Hiệp định RCEP: Tận dụng “cơ hội vàng” để xuất khẩu sang Trung Quốc

(Banker.vn) Hiệp định RCEP sẽ giúp hàng hoá Việt Nam gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Doanh nghiệp Việt cam kết kiểm dịch động thực vật trong Hiệp định RCEP Tận dụng RCEP, thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, bền vững

Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc

RCEP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao gồm 15 nước thành viên: 10 nước ASEAN và 5 đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand). RCEP tạo ra một khu vực thương mại tự do với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số và 30% GDP toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho các nước tham gia, trong đó có Việt Nam.

Hiệp định RCEP: Tận dụng “cơ hội vàng” để xuất khẩu sang Trung Quốc
Có chung đường biên giới, xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc gặp nhiều thuận lợi

Trong khối các nước RCEP, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ.

Theo Bộ Công Thương, trong 10 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta với kim ngạch ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 5%. Mức tăng này là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm.

Có được điều này là do thời gian qua, các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương đã thực hiện tốt các giải pháp về xuất khẩu sang các nước có chung đường biên giới. Hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, nhất là các loại rau quả như sầu riêng, thanh long... kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 89,7 tỷ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam – Trung Quốc đã ước đạt 139,2 tỷ USD sau 10 tháng đầu năm.

Với việc tham gia RCEP, Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan mức cơ bản 0% đối với gần 90% hàng hóa giao dịch; quy tắc xuất xứ có giá trị trong toàn bộ khu vực địa lý RCEP; quy định mạnh mẽ hơn về thương mại dịch vụ và đầu tư nước ngoài xuyên biên giới; nhiều quy tắc mới về tạo thuận lợi cho thương mại điện tử. Điều này giúp cơ hội xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc tăng cao.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Trung Quốc đã mở của nhập khẩu chính ngạch nhiều loại nông sản như khoai lang, tổ yến, chanh leo, sầu riêng… Tuy nhiên, để vào được thị trường này phải đáp ứng khắt khe các tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Đáp ứng yêu cầu của thị trường

Ông Lò Xuân Quyết - Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu, Trung Quốc chia sẻ, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia, vùng lãnh thổ có số lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất. Nhóm hàng bị cảnh báo nhiều nhất gồm thủy sản, nước trái cây (chưa tính cà phê, sản phẩm sữa), bánh các loại.

Về xu hướng của thị trường Trung Quốc trong thời gian tới, ông Lò Xuân Quyết nhấn mạnh: “Trong khi nhiều nước suy thoái thì Trung Quốc đang có chính sách lấy tiêu dùng nội địa là động lực để phát triển kinh tế, lấy tiêu dùng trong nước bù đắp cho xuất khẩu. Xu hướng tiêu dùng của người Trung Quốc, nhất là người tiêu dùng đô thị đang ngày càng quan tâm đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe, chất lượng cao và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”.

Ngoài ra, hiện thị trường Trung Quốc đang có xu hướng quy chuẩn hóa các quy định và hệ thống quản lý, giám sát về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trước sự dịch chuyển trên, ông Quyết đã đưa ra một số khuyến nghị với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam cần phát huy lợi thế về vị trí địa lý, giá thành sản xuất, vận tải,... của Việt Nam để khai thác và đáp ứng tối đa tiềm năng, nhu cầu to lớn của thị trường Trung Quốc.

Đồng thời, chúng ta cần phải tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn trong nước và nước nhập khẩu, tăng cường quản lý, giám sát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Doanh nghiệp cần phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của nước nhập khẩu,... Bên cạnh đó, sẵn sàng cạnh tranh với hàng hóa nông sản, thực phẩm của các nước cùng tham gia xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc”, ông Quyết nói.

Khuyến nghị giải pháp đối với doanh nghiệp, ông Trần Quang Huy – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho rằng, để tận dụng cơ hội từ RCEP, bứt phá xuất khẩu sang Trung Quốc, các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng cần cải thiện chất lượng và giá trị gia tăng của hàng hóa.

Cùng với đó, tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường của Trung Quốc, nắm rõ các quy tắc xuất xứ và thủ tục hải quan, kiểm tra kỹ thông tin đối tác, hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế, đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu và tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng nước bạn.

Tới năm 2030, RCEP sẽ làm tăng thu nhập của toàn khu vực khoảng 0,6%, tương đương với tăng thêm mỗi năm 245 tỷ USD và tạo thêm 2,8 triệu việc làm. Đối với Việt Nam, các nghiên cứu chỉ ra Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều từ RCEP. Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới năm 2022 dự báo, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 4,9% và xuất khẩu tăng ở mức 11,4% vào năm 2030 nhờ RCEP.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương