chỉ đạo trao giải cho các em đến từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hàng năm, Quỹ Vifotec thành lập đoàn cho các em và các công trình sáng tạo xuất sắc đại diện cho Việt Nam tham gia Triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ tại các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái lan, Malaysia... đoạt nhiều Huy chương Vàng, Bạc, Đồng.... mang vinh quang về cho đất nước.

Trong 19 năm qua Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc do Quỹ Vifotec (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã tổ chức rất thành công. Cuộc thi không chỉ là cái nôi nuôi dưỡng nhân tài cho đất nước mà còn là ngôi nhà ấm áp thắp sáng đam mê cho các tài năng sáng tạo trẻ của Việt Nam. Nhiều thế hệ học sinh, sinh viên, các cháu thiếu niên, nhi đồng đã lần lượt được bước lên bục vinh quang nhận về những phần thưởng vô cùng xứng đáng”– Chủ tịch Phan Xuân Dũng nói.

Theo Phó chủ tịch Thường trực Quỹ Vifotec Lê Xuân Thảo, Cuộc thi lần thứ 19 năm 2023 có 760 đề tài, mô hình trong cả nước gửi về dự thi.106 đề tài đoạt giải đến từ 54 tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều sản phẩm dự thi của các em đã được hiện thực hóa trong cuộc sống.

Các đề tài tham dự Cuộc thi tập trung vào 5 lĩnh vực: Đồ dùng dành cho học tập; phần mềm tin học; sản phẩm thân thiện với môi trường; các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. ...Hội đồng giám khảo đã xem xét, đánh giá và chọn trao giải thưởng cho 106 đề tài gồm: 1 giải Đặc biệt, 5 giải Nhất, 10 giải Nhì, 30 giải Ba và 60 giải Khuyến khích.

Giải đặc biệt: Đề tài “ website http://dancaquanho.vn” của tác giả Quản Minh Hồng Anh, Bùi Tuấn Phong, Cao Nguyên Đăng, Nguyễn Quang Bách, Nguyễn Minh Ngọc - Hà Nội.

Giải Nhất thuộc về các đề tài “Mô hình học tập ‘Thủ đô Văn hiến – Sáng tạo – Phát triển” của tác giả : Lê Nguyễn Bình An, Nguyễn Bảo Phúc, Trần Bảo Nam, Nguyễn Bảo Bảo, Đỗ Xuân Đức – Hà Nội; đề tài “Đường đua trí tuệ” của tác giả Hồ Mai Phương, Nguyễn Khánh Duy, Hoàng Anh Nhật, Lê Anh Tùng, Đỗ Văn Khánh – Hà Nội; đề tài “Hệ thống phát hiện và cảnh báo điểm mù trên xe ô tô tải” của tác giả Phạm Đăng Minh, Hoàng Văn Đồng – Ninh Bình; đề tài “mô hình dây chuyền thiết bị sơ chế rửa, phân loại, khía và tách hạt quất để làm mứt” của tác giả Hà Minh Trí, Trương Mai Chi, Đỗ Hoàng Bách, Vương Khang, Tô Duy An – Hà Nội; đề tài “Tận dụng các vật liệu tái chế từ rác thải để chế tạo mô hình mô phỏng vòng biến thái hoàn toàn ở côn trùng” của tác giả Phạm Nguyễn Vân Khánh, Nguyễn bảo Châu, Hà Nguyễn Khánh Linh, Nguyễn Viết Duy, Bùi An Khánh – Hà Nội.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương