Hiệp hội Ngân hàng triển khai thực hiện Nghị định 99 về đăng ký biện pháp bảo đảm

(Banker.vn) Ngày 9/2/2023, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm (Nghị định 99). Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại các điểm cầu trên cả nước.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Ngọc

Tham dự cuộc họp có: ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp); ThS. Phạm Thị Thịnh - Trưởng phòng Đăng ký đất đai, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường); cùng đại diện các tổ chức hội viên....

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trong thời gian xây dựng Nghị định 99, Hiệp hội Ngân hàng và các tổ chức tín dụng (TCTD) đã rất tích cực, chủ động, bám sát các nội dung quy định liên quan đến ngân hàng để tham gia góp ý nhiều vòng, ngay từ khi bắt đầu soạn thảo đến trước khi Nghị định được trình Chính phủ ban hành đã giúp cơ quan soạn thảo hoàn thiện Nghị định phù hợp thực tiễn hoạt động của các TCTD hiện nay. Nghị định 99 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2023 và là văn bản quan trọng đối với hoạt động của các TCTD. Nghị định quy định nhiều nội dung mới tác động tích cực đến hoạt động của các TCTD, góp phần giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các TCTD trong quá trình đăng ký biện pháp bảo đảm.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng. Ảnh: Minh Ngọc

"Để giúp các TCTD triển khai đúng, hiệu quả Nghị định trên, qua đó phòng tránh những rủi ro pháp lý liên quan đến việc đăng ký biện pháp bảo đảm, tạo thuận lợi trong việc nhận thế chấp và xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, hôm nay, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị để phổ biến các nội dung của Nghị định số 99 tới tất cả các TCTD từ Hội sở chính đến chi nhánh của các TCTD hội viên trên toàn quốc nhằm thống nhất triển khai thực hiện", TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Thông tin về các điểm mới của Nghị định, ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp cho biết: Nghị định 99 gồm 5 Chương, 58 Điều và các phụ lục biểu mẫu. Có 9 nhóm nội dung sửa đổi bổ sung cơ bản như: phạm vi điều chỉnh; các trường hợp đăng ký; nguyên tắc, chủ thể đăng ký, cung cấp thông tin; hiệu lực của đăng ký; hồ sơ đăng ký và giải quyết hồ sơ đăng ký; thủ tục về từ chối đăng ký, thay đổi, xóa đăng ký….

Ông Nguyễn Hồng Hải lưu ý các TCTD về một số nội dung mới của Nghị định 99 như: Về nguyên tắc đăng ký, Nghị định 99 đã quy định tách bạch rõ ràng hơn trách nhiệm của cơ quan đăng ký với trách nhiệm của người yêu cầu đăng ký, xác định các trường hợp cơ quan đăng ký không phải chịu trách nhiệm đối với việc đăng ký.

Đáng chú ý, Nghị định 99 bổ sung nguyên tắc đăng ký đối với quyền sử dụng khu vực biển, tài sản gắn liền với khu vực biển; tài sản gắn liền với đất không phải đăng ký quyền sở hữu và cũng chưa được đăng ký quyền sở hữu theo yêu cầu, tài sản hình thành trong tương lai. Đây đều là những nội dung còn vướng mắc trước đây. Đồng thời, làm rõ hơn nguyên tắc đăng ký đối với trường hợp bảo đảm nghĩa vụ của người khác hoặc vừa của mình vừa của người khác; cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm theo yêu cầu hoặc theo quy định của pháp luật.

“Nghị định bổ sung các trường hợp đăng ký đối với quyền sử đụng dất, tài sản gắn liền với đất trong trường hợp không phải là nhà ở hoặc là nhà ở hình thành trong tương lai, dự án đầu tư, tàu bay tàu biển, động sản… Đây là những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn và vướng mắc rất nhiều trước đây”, ông Nguyễn Hồng Hải nói.

Đối với trường hợp thế chấp quyền tài sản chuyển thành thế chấp tài sản thì Nghị định 99 cụ thể hóa hơn, hoàn thiện hơn về hồ sơ chuyển tiếp đăng ký, người yêu cầu đăng ký có thể thực hiện xóa đăng ký thế chấp và đăng ký thế chấp mới với nhà ở hình thành trong tương lai hoặc chuyển tiếp đăng ký thế chấp. Nghị định 99 bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền không được yêu cầu xóa đăng ký thế chấp quyền tài sản khi thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực, chuyển tiếp đăng ký.

Nghị định 99 xác định cụ thể căn cứ phát sinh, căn cứ chấm dứt hiệu lực của đăng ký, bổ sung cơ chế xác định hiệu lực của đăng ký trong trường hợp tài sản bảo đảm là chứng khoán, hàng hóa, vật tư, quyền tài sản có biến động làm thay đổi cơ quan đăng ký…

Ngoài 2 cơ quan đăng ký trước đây là Văn phòng đăng ký đất đai và Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản, Nghị định 99 bổ sung quy định về cơ quan đăng ký đối với chứng khoán đã lưu ký là Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, đối với tàu bay là Cục Hàng không Việt Nam, đối với tàu biển là Cục Hàng hải Việt Nam…

Theo bà Phạm Thị Thịnh, Trưởng phòng Đăng ký đất đai, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trong quá trình xây dựng Nghị định 99, các cơ quan tham gia soạn thảo đã rà soát, sửa đổi nội dung để tiếp tục hoàn thiện, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các quy định mới, tạo sự minh bạch, thuận lợi hơn và thống nhất hơn về thủ tục hành chính trong thực tiễn đăng ký biện pháp bảo đảm; góp phần giảm thiểu chi phí, rủi ro pháp lý cho người dân, doanh nghiệp và đáp ứng tốt hơn cho công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Riêng đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, Nghị định cũng có một số sửa đổi, bổ sung nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm.

Bà Phạm Thị Thịnh nêu một số quy định bổ sung quan trọng như: việc đăng ký đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất phải đảm bảo nội dung được kê khai và các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký phù hợp với thông tin trên Giấy Chứng nhận, thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký. Trường hợp đăng ký để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác hoặc đồng thời để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm và của người khác thì bên bảo đảm phải là người có quyền sử dụng đất hoặc là chủ sở hữu tài sản được dùng để bảo đảm.

Đối với trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì việc đăng ký đối với nghĩa vụ tiếp theo không làm thay đổi hoặc không làm chấm dứt hiệu lực của đăng ký đối với nghĩa vụ đã được đăng ký trước đó. Hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp bảo đảm đã được đăng ký không chấm dứt trong trường hợp thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hoặc từ hợp đồng mua bán, hợp đồng chuyển giao khác về quyền sở hữu đối với tài sản khác gắn liền với đất đã được đăng ký, sau đó được chuyển tiếp sang đăng ký thế chấp nhà ở, thế chấp tài sản khác gắn liền với đất.

Đối với trường hợp chi nhánh của pháp nhân, chi nhánh hoặc phòng giao dịch của pháp nhân là tổ chức tín dụng được pháp nhân giao nhiệm vụ thực hiện chức năng của pháp nhân về yêu cầu đăng ký, về yêu cầu cung cấp thông tin theo điều lệ, quy chế hoạt động hoặc theo ủy quyền, chỉ định của người đại diện hợp pháp của pháp nhân thì chi nhánh này là người đứng tên người yêu cầu đăng ký, người yêu cầu cung cấp thông tin trên Phiếu yêu cầu đăng ký, Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin. Trường hợp này, văn bản có nội dung về việc pháp nhân giao nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện chức năng của pháp nhân trong yêu cầu đăng ký, yêu cầu cung cấp thông tin là tài liệu phải có trong hồ sơ đăng ký, hồ sơ cung cấp thông tin.

Nghị định 99 quy định rõ hơn các trường hợp thuộc thẩm quyền của Văn phòng đăng ký đất đai bao gồm các trường hợp phải đăng ký; các trường hợp đăng ký theo yêu cầu; trường hợp đăng ký đối với nhà ở hình thành trong tương lai, tài sản khác gắn liền với đất hình thành trong tương lai như rừng sản xuất là rừng trồng, cây lâu năm chưa hình thành hoặc đã hình thành. 

Trường hợp chủ đầu tư chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất thuộc dự án đầu tư mà không bao gồm quyền sử dụng đất hoặc thế chấp tài sản gắn liền với đất thuộc dự án đầu tư mà chủ đầu tư không đồng thời là người sử dụng đất hoặc thế chấp tài sản gắn liền với đất thuộc dự án đầu tư thực hiện trên đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm thì thực hiện theo quy định về đăng ký đối với tài sản gắn liền với đất.

Trường hợp tổ chức, cá nhân đăng ký thế chấp nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc quyền sở hữu của mình mà trước đó tài sản này thuộc dự án đầu tư đã được chủ đầu tư thế chấp và đăng ký thế chấp thì Văn phòng đăng ký đất đai chỉ thực hiện đăng ký nếu chủ đầu tư thuộc trường hợp đã thế chấp và đăng ký thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở hoặc nhà ở hình thành trong tương lai, dự án đầu tư xây dựng công trình không phải là nhà ở, dự án đầu tư nông nghiệp, dự án phát triển rừng, dự án khác có sử dụng đất hoặc công trình xây dựng thuộc các dự án này.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Hải và bà Phạm Thị Thịnh đã giải đáp nhiều câu hỏi của các TCTD nhằm làm rõ thêm các quy định mới trong Nghị định để việc thực thi được thuận lợi.

Kết luận Hội nghị, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, đây là Nghị định hết sức quan trọng liên quan hoạt động của các TCTD, Hiệp hội Ngân hàng đã chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển khai phổ biến đến các tổ chức hội viên. Tổng Thư ký đồng thời, đề nghị, các tổ chức hội viên tiếp tục phản ánh những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, đặc biệt là những vướng mắc liên quan đến cơ quan thực hiện như: công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm, đăng ký chuyển dịch tài sản... để Hiệp hội và các cơ quan liên quan tiếp tục tổ chức tập huấn triển khai, đào tạo chuyên sâu.

Bùi Trang -

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục