Hiệp định UKVFTA: Thúc đẩy thương mại, đầu tư với doanh nghiệp Anh

(Banker.vn) Sau hơn 2 năm thực thi, Hiệp định UKVFTA mang lại kết quả tích cực đối với hoạt động thương mại, đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Vương quốc Anh
Cà phê Việt lan tỏa tại thị trường Anh nhờ UKVFTA Tận dụng Hiệp định UKVFTA: Doanh nghiệp cần chú trọng các chiến dịch quảng bá sản phẩm

Hiệu quả tích cực trong thương mại và đầu tư nhờ UKVFTA

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ailen (Hiệp định UKVFTA) có hiệu lực tạm thời từ ngày 01/01/2021 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/5/2021.

Sau hơn 2 năm thực thi, những kết quả tích cực mà Hiệp định UKVFTA mang lại đối với hoạt động thương mại, đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Vương quốc Anh đã được khẳng định.

Hiệp định UKVFTA: Thúc đẩy thương mại, đầu tư với doanh nghiệp Anh
Toạ đàm Tận dụng cơ hội hợp tác, đầu tư với doanh nghiệp Anh

Chia sẻ tại Toạ đàm Tận dụng cơ hội hợp tác, đầu tư với doanh nghiệp Anh trong UKVFTA do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 7/12, tại Hà Nội, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương cho biết, tăng trưởng xuất nhập khẩu giữa hai thị trường năm 2021, một năm sau khi UKVFTA có hiệu lực là rất mạnh. Theo đó, xuất khẩu từ Vương quốc Anh sang Việt Nam đạt 24%, xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng 19%.

Năm 2022, do khó khăn chung của thế giới và kể cả nền kinh tế Anh khiến thương mại hai chiều giảm nhưng xuất khẩu của ta sang Vương quốc Anh vẫn tăng khoảng 1,9% và nhập khẩu từ Vương quốc Anh tăng trưởng khoảng gần 3%.

Đối với đầu tư, tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Vương quốc Anh từ sau khi thực thi Hiệp định UKVFTA khởi sắc rõ nét. Tính đến ngày 20/10/2023, Vương quốc Anh có 550 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 4,28 tỷ USD, đứng thứ 15 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.

“Kết quả này cho thấy đã có một sự chú ý từ phía các nhà đầu tư của Anh và cũng có sự chú ý từ các công ty Việt Nam trong việc gia tăng hợp tác với Vương quốc Anh” - ông Ngô Chung Khanh nói.

Tuy nhiên, đầu tư của các doanh nghiệp Anh vào Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn trong tổng vốn đầu tư FDI của Anh - một trong 10 quốc gia đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất thế giới. Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự tận dụng tốt ưu đãi từ Hiệp định UKVFTA để thu hút nguồn lực, chuyển giao công nghệ sản xuất hiện đại và tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp Anh.

Ngoài ra, nhìn vào hạng mục các mặt hàng nhập khẩu từ Anh hay các lĩnh vực thu hút đầu tư từ Anh, có thể thấy, đây là những lĩnh vực chúng ta cần. Cụ thể, hàng hóa Vương quốc Anh xuất khẩu nhiều sang Việt Nam là máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu cho da giày hay cho dệt may hay là các nguyên phụ liệu sản xuất khác. Đây là các mặt hàng nguyên liệu giúp cho các công ty của chúng ta tận dụng để xuất khẩu trở lại Vương quốc Anh, từ đó tận dụng được lợi thế từ UKVFTA mang lại.

Ngoài ra, những dự án lớn gần đây mà Vương quốc Anh đầu tư rất mạnh vào Việt Nam chính là những dự án thúc đẩy ngăn chặn biến đổi biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng xanh, kinh tế xanh. Đây đều là những lĩnh vực phù hợp với chủ trương của chúng ta.

Ngành da giày gặp nhiều khó khăn trong năm 2020
Da giày là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Vương quốc Anh

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) chia sẻ, ngay khi Anh vẫn còn trong khối EU thì tỷ trọng của thị trường Anh cũng đã chiếm 25 - 30%.

Khi Anh rời khỏi EU, Chính phủ Việt Nam đã kịp thời ký hiệp định trực tiếp với thị trường Anh và chính vì thế mà xuất khẩu của ngành da giày vào thị trường Anh không bị gián đoạn.

Năm 2023, hầu như các thị trường đều có sự sụt giảm đối với xuất khẩu, có những thị trường giảm tới 30% và thị trường giảm tới 20% nhưng riêng thị trường Anh thì lại tăng trưởng tới 11%.

“Đáng chú ý, thời gian qua, ngành da giày Việt Nam đã hợp tác với tổ chức SATRA - tổ chức tiêu chuẩn hàng đầu của Anh cũng như của thế giới trong việc phát triển các tiêu chuẩn cũng như các thiết bị thử nghiệm để đánh giá chất lượng. Thông qua hoạt động hợp tác này, Hiệp hội đã hỗ trợ được cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là xuất khẩu những sản phẩm giày an toàn vào thị trường châu Âu” – bà Phan Thị Thanh Xuân nói.

Ông Trần Văn Hiếu - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp và Tư vấn Môi trường DACE chia sẻ thêm, Anh là một nước rất mạnh về thương mại. Sau thời điểm Brexit, khi nước Anh ra khỏi EU, Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp và Tư vấn Môi trường DACE vẫn tận dụng được Hiệp định EVFTA thêm vài tháng khi xuất khẩu sang Anh.

“Tuy nhiên, sau khi EVFTA hết hiệu lực thì tốc độ xuất khẩu sang Anh sụt giảm. Ban đầu, khối lượng hàng hoá xuất khẩu đi Châu Âu và Anh nói chung vào khoảng 30%, trong đó Anh chiếm khoảng 10%. Sau khi Brexit, khối lượng xuất khẩu từ Việt nam sang Anh giảm xuống còn từ 2 – 3%, song Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Anh đã phản ứng rất nhanh khi ký hiệp định UKVFTA sau đó chỉ khoảng chưa đầy một năm” – ông Trần Văn Hiếu nói.

Sau khi ký Hiệp định UKVFTA giữa nước Anh và Việt Nam được ký kết, tăng trưởng của công ty đã quay trở lại và cho đến hiện nay, công ty đã xuất khẩu sang Anh chiếm đến 9 – 10%. Có nghĩa rằng Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp và Tư vấn Môi trường DACE đã khôi phục được việc xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh so với thời điểm trước Brexit.

Đáng chú ý, việc liên kết với thị trường Anh đòi hỏi nhà cung cấp mặt hàng nông sản rất cao, rất khắt khe. Họ không chỉ quan tâm đến yếu tố về chất lượng sản phẩm, yếu tố về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thúc đẩy thực vật kim loại nặng hay là vi sinh mà họ còn quan tâm đến những vấn đề về môi trường, về lao động, về trách nhiệm xã hội. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải chuẩn bị rất nhiều những công cụ hoặc là những chứng nhận để xuất khẩu sang Anh như là những chứng nhận như là Fair for Life, Fairtrade hoặc là những chứng nhận hữu cơ.

Tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư với doanh nghiệp Anh

Vương quốc Anh là một cường quốc nên họ sẽ có những định hướng hợp tác toàn cầu. Tuy nhiên ở góc độ Châu Á, ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, có một số khuôn khổ hợp tác mà Vương quốc Anh đã và đang tham gia hoặc quan tâm.

Cụ thể là Hiệp định CPTPP. Hiện Vương quốc Anh đã hoàn tất quá trình đàm phán gia nhập trở thành thành viên của Hiệp định CPTPP và chúng ta đang trong giai đoạn tiến hành phê chuẩn việc gia nhập này.

“Chúng tôi kỳ vọng trong 2024, Vương quốc Anh sẽ chính thức trở thành thành viên CPTPP và lúc đó những cam kết của Vương quốc Anh dành cho các nước CPTPP, trong đó có Việt Nam sẽ có hiệu lực” – ông Ngô Chung Khanh nói.

Khi Vương quốc Anh gia nhập CPTPP cũng đã có nhiều cam kết mới cho Việt Nam, tạo thêm những thuận lợi hơn nữa cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh, đặc biệt là lĩnh vực thủy sản hay một số các mặt hàng khác. Đấy là một điểm thuận lợi.

Về phía Hiệp hội, bà Phan Thị Thanh Xuân cho hay, thị trường Anh là một thị trường truyền thống đối với xuất khẩu giày dép của Việt Nam. Khách hàng Anh cũng đã khá quen thuộc đối với mặt hàng da giày Việt Nam. Cho nên Hiệp hội mong muốn sẽ phải có những bước tăng trưởng trong thời gian sắp tới.

“Đối với tăng trưởng xuất khẩu thì các khối doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp FDI thông thường chiếm ưu thế nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay tận dụng các cơ hội đó vẫn còn rất hạn chế. Trong thời gian sắp tới, chúng tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải có bước đi tốt hơn để tiếp cận thị trường này” – bà Xuân chia sẻ.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ Công Thương tăng cường cung cấp thông tin về thị trường cho doanh nghiệp.

Điểm thứ hai, không chỉ với châu Âu, châu Mỹ hay là với Anh, vấn đề truy xuất chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc đối với nguyên vật liệu sẽ ngày càng đặt ra một cách gay gắt khi mà chúng ta hướng tới việc sản xuất xanh, sản xuất bền vững.

Với việc truy xuất chuỗi cung ứng như vậy thì chắc chắn là Anh cũng sẽ đưa ra những chính sách cụ thể để áp dụng đối với ngành da giày. Do đó, Lefaso kiến nghị Bộ Công Thương làm sao hỗ trợ được các doanh nghiệp của ngành da giày xây dựng, phát triển nguồn nguyên phụ liệu cả về sản xuất cũng như giao thương, để doanh nghiệp có được nguồn cung phụ liệu bền vững, chủ động trong quá trình sản xuất, xuất khẩu.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương