Hiệp định EVFTA: “Đòn bẩy” cho xuất khẩu cà phê vào EU

(Banker.vn) Từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, ngành cà phê Việt Nam liên tục tăng tốc xuất khẩu sang EU khi nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt cơ hội này.
Doanh nghiệp tận dụng Hiệp định EVFTA, thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam-EU Thực thi Hiệp định EVFTA: Doanh nghiệp cần sẵn sàng tuân thủ tiêu chuẩn xanh, bền vững dài hạn

Sản lượng giảm nhưng giá trị tăng cao

Năm 2023 là năm khá đặc biệt với ngành cà phê khi giá cà phê trong nước và xuất khẩu liên tục tăng cao. Đặc biệt, có thời điểm giá cà phê trong nước tăng lên mức 70.000 đồng/kg. Hiện giá cà phê trong nước đang dao động quanh mốc 64.000 – 65.000 đồng/kg. Đây là mức giá rất cao trong nhiều năm qua.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, mặc dù giá tăng cao song, điều đáng nói tại một số tỉnh trọng điểm ở Tây Nguyên, lượng cà phê dự trữ của người dân và một số doanh nghiệp còn rất ít do mất mùa dẫn tới nguồn cung khan hiếm, chủ yếu lượng hàng dự trữ để xuất cho các hợp đồng đã được ký kết.

Nguồn cung giảm khiến doanh nghiệp mua không được hàng hoặc mua được ít hàng, nên nhiều hợp đồng có thời gian giao hàng trong tháng 8, tháng 9 vẫn chưa giao được.

Hiệp định EVFTA: “Đòn bẩy” cho xuất khẩu cà phê vào EU
Dự báo giá cà phê xuất khẩu những tháng cuối năm sẽ tiếp tục neo cao

“Lần đầu tiên trong lịch sử, đến tháng 5, tháng 6 Việt Nam lại hết hàng cà phê. Nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng nhưng không có hàng để giao”, ông Đỗ Hà Nam chia sẻ và cho biết thêm, dự báo từ tháng 11 trở đi, khi vào vụ thu hoạch, giá cà phê sẽ dao động quanh mức 50.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân cũng đã có lời.

Nguyên nhân khiến sản lượng cà phê sụt giảm là do biến đổi khí hậu làm năng suất cà phê không cao so với các năm trước. Thêm đó, những năm vừa qua giá cà phê thấp trong khi giá mặt hàng trái cây tăng cao, nhiều nông dân đã tăng diện tích trồng xen sầu riêng, măng cụt, bơ… trong các vườn cà phê cũng góp phần làm sản lượng cà phê giảm xuống.

Mặc dù sản lượng suy giảm mạnh, song giá cà phê xuất khẩu tăng cao giúp ngành hàng này đang xác lập kỷ lục mới. Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 9 tháng đầu năm nay ở mức 1,25 triệu tấn, thu về hơn 3,1 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2022, song kim ngạch tăng cao hơn 0,7% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường tiêu thụ, Liên minh châu Âu (EU) vẫn là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam khi chiếm gần 40% tổng khối lượng cà phê xuất khẩu của nước ta.

Dự báo, những tháng cuối năm, cà phê xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi về giá do thị hiếu tiêu dùng của thế giới có xu hướng dịch chuyển sang cà phê robusta.

Tận dụng lợi thế từ EVFTA

Từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực (1/8/2020), ngành cà phê Việt Nam liên tục tăng tốc xuất khẩu sang EU. Ông Huỳnh Ngọc Dương - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk - cho biết, trước đây, Đắk Lắk đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cà phê rất khó. Nhưng từ khi có Hiệp định EVFTA, cả 27 nước thành viên đều công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý của cà phê. Khi thực thi Hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp đã tận dụng xuất khẩu được cà phê hòa tan, và giá trị xuất khẩu ngày càng tăng.

Đáng chú ý, hiện Đắk Lắk đang chuyển sang phân khúc mới, sản xuất cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản. Trong năm qua, địa phương đã xuất khẩu cà phê chất lượng cao với giá trị gấp 2 lần cà phê bình thường, cà phê đặc sản giá trị gấp 7 lần cà phê bình thường. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã tận dụng nhanh, tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định EVFTA.

Từ kinh nghiệm đầu tư trong ngành cà phê và tận dụng các FTA để xuất khẩu, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group cho biết, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, tham gia nhiều FTA, buộc doanh nghiệp phải thay đổi nhiều, từ tư duy đầu tư, sản xuất, đến quản lý để cạnh tranh với các doanh nghiệp toàn cầu vào Việt Nam lập nhà máy sản xuất.

Chiến lược của Phúc Sinh đầu tư mạnh vào chế biến sâu nông sản, nhất là với cà phê, hồ tiêu. Hiện doanh nghiệp này đang đầu tư một dây chuyền chế biến sâu gia vị để có thể làm các sản phẩm nghiền, các sản phẩm rang xay cũng như hòa tan, tận dụng thuế 0% theo EVFTA.

Với cách đi này, doanh nghiệp gặp nhiều thuận lợi khi đàm phán với nhà nhập khẩu, tỷ lệ mà Phúc Sinh bán hàng thành phẩm, bán hàng chế biến sâu sang thị trường châu Âu đã tăng từ 8% lên 22% trong vòng 3 năm gần đây.

Theo đánh giá của ông Đỗ Hà Nam, hiện Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu cà phê. Riêng cà phê robusta, Việt Nam chiếm tới 50% nguồn cung thế giới. Trong những năm qua, tốc độ phát triển của ngành cà phê Việt Nam rất nhanh. Từ một nước không có cà phê tiêu dùng thì hiện nay Việt Nam là một trong những cường quốc xuất khẩu cà phê.

Đối với thị trường EU, ông Nam cho biết, cà phê là mặt hàng thiết yếu chỉ sau lương thực. Tuy nhiên, thị trường này cũng ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng cà phê. Theo đó, việc EU siết chặt quy định dư lượng thuốc trừ sâu đối với các loại hạt, trong đó có cà phê là 0,1 mg/kg cũng là một khó khăn, đòi hỏi nông dân phải điều chỉnh phương thức sản xuất để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn mới phục vụ hoạt động xuất khẩu. Hay vấn đề, quy định của EU về chống phá rừng, gây suy thoái rừng có hiệu lực từ năm 2023 và đến ngày 31/12/2024 sẽ thực hiện. Khi đó EU sẽ không nhập khẩu 7 sản phẩm trồng trên các diện tích phá rừng, trong đó có cà phê cao su, dầu cọ... Đây là những khó khăn mà ngành cà phê Việt Nam đang vấp phải.

Trong bối cảnh đó, để tận dụng lợi thế, gia tăng xuất khẩu, ông Nam cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư vào chế biến sâu, các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi quản lý, sáng tạo cách làm để tạo ra sản phẩm phù hợp, có thể cạnh tranh được với một thị trường mở.

Hà Duyên

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục