Hiệp định RCEP góp phần xây dựng cộng đồng kinh tế du lịch lớn nhất thế giới

(Banker.vn) Hiệp định RCEP được dự báo sẽ thúc đẩy chu kỳ kinh tế du lịch mạnh mẽ và các nước thành viên sẽ trở thành những điểm đến quốc tế quan trọng...
Philippnes phê chuẩn Hiệp định RCEP: Chấp nhận thách thức Hiệp định RCEP giúp tăng vị thế thương mại của Việt Nam

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2022. Với sự tham gia của 15 thành viên, ước tính chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và 30% dân số thế giới sẽ tạo ra thị trường trên quy mô 2,2 tỷ người, tương đương 26.200 tỷ USD và là khu vực thuơng mại tự do lớn nhất thế giới.

Với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đơn giản, các thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại, Hiệp định RCEP được đánh giá sẽ mang lại lợi ích cho nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Theo báo cáo của Liên minh Du lịch Miền núi quốc tế và Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), Hiệp định RCEP sẽ tái định hình mô hình phát triển du lịch toàn cầu và góp phần xây dựng một cộng đồng du lịch lớn nhất thế giới.

Các mối quan hệ kinh tế thương mại quốc tế vững chắc và cởi mở sẽ góp phần tối ưu hóa thị trường khu vực, thúc đẩy trao đổi kinh tế và văn hóa, gắn kết cung cầu du lịch ở các nước. Số liệu cũng cho thấy, các nước thành viên RCEP đã đón tổng cộng 398 triệu lượt du khách nước ngoài và có 260 triệu lượt người đi du lịch nước ngoài, chiếm tương ứng 29% và 24% mức tổng của toàn cầu. Các nước thành viên RCEP là nguồn du khách lớn của nhau.

Đơn cử, 8 trong số 10 nguồn du khách nước ngoài lớn nhất của Myanmar và Hàn Quốc là các nước RCEP. Ở các nước RCEP, khu vực miền núi chiếm hơn một nửa diện tích đất và cấu thành không gian du lịch lõi. Những nước này có 46 Di sản Thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc công nhận, tạo không gian lớn cho phát triển du lịch miền núi. Các chuyên gia nhấn mạnh, Hiệp định RCEP sẽ thúc đẩy chu kỳ kinh tế du lịch mạnh mẽ và các nước thành viên sẽ trở thành những điểm đến quốc tế quan trọng, chiếm hơn 1/3 lượng du khách và tiêu dùng quốc tế.

Hiệp định RCEP, góp phần xây dựng cộng đồng kinh tế du lịch lớn nhất thế giới
Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) được biết đến là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên của thế giới với gần 2.000 hòn đảo lớn, nhỏ - Ảnh: TTXVN

Với Việt Nam, sau 35 năm đổi mới đất nước, ngành du lịch đất nước đã có bước phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng. Các phân tích cho rằng, đội ngũ doanh nghiệp kinh doanh du lịch, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ngày càng lớn mạnh. Hạ tầng du lịch được nhà nước, xã hội quan tâm đầu tư. Đến nay, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn trên thế giới. Đơn cử, Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) được biết đến là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên của thế giới với gần 2.000 hòn đảo lớn, nhỏ. Với vẻ đẹp kỳ vĩ, độc đáo, đây không chỉ là điểm đến hấp dẫn của du khách trong mà thu hút cả khách quốc tế. Bên cạnh những hoạt động giải trí bên bờ biển, Vịnh Hạ Long còn rất nhiều điều thú vị đang chờ đón những tín đồ du lịch khám phá và thu hút du khách tiếp tục trở lại.

Năm 2023, vịnh Hạ Long cũng nằm trong top 25 điểm đến đẹp nhất hành tinh của CNN. Mới đây, tại kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO ngày 16/9, quần thể vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng) được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Trước đó, vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh từng được UNESCO hai lần công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào các năm 1994 và 2000.

Bên cạnh đó, khách du lịch quốc tế, trong nước và doanh thu từ du lịch liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước. Du lịch đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, góp phần quảng bá hình ảnh và khẳng định vị thế của Việt Nam trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế. Đồng thời, du lịch cũng là một công cụ góp phần giảm tụt hậu, chênh lệch giàu nghèo cho những vùng xa xôi, còn ít điều kiện để phát triển, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.

Tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam xác định với nhiều tiềm năng, lợi thế, tới năm 2030 kỳ vọng lớn du lịch sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, một động lực quan trọng tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Trong khi đó, năm 2023, các nước thành viên RCEP được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh đà phục hồi tăng trưởng trong lĩnh vực du lịch, đầu tư bất động sản và các lĩnh vực khác. Khi tình hình phòng chống dịch bệnh trong và ngoài nước được cải thiện, đặc biệt là sự phục hồi dần dần của hoạt động giao lưu và du lịch trong và ngoài nước, du lịch và đầu tư bất động sản giữa các quốc gia thành viên dự kiến sẽ phục hồi.

Ngoài ra, trong tương lai, Hiệp định RCEP được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho các quốc gia có thị trường mới nổi trong khu vực. Trung Quốc và các nước ASEAN là những thị trường mới nổi. Việc miễn giảm thuế quan trong khuôn khổ RCEP đã giúp giảm đáng kể chi phí giao dịch giữa các thị trường mới nổi trong khu vực và giúp hoạt động thương mại sôi động hơn.

Trong bối cảnh đó, ngành du lịch các nước thành viên RCEP sẽ cạnh tranh và hợp tác trên nhiều lĩnh vực hơn, ở cấp độ cao hơn. Trong khi RCEP mang lại cơ hội phát triển trong nhiều lĩnh vực cho các nước thành viên, đây cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa trao đổi và hợp tác du lịch quốc tế, qua đó thúc đẩy tăng trưởng đầu tư vào bất động sản và các ngành công nghiệp khác, đồng thời thúc đẩy sự phục hồi của du lịch toàn cầu và giao lưu quốc tế với động lực mạnh mẽ trong khu vực.

RCEP có 15 thành viên, bao gồm 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Thỏa thuận RCEP được ký vào tháng 11/2020 và có hiệu lực ngày 1/1/2022, với mục tiêu xóa bỏ dần thuế quan đối với hơn 90% hàng hóa được giao dịch giữa các thành viên.

Nhật Khôi

Theo: Báo Công Thương