Hiệp hội Xăng dầu phân tích khó khăn của các doanh nghiệp xăng dầu

(Banker.vn) Nhà nước cũng cần xây dựng chiến lược phát triển thị trường xăng dầu dài hạn trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Nghiên cứu mới chỉ ra mối quan hệ giữa thị trường xăng dầu và phúc lợi hộ gia đình Hiệp hội Xăng Dầu Việt Nam: Góp phần phát triển thị trường xăng dầu lành mạnh, minh bạch

Nhìn lại công cụ Quỹ Bình ổn

Tại Đại hội lần thứ III của Hiệp hội Xăng Dầu Việt Nam (VINPA) nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra mới đây, VINPA đã đề xuất các giải pháp về phát triển thị trường xăng dầu lành mạnh, minh bạch trong tình hình mới trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan chủ động, quyết liệt trong công tác điều hành cân đối cung cầu thị trường xăng dầu theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao
Nhà nước cũng cần xây dựng chiến lược phát triển thị trường xăng dầu dài hạn trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng

Ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch VINPA cho hay, theo quy định pháp luật, mỗi doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ phải mở một tài khoản riêng để theo dõi số tiền chi, trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo thông báo của Bộ Công Thương trong từng kỳ điều hành giá xăng dầu. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý quỹ và báo cáo với liên Bộ Công Thương- Tài chính.

Theo đó, tổng số lượng kết chuyển thì có thể có doanh nghiệp đúng hạn, chưa đúng hạn, nhưng nhìn chung số tiền kết chuyển này “không doanh nghiệp nào có thể nhập nhằng” vì còn có khâu hậu kiểm, giám sát của cơ quan quản lý. Do vậy, doanh nghiệp không kết chuyển hoặc nợ Quỹ là vi phạm quy định.

Chủ tịch VINPA nêu, năm 2022 được coi là năm “dị biệt” của thị trường xăng dầu, nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị thua lỗ do giá bán ở một số thời điểm thấp hơn giá thành, vì vậy doanh nghiệp không kết chuyển Quỹ bình ổn giá và lâm vào tình trạng nợ Quỹ này. Tuy nhiên, nếu không có quyết định chi Quỹ bình ổn giá theo chỉ đạo của liên bộ Công Thương- Tài chính thì Quỹ này trên thực tế cũng chỉ gửi tại Ngân hàng, còn không tác động đến thị trường.

Thực tế là nhà nước quản lý xăng dầu bằng cơ chế giá nên xét đến cùng trách nhiệm vẫn là ở doanh nghiệp. Nếu không kết chuyển đủ Quỹ này, doanh nghiệp bắt buộc phải vay ngân hàng khi có quyết định chi từ phía cơ quan quản lý.

Thống kê của VINPA cho thấy, tại thời điểm này, vẫn còn nhiều doanh nghiệp bị âm Quỹ bình ổn giá xăng dầu nên vẫn phải vay ngân hàng để chi Quỹ theo chỉ đạo.

Ông Bùi Ngọc Bảo nhìn nhận, Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong những năm trước đây là công cụ của Chính phủ đảm bảo giá xăng dầu không tăng sốc trong bối cảnh thị trường thế giới biến động tăng mạnh. Tuy nhiên, tại thời điểm này, biên độ giao động của giá dầu so với thời điểm thành lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu trước khi Luật giá năm 2012 ra đời đã khác rõ rệt cả về giá và cơ cấu sản phẩm, do đó không còn theo tỷ lệ thuận thuần túy nữa và độ chênh cũng quá lớn. “Vì vậy, Quỹ này trên thực tế chỉ bù được một phần và đang tồn tại sai lệch so với thời điểm hình thành. Vì vậy, cơ quan quản lý nên xem xét bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu này”- Chủ tịch VINPA đề xuất.

Theo VINPA, trải qua năm 2022 đầy biến động, các thương nhân kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới để hồi phục lại hoạt động kinh doanh trong bối cảnh nguồn tín dụng từ các ngân hàng tuy nhiều nhưng khó tiếp cận vì điều kiện cho vay rất khó khăn, nhất là đối với doanh nghiệp tư nhân.

Trong khi đó, hai nhà máy lọc dầu cung ứng 70-75% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước nhưng nguồn nguyên liệu dầu thô đầu vào của 2 nhà máy lọc dầu chủ yếu có nguồn gốc từ nước ngoài nên về cơ bản giá dầu trong nước vẫn phụ thuộc rất nhiều vào những biến động của giá xăng dầu thế giới.

Trên thực tế, các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh xăng dầu vẫn chưa lường hết được những biến động của thị trường. Quy trình sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật kéo dài tạo ra độ trễ nhất định.

Trong khi đó theo số liệu của Bộ Công Thương, so với nhiều quốc gia trên thế giới, lượng dự trữ xăng dầu của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp: mức bình quân 5 năm qua khoảng hơn 370.000 m3 mỗi năm, tương đương 9 ngày nhập khẩu ròng và 6,5 ngày tiêu thụ.

Trong bối cảnh nguồn cung thế giới gặp khó khăn, lượng dự trữ xăng dầu quốc gia thấp sẽ không phát huy được tác dụng trong những trường hợp cần thiết, không giải quyết được kịp thời tình trạng mất cân đối cung cầu trên thị trường như thời điểm quý IV/2022. Nếu Nhà nước không tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống kho dự trữ xăng dầu quốc gia riêng và gia tăng lượng dự trữ xăng dầu thì tình trạng trên sẽ còn có thể tiếp diễn trong thời gian tới.

Cần có lộ trình điều chỉnh tăng các sắc thuế nội địa

Để đảm bảo an ninh năng lượng và tạo lập thị trường xăng dầu minh bạch và phát triển ổn định trong bối cảnh mới, Nhà nước chỉ nên công bố giá cơ sở (giá xăng dầu thế giới, mức trích, chi quỹ bình ổn giá), còn lại nên trao quyền cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự quyết định giá bán lẻ xăng dầu, căn cứ vào các chi phí kinh doanh của doanh nghiệp mình. Như vậy sẽ góp phần tăng tính cạnh tranh về giá giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Nhà nước cũng cần xây dựng chiến lược phát triển thị trường xăng dầu dài hạn, trong đó cần có những quyết sách như: Vấn đề dự trữ để đảm bảo an ninh năng lượng, quyền quyết định giá bán của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giải quyết mâu thuẫn giữa thuế nhập khẩu xăng dầu bằng 0 vào năm 2024 theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN với cam kết bảo hộ cho Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn trong 10 năm (2018-2028), phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu trên các quốc lộ hoặc trên các trục đường mới xây dựng, quản lý chất lượng xăng dầu để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiên liệu thay thế nhiên liệu hóa thạch…

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có lộ trình điều chỉnh tăng các sắc thuế nội địa của sản phẩm xăng dầu để đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, bù đắp phần hụt thu do cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế, đồng thời đảm bảo hài hòa ba lợi ích Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng.

Ngoài ra với xu hướng chuyển đổi năng lượng, sử dụng các nhiên liệu thay thế nhiên liệu hóa thạch là rất lớn, để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm lọc hóa dầu trong nước, ngoài việc các nhà máy lọc dầu đẩy mạnh ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật nhằm tối ưu hóa sản xuất, tiết kiệm chi phí, giảm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước.

Theo lộ trình, Luật Giá năm 2023 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 và sẽ tác động đến cơ chế điều hành giá xăng dầu. Vì vậy, giá xăng dầu sẽ tiếp cận sát hơn với giá thị trường, dưới sự quản lý của nhà nước.

Duy Anh

Theo: Báo Công Thương