Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị Bộ Công an hướng dẫn kiểm tra, đối chiếu, xác thực thông tin trên QR code của Căn cước công dân có gắn chip

(Banker.vn) Hiện chưa có quy định cụ thể về các thông tin trên QR code của Căn cước công dân có gắn chip và việc sử dụng các thông tin này trong các giao dịch dân sự. Các ngân hàng lo ngại nếu xảy ra vấn đề về giả mạo, thông tin sai khác với thực tế thì rủi ro sẽ vô cùng lớn cho cả khách hàng và ngân hàng.

Vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận được ý kiến phản ánh của một số ngân hàng hội viên liên quan đến vướng mắc quét QR code trên thẻ Căn cước công dân có gắn chip.

Theo quy định của pháp luật, khi các TCTD thực hiện giao dịch với khách hàng phải thực hiện thủ tục để nhận biết, định danh khách hàng thông qua giấy tờ tùy thân của khách hàng là Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân.

Ngày 23/1/2021, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 06/2021/TT-BCA quy định về mẫu thẻ Căn cước công dân và triển khai đồng loạt thủ tục cấp đổi Chứng minh nhân dân 9 số sang thẻ Căn cước công dân 12 số có gắn chip và mã QR cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên.

Tại Điểm a Khoản 2 Điều 3 của Thông tư 06/2021/TT-BCA, Bộ Công an chỉ quy định mặt trước thẻ Căn cước công dân gồm các thông tin, trong đó có mã QR, mà không quy định cụ thể về các thông tin trên QR code và việc sử dụng các thông tin này trong các giao dịch dân sự.

Vì vậy, nhằm đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật và phòng ngừa rủi ro gian lận trong quá trình định danh khách hàng theo giấy tờ tùy thân mới, hiện nay, các TCTD đều yêu cầu khách hàng cung cấp giấy tờ tùy thân mới kèm: (i) Giấy tờ tùy thân là Chứng minh nhân dân cũ đã cắt góc hoặc (ii) Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân của Cơ quan Công an để đối chiếu, đảm bảo sự khớp đúng thông tin nhận biết, định danh khách hàng.

Tuy nhiên, vừa qua, Cơ quan Công an một số tỉnh, thành phố có ban hành văn bản thông báo các tổ chức, cá nhân “có thể sử dụng chức năng quét mã QR code để kiểm tra thông tin nhân thân, số Chứng minh nhân dân của công dân trên Căn cước công dân mới, không yêu cầu công dân xuất trình giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân” và đồng thời khẳng định “thông tin trong mã QR code đã được Bộ Công an xác thực”.

"Việc này đã khiến các ngân hàng rất băn khoăn, lo lắng. Ngân hàng là ngành kinh doanh đặc thù, quản lý tiền, tài sản của hàng triệu triệu khách hàng, do đó, giấy tờ tùy thân là cơ sở pháp lý tiên quyết để ngân hàng nhận diện, cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Nếu Bộ Công an không có quy định mang tính pháp lý để hướng dẫn thống nhất về các thông tin chi tiết trên QR code, cách thức kiểm tra bằng hình thức QR code, cách thức nhận diện các thông tin khách hàng sau khi quét QR code, trường hợp xảy ra vấn đề về giả mạo, thông tin sai khác với thực tế thì rủi ro sẽ vô cùng lớn cho cả khách hàng và ngân hàng", Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết.

Trên thực tế, nếu không có bằng chứng, căn cứ pháp lý rõ ràng để xác thực, định danh khách hàng các ngân hàng có thể từ chối thực hiện giao dịch. Như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khách hàng và việc thực hiện chính sách, quy định của Nhà nước về thẻ Căn cước công dân hiện nay.

Từ thực tế đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị Bộ Công an ban hành hướng dẫn thực hiện Thông tư 06/2021/TT-BCA ngày 23/1/2021 trên toàn quốc về các thông tin hiển thị trên QR code, việc sử dụng và cách thức kiểm tra, đối chiếu, xác thực thông tin hiển thị trên QR code làm cơ sở pháp lý để ngân hàng nói riêng và các tổ chức liên quan thực hiện thay đổi thông tin và giao dịch với khách hàng đảm bảo chính xác, phòng ngừa rủi ro gian lận, giả mạo thông tin khách hàng. Qua đó, giúp các ngân hàng thực hiện tốt việc thay đổi thông tin khách hàng trên cơ sở tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an ninh, an toàn tiền và tài sản của khách hàng.

Bùi Trang

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ 

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục