Hiệu quả kinh doanh của nhiều ngân hàng sụt giảm

(Banker.vn) Kết thúc 9 tháng năm 2023, nhiều ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm do nhu cầu tín dụng yếu và lãi suất cho vay liên tục được các nhà băng giảm để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, khiến NIM bị thu hẹp.

Lãi suất cho vay giảm khiến lãi ròng thu hẹp

Nhiều nhà băng đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2023 như: TPBank, VPBank, PGBank, Bac A Bank, LPBank… cho thấy, kết quả không mấy khả quan. Chẳng hạn, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của TPBank giảm 26% so với cùng kỳ; LPBank và VPBank lần lượt giảm 24% và 27%. Trong quý III, nhóm ngân hàng quy mô nhỏ như Bac A Bank, PGBank thậm chí có lợi nhuận trước thuế giảm mạnh ở mức 73% và 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc sụt giảm lợi nhuận trong các quý đầu năm, theo các ngân hàng chủ yếu do cầu tín dụng thấp, tăng trưởng tín dụng chậm hơn so với cùng kỳ, đồng thời chi phí trích lập dự phòng gia tăng. Đặc biệt một trong những nguyên nhân chính khiến lợi nhuận nhiều ngân hàng sụt giảm là hệ thống ngân hàng thực hiện giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế từ đầu năm đến nay.

Đơn cử các ngân hàng như: Vietcombank, Agribank, BIDV, MSB, SHB… đã liên tiếp hạ lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ và mới. Hay như tại TPBank, tính đến tháng 9/2023, ngân hàng này đã liên tiếp 10 lần hạ lãi suất cho vay đối với các gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp các lĩnh vực, ngành nghề và cho vay mua sắm nhà ở. Đến nay, mức lãi vay của nhà băng này đã giảm từ 1,5% - 3,05%/năm (áp dụng với tất cả các khoản vay hiện hữu đến kỳ điều chỉnh lãi suất).

VPBank cũng đang triển khai gói tín dụng 13.000 tỷ đồng dành cho khách hàng vay vốn mua nhà ở, phương tiện đi lại và vay vốn lưu động kinh doanh. Lãi suất vay áp dụng chỉ từ 5-7%/năm.

Bên cạnh việc thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ, gần đây các ngân hàng tiếp tục dành nguồn lực cho gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và 15.000 tỷ đồng cho vay thủy sản.

Theo thống kê của CTCP chứng khoán KB (KBSV), hiện nay mức giảm trung bình đối với các khoản cho vay mới khoảng 1 - 1,75%/năm so với đầu năm. Dự báo lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm 0,25% trong quý cuối năm. Theo đó cả năm 2023 lãi suất cho vay bình quân của hệ thống ngân hàng đã giảm khoảng 1,5-2%/năm.

Với tổng dư nợ toàn hệ thống đến cuối tháng 9/2023 khoảng gần 12,75 triệu tỷ đồng (số liệu thống kê của NHNN), nhiều chuyên gia cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay đã giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí; và cũng là một trong những yếu tố khiến lợi nhuận kinh doanh các quý đầu năm, đặc biệt là quý III/2023 của các ngân hàng thu hẹp.

hieu-qua-kinh-doanh-cua-nhieu-ngan-hang-sut-giam-20231025085516.jpg
TPBank, tính đến tháng 9/2023 đã liên tiếp 10 lần hạ lãi suất cho vay đối với các gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp

Áp lực chi phí vẫn là thách thức lớn

Theo nhận định của giới phân tích, mặc dù các tháng cuối năm tăng trưởng tín dụng có thể khởi sắc hơn các quý đầu năm do nhu cầu vay vốn mùa cao điểm của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu tăng. Tuy nhiên, áp lực về chi phí vốn, chi phí trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu phát sinh sẽ vẫn tác động đáng kể đến biên lợi nhuận của các ngân hàng.

Ông Trần Tánh, Phó phòng Phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, đến hết quý III năm nay tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng đã tăng khá cao so với cùng kỳ.

Trong các tháng cuối năm, với mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp, áp lực chi phí vốn với các ngân hàng không nhiều. Tuy nhiên, chất lượng tín dụng vẫn là yếu tố có tính quyết định đối với hiệu quả kinh doanh ngân hàng. Bên cạnh đó, nếu tiếp tục giảm lãi suất cho vay ở nhiều kỳ hạn thì biên lợi nhuận ở nhiều ngân hàng cả năm nay sẽ tiếp tục suy giảm so với các năm trước.

Vụ Dự báo thống kê (NHNN) vừa công bố kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh của các TCTD quý IV năm 2023, có 66,7 - 72,1% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện hơn. Mặc dù nhiều ngân hàng dự báo lợi nhuận có thể tăng trưởng dương so với năm ngoái nhưng vẫn có khoảng 17,5% các TCTD dự báo lợi nhuận giảm hoặc không thay đổi so với cùng kỳ.

Điểm sáng kỳ vọng cho các ngân hàng trong các tháng cuối năm, theo các chuyên gia, tốc độ tăng trưởng tín dụng từ đầu tháng 9 đến nay đã có khởi sắc đáng kể. Trong đó nguồn vốn chủ yếu đổ vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu có tỷ lệ rủi ro thấp, ít gây áp lực đến chi phí, nợ xấu phát sinh. Nhu cầu cho vay dịp cuối năm đang tăng nhưng khó có khả năng bù đắp được mức tăng thấp của ba quý vừa qua, nhất là lãi suất cho vay đang thấp như hiện nay.

Thạch Bình

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ