Hiệp định thương mại tự do: Trợ lực cho xuất khẩu nông lâm thủy sản

(Banker.vn) Nửa đầu năm 2023, xuất khẩu gạo tăng 34,7%, xuất khẩu rau quả tăng 180% về giá trị, kết quả thu được là nhờ khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do.
Hiệp định thương mại tự do Lục địa châu Phi, xuất nhập khẩu Việt Nam thêm cơ hội Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023 Dự kiến xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023 sẽ đạt 54 tỷ USD

Thông tin được ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 ngành Công Thương diễn ra sáng 7/7, tại Hà Nội.

toàn cảnh Hội nghị

Theo ông Lê Thanh Hòa, trong 6 tháng đầu năm, chúng ta gặp nhiều khó khăn về nguồn nước cho sản xuất điện nhưng với sự phối hợp của 2 Bộ Công Thương và Nông nghiệp nên đảm bảo nguồn nước cho việc tưới tiêu cho hơn 1 triệu ha lúa cho các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc và miền Trung và 3 triệu ha lúa đông xuân Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa và là nguồn cung cấp hạt gạo chính của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Về vấn đề xuất khẩu, 6 tháng đầu năm 2023, chúng ta đã xuất khẩu 4,27 triệu tấn gạo, thu về 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng vượt bậc trong hơn 10 năm qua. Năm 2022, chúng ta xuất khẩu đạt 7,35 triệu tấn, dự kiến, xuất khẩu gạo năm nay cũng có thể đạt và vượt con số này.

“Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban Công điện số 610/CĐ-TTg chỉ đạo 2 Bộ trong việc thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm, đặc biệt là nhấn mạnh vấn đề về chất lượng gạo”, ông Lê Thanh Hòa chia sẻ.

Một vấn đề khác được ông Lê Thanh Hòa đề cập đó là vai trò của các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong việc hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản. Theo ông Hòa, phần lớn các FTA, các mức thuế xuất đều về 0%, rất thuận lợi cho xuất khẩu nông lâm thủy sản, nhất là cho các doanh nghiệp đầu tư trong khâu chế biến.

“Trước đây, chúng ta đầu tư chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng cao nhưng lại chịu thuế cao khi nhập khẩu đầu vào. Khi vấn đề thuế được tháo gỡ, việc xuất khẩu nông lâm thủy sản chúng ta chỉ cần tập trung tháo gỡ các rào cản kỹ thuật”, ông Lê Thanh Hòa phân tích.

1136-dsc-4863
TS. Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường - Bộ NN&PTNT

Một mặt hàng khác được ông Lê Thanh Hòa đề cập đến là rau quả. 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 2,75 tỷ USD, tăng hơn 180% so với năm trước. Nhất là việc chúng ta mở cửa được quả sầu riêng sang thị trường Trung Quốc khiến việc xuất khẩu loại quả này tăng trưởng rất mạnh trong 6 tháng đầu năm.

Nhất mạnh vai trò trong việc mở cửa thị trường là hết sức quan trọng, ông Lê Thanh Hòa cũng đề nghị Bộ Công Thương và các Tham tán Thương mại có thể tư vấn, cung cấp số liệu cũng như tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc định hướng mở cửa loại rau quả, trái cây gì mà thị trường đó cần và sao cho hiệu quả nhất.

Cũng với việc mở cửa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo thuận lợi trong khâu thông quan, thời gian qua, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chặt chẽ trong việc xúc tiến thương mại đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản tại thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng nông sản mùa vụ. Đặc biệt là đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản chất lượng cao vào hệ thống phân phối hiện đại, các siêu thị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Lê Thanh Hòa cũng đề cập những tồn tại, hạn chế trong công tác xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại mở cửa thị trường. Ông Lê Thanh Hòa dẫn chứng: “Vừa rồi, khi chúng ta mở cửa được thị trường cho trái sầu riêng, nhưng đến mùa vụ vải thiều, chúng ta ưu tiên cho quả vải quá khiến sầu riêng phải nằm chờ 5 - 7 ngày tại biên giới mới có thể thông quan được. Trong khi đó, giá trị của trái sầu riêng cao hơn nhiều so với trái vải. Cứ chờ thông quan vải xong mới thông quan sầu riêng dẫn đến hư hỏng”.

Do đó, ông Lê Thanh Hòa cho rằng, trong thời gian tới, 2 Bộ Nông nghiệp và Công Thương cần làm việc và tác động với Hải quan Trung Quốc để có cơ chế linh hoạt hơn, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhiều ngành hàng, nhiều địa phương.

Ngoài ra, để tăng sự cạnh tranh cho nông sản thì cần hạ giá thành, do đó, ông Hòa cho rằng, việc phối hợp giữa 2 Bộ trong triển khai Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 20/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030 là vấn đề hết sức quan trọng.

Nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa hai Bộ Công Thương và Nông nghiệp thời gian vừa qua về tiêu thụ các mặt hàng nông sản trong và ngoài nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng lưu ý đến khâu đầu tiên - sản xuất, đặc biệt là chất lượng sản phẩm.

Về việc mở cửa thị trường, trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã hết sức nỗ lực, làm đầu mối để ký kết được nhiều FTA thế hệ mới tại một số thị trường, nhưng cũng có một số thị trường Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đầu mối. Cụ thể, vừa qua, Bộ Nông nghiệp đã ký và đưa được mặt hàng sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Do đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải mong muốn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành trong công tác mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông lâm thủy sản trong thời gian tới.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương