Hiệp định EVFTA và tác động kép với xuất khẩu cà phê sang EU

(Banker.vn) EU là thị trường lớn nhất, tiêu thụ 40% cà phê xuất khẩu của Việt Nam. Hiệp định EVFTA đang mang lại cả cơ hội và sức cạnh tranh tại thị trường này.
Xuất khẩu nông sản sang EU: Ưu tiên xây dựng hệ sinh thái kết nối các chủ thể trong EVFTA Ngành cà phê nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu của thị trường EU Hải Phòng: Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA

EU chiếm 40% lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam

Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), EU hiện là thị trường quan trọng nhất đối với cà phê Việt Nam, chiếm khoảng 40% lượng cà phê xuất khẩu.

Là chủ một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn của Việt Nam, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group chia sẻ, Hiệp định EVFTA đã và đang giúp doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nội địa có lợi ích lớn. Cụ thể, EU là một trong những nước ở khu vực thị trường đi đầu trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi làm với EU, doanh nghiệp rất cần quan tâm đến chất lượng, bởi vì chất lượng vào EU được kiểm soát khá chặt chẽ và đấy là cũng là thế mạnh của họ. Cho nên nếu hợp tác với họ thì có một thuận lợi là doanh nghiệp có thể nâng cao chất lượng sản phẩm.

“Nhờ đó, khi xuất được vào EU thì chúng ta có thể xuất được rất nhiều thị trường khác trên thế giới”, ông Phan Minh Thông nói.

Hiệp định EVFTA và tác động kép với xuất khẩu cà phê sang EU
EU là thị trường lớn của cà phê Việt Nam (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh đó, EU cũng dẫn đầu về phát triển bền vững. Ví dụ như tiêu chuẩn về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) của EU hiện nay đã được nâng cấp. EU là một trong những nước đi đầu trong vấn đề ESG và phần còn lại trên thế giới đi theo EU. Máy móc của EU trong các vấn đề phát triển về thực phẩm khá tốt, hiện đại.

Do đó, khi doanh nghiệp nhập khẩu các máy móc của EU để chế biến, sản xuất và xuất khẩu ngược lại sản phẩm sang EU, các doanh nghiệp của châu Âu sẽ dễ chấp nhận sản phẩm hơn, đặc biệt là những hàng chế biến sâu trong ngành thực phẩm.

“Nhờ đó, hiện nay, lượng hàng hoá mà Phúc Sinh xuất khẩu vào thị trường EU chiếm từ 45% - 55% tổng lượng hàng xuất khẩu, doanh thu khoảng 250 triệu USD. EU là một thị trường Phúc Sinh đặc biệt quan tâm và hiện đã có sản phẩm ở hầu hết 27 nước thành viên” – ông Thông chia sẻ.

Đáng chú ý, nếu như trước kia, hầu như doanh nghiệp cà phê xuất khẩu cà phê nhân, thời gian qua, với hàng chục hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, trong đó có Hiệp định EVFTA, thuế của cà phê rang xay hòa tan nhiều nước áp dụng lộ trình xuống 0 – 5% và ngay cả EU cũng có một lộ trình giảm thuế xuống đến mức thấp. Điều này là động lực cho các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nâng cao chế biến để nâng giá trị gia tăng của hạt cà phê. Đây cũng là định hướng lâu dài đối với ngành cà phê Việt Nam.

Đối diện sức cạnh tranh từ doanh nghiệp ngoại

Cùng với các lợi thế kể trên, Hiệp định EVFTA cũng tạo ra nhiều sức cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa khi Hiệp định tạo một cú huých thu hút đầu tư từ doanh nghiệp EU vào Việt Nam để được hưởng những ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang khu vực thị trường này. Ông Phan Minh Thông chia sẻ, trong vòng ba năm vừa qua, có một số doanh nghiệp châu Âu đã đến Việt Nam để mở các nhà máy và thực sự đó cũng là một trong những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi phải cạnh tranh rất nhiều trong cùng một mặt hàng.

Đáng chú ý, trước đây, doanh nghiệp châu Âu hầu như ít đầu tư vào khâu nguyên liệu, nhưng sau khi có Hiệp định EVFTA thì họ có sự đầu tư về nguyên liệu rất lớn để cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt Nam. Đây được đánh giá là một động lực thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi quản lý, thay đổi sáng tạo, thay đổi cách làm để có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp này.

Đơn cử, để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm cà phê xuất khẩu, Phúc Sinh đã đầu tư khá nhiều máy móc để chế biến sâu sản phẩm như máy nghiền, rang xay… để được hưởng mức thuế bằng 0 khi nhập vào châu Âu. Hiện tỉ lệ hàng thành phẩm, hàng chế biến sâu xuất sang thị trường châu Âu của Phúc Sinh đã tăng từ 8% lên 22% trong vòng ba năm vừa qua.

Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Vicofa chia sẻ thêm, tại EU, cà phê là mặt hàng thiết yếu chỉ sau lương thực. Tuy nhiên, thị trường này cũng ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng cà phê. Theo đó, việc EU siết chặt quy định dư lượng thuốc trừ sâu đối với các loại hạt, trong đó có cà phê là 0,1 mg/kg cũng là một khó khăn, đòi hỏi nông dân phải điều chỉnh phương thức sản xuất để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn mới phục vụ hoạt động xuất khẩu.

Hay vấn đề, quy định của EU về chống phá rừng, gây suy thoái rừng có hiệu lực từ năm 2023 và đến ngày 31/12/2024 sẽ thực hiện. Khi đó EU sẽ không nhập khẩu 7 sản phẩm trồng trên các diện tích phá rừng, trong đó có cà phê, cao su, dầu cọ... Đây là những khó khăn mà ngành cà phê Việt Nam đang vấp phải. Do đó, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp đang nỗ lực đáp ứng các yêu cầu từ thị trường EU nhằm giữ vững vị thế cho hạt cà phê Việt tại đây.

Lan Phương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục