Hiệu quả chính sách tín dụng nhà ở hiện nay

(Banker.vn) (thitruongtaichinhtiente.vn) - Tín dụng nhà ở hiện nay không chỉ góp phần thực hiện chủ trương lớn của Chính phủ về nhà ở, mà còn góp phần quan trọng trong thực hiện hiệu quả định hướng tín dụng; an toàn hoạt động tín dụng ngân hàng và phát triển bền vững thị trường bất động sản.

                                                  

Cho vay nhà ở hiện nay với mục đích tạo điều kiện cho người dân, cán bộ nhân viên và người lao động có nhà ở với các hình thức như: thuê, thuê mua, mua và xây dựng mới; sửa chữa nhà ở vẫn đang được các tổ chức tín dụng (TCTD) nói chung và TCTD trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó, tín dụng nhà ở được triển khai theo 3 cách: i) đối với các đối tượng chính sách theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP được vay vốn với lãi suất ưu đãi để thuê, thuê mua và mua nhà ở xã hội thông qua NHCSXH; ii) vay để xây mới và sửa chữa nhà ở thông qua các TCTD được chỉ định theo Nghị định 100); iii) vay vốn theo lãi suất thông thường, mua nhà để ở theo quy chế cho vay tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN.

Tín dụng nhà ở hiện nay không chỉ góp phần thực hiện chủ trương lớn của Chính phủ về nhà ở, mà còn góp phần quan trọng trong thực hiện hiệu quả định hướng tín dụng; an toàn hoạt động tín dụng ngân hàng và phát triển bền vững thị trường bất động sản. Đánh giá này phản ánh trên 03 phương diện chính sau:

Thứ nhất, thông qua chính sách tín dụng nhà ở xã hội, bằng việc thực hiện Nghị định 100/20215 của Chính phủ, đã góp phần tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách, những hộ nghèo và người có thu nhập thấp có nhà để ở bằng hình thức vay vốn với lãi suất ưu đãi để thuê; thuê mua và mua nhà ở xã hội. Không chỉ vậy, chính sách tín dụng này còn góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế bền vững. Đến nay, dư nợ tín dụng cho vay nhà ở xã hội của NHCSXH Thành phố theo Nghị định 100/2015 đạt khoảng gần 140 tỷ đồng. Hiện, NHCSXH Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện chương trình gắn với các việc phát triển các dự án nhà ở xã hội; nhà ở cho công nhân của Thành phố trong chương trình phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2020-2025 của UBND Thành phố.

Thứ hai, thông qua hoạt động tín dụng nhà ở của các TCTD trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu vốn vay trung dài hạn cho người dân mua nhà để ở. Mặc dù đây là loại hình tín dụng thương mại, với lãi suất cho vay thỏa thuận, song đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, đáp ứng nhu cầu đa dạng và khác nhau của người dân, phù hợp với năng lực tài chính và khả năng của người dân về nhà ở với các phân khúc thị trường khác nhau, linh hoạt và phát huy yếu tố thị trường, thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển hiệu quả.

Thứ ba, phát huy được hiệu quả tín dụng và tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển bền vững. Có thể nói, việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách về nhà ở xã hội và cho vay mua nhà ở của các NHTM hiện nay, với mục đích là tạo lập nhà ở cho người dân, vay mua nhà để ở luôn đảm bảo được an toàn và hiệu quả tín dụng, không chỉ góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững mà còn góp phần quan trọng trong việc phát triển thị trường BĐS ổn định, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân với cơ cấu thị trường hợp lý phù hợp với từng giai đoạn và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, mặc dù hoạt động tín dụng hiện nay, với định hướng tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh và chương trình phục hồi kinh tế, song tín dụng nhà ở (gồm: cho vay mua nhà để ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở) trên địa bàn Thành phố vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng phù hợp, tăng trên 5% so với cuối năm 2021. Điều này phản ánh chính sách tín dụng đúng, trúng của NHTW, hạn chế tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, vào tài sản tài chính và đầu cơ kinh doanh BĐS; ưu tiên tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội bền vững, song vẫn cho vay để tạo lập nhà ở cho người dân, với mục đích vay mua nhà để ở, qua đó vừa tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh, hiệu quả, vừa góp phần phát huy vai trò và hiệu quả của tất cả các thị trường trong quá trình phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế đất nước.

Theo:
    Bài cùng chuyên mục