Hiệp định RCEP mang lại lợi thế vượt trội để doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sang Hàn Quốc

(Banker.vn) Hiệp định Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đang mang lại lợi thế vượt trội để doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sang thị trường Hàn Quốc.
Tận dụng lợi thế RCEP: Việt Nam đang dần trở thành trung tâm logistics tại Đông Nam Á Hiệp định RCEP: Mở ra cơ hội gia tăng xuất khẩu thuỷ sản sang Australia

Hàn Quốc hiện là một trong thị trường tiềm năng đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt việc thực thi Hiệp định RCEP đang mang lại những lợi thế vượt trội để doanh nghiệp tiếp tục khai thác thị trường này. Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với Báo Công Thương.

Hiệp định RCEP mang lại lợi thế vượt trội để doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sang Hàn Quốc
Doanh nghiệp phải truy xuất nguồn gốc để đảm bảo tính hợp pháp của nguyên liệu. Ảnh: TTXVN

Cùng với các FTA song phương, Hiệp định RCEP đang tạo lợi thế như thế nào để Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hàn Quốc, thưa ông?

Như chúng ta thấy, trong hợp tác thương mại, xuất nhập khẩu Việt Nam-Hàn Quốc đang có sự phát triển rất tích cực. Riêng với ngành gỗ, nhờ gần gũi về mặt địa lý, nên quá trình vận chuyển sản phẩm gỗ khá thuận lợi. Ngoài ra, thị trường Hàn Quốc đang tiêu thụ nhiều viên nén gỗ do nước này đang có chính sách chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, dùng năng lượng sinh khối thay cho phát điện.

Đặc biệt, việc cùng là thành viên của Hiệp định RCEP đã tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai bên hợp tác kinh doanh. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, Hiệp định RCEP đang mang lại lợi thế vượt trội để xuất khẩu hàng hoá sang Hàn Quốc. Bên cạnh đó, thị trường Hàn Quốc vốn không quá khó tính, nhiều sản phẩm gỗ Việt Nam đơn cử như gỗ dán xuất khẩu sang Hàn Quốc thường không bị đòi hỏi quá cao về tiêu chuẩn.

Hiện nay, một năm Việt Nam xuất khẩu gỗ sang Hàn Quốc trên 1 tỷ USD, năm 2022 là 1,5 tỷ USD. Năm nay trong bối cảnh khó khăn chung, Hàn Quốc nhập khẩu gỗ giảm khoảng 10%, tuy nhiên vẫn không ở mức giảm sâu như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu.

Ngoài viên nén, gỗ dán mà Việt Nam đang thế mạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc, hiện các doanh nghiệp cũng đang cố gắng tìm kiếm các đối tác, tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu sản phẩm gỗ nội ngoại thất sang Hàn Quốc. Đây là sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Việt Nam cũng có những mặt hàng đáp ứng tiêu chí tiêu dùng của thị trường Hàn Quốc.

Tuy nhiên, để xuất khẩu bền vững sang thị trường Hàn Quốc, cũng như khai thác hiệu quả hơn từ lợi thế của Hiệp định RCEP, ông có khuyến nghị gì tới doanh nghiệp xuất khẩu gỗ?

Mặc dù Hàn Quốc là thị trường dễ tính hơn các quốc gia khác, nhưng theo xu hướng chung thì các quốc gia dần sẽ phải áp dụng các hàng rào để đảm bảo yêu cầu về môi trường, đặc biệt là gỗ có nguyên liệu khai thác từ rừng.

Vì thế, chúng tôi luôn lưu ý doanh nghiệp đó là xuất khẩu gỗ phải truy xuất nguồn gốc để đảm bảo tính hợp pháp của nguyên liệu. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn phải tăng cường trách nhiệm giải trình, làm sao để mỗi nguyên liệu đưa vào chế biến phải có nguồn gốc rõ ràng và không gây mất rừng, suy thoái rừng.

Hiện nay, Hàn Quốc đang tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc trồng rừng, bảo vệ rừng, nhằm tiên phong trong cơ chế đồng đầu tư, chia sẻ lợi ích từ tín chỉ carbon. Theo đó, nếu làm tốt thì chúng ta sẽ tận dụng được cơ hội này, người nông dân cũng sẽ hưởng lợi trong tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu muốn đừng vững trên thị trường Hàn Quốc phải năng cao sức cạnh tranh, giá cả và cả khả năng cung ứng.

Về phía Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã có những chương trình, hoạt động cụ thể như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường Hàn Quốc, thưa ông?

Thời gian qua, Hiệp hội liên tục có các khoá đào tạo cho các doanh nghiệp về thực hành trách nhiệm giải trình. Ngoài ra, Hiệp hội triển khai các chương trình tuyên truyền khuyến cáo các doanh nghiệp phải tăng cường năng lực quản trị, vì hiện nay, ngoài thuận lợi do các FTA mang lại thì vẫn còn nhiều rủi ro bất trắc, các doanh nghiệp khi đặt bút ký hợp đồng phải tìm hiểu kỹ hơn các đối tác để tránh rủi ro không đáng có.

Đồng thời, chúng tôi tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu. Chúng tôi luôn nhấn mạnh với doanh nghiệp rằng, ngoài tập trung chăm chút các đơn hàng đồng thời phải quan tâm đến xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu mới cho phép doanh nghiệp đi xa và phát triển bền vững hơn.

Bởi lâu nay, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm theo đơn hàng mà khách hàng mang đến, mẫu mã, thiết kế chứ chưa chủ động trong thiết kế, tạo ra sản phẩm và đưa sản phẩm đến khách hàng nước ngoài qua hoạt động xúc tiến thương mại. Mặt khác, cần tăng cường tận dụng công nghệ số để tiếp thị sản phẩm, tiếp cận khách hàng, thị trường.

Một số sản phẩm gỗ đang bị Hàn Quốc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, Hiệp hội tiếp tục có những khuyến cáo gì với doanh nghiệp về vấn đề này?

Về phòng vệ thương mại, trong xu hướng hiện nay các thị trường đều muốn bảo hộ cho hàng hoá trong nước nên khi chúng ta xuất khẩu tăng một sản phẩm nào đó thì thường bị các doanh nghiệp nước sở tại làm đơn kiện và Chính phủ sẽ xem xét khởi xướng điều tra, nên doanh nghiệp phải nghe ngóng để có quan hệ đối tác, nắm bắt xu hướng, những diễn biến bất trắc có thể xảy ra.

Ngoài gỗ dán Việt Nam đang bị Hàn Quốc áp thuế phòng vệ thương mại, còn có viên nén khó có bị khả năng bị áp thuế. Mặt khác, sản phẩm nội ngoài thất, chúng ta cũng chưa thấy gia tăng xuất khẩu đột biến nên rủi ro về phòng vệ thương mại sẽ thấp hơn các thị trường khác.

Việt Nam đang đề nghị xem xét lại việc áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với mặt hàng gỗ dán với mức thuế trên 10%. Và hiện đã hết thời gian áp thuế phòng vệ thương mại đối với gỗ dán, chúng tôi hy vọng Hàn Quốc sẽ sớm có quyết định gỡ bỏ áp thuế phòng vệ thương mại này đối với sản phẩm này.

Xin cảm ơn ông!

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương