Hiện tượng rủi ro cam kết và kỹ thuật ngăn ngừa, kiểm soát trong hoạt động tín dụng ngân hàng

(Banker.vn) Bài viết chỉ ra các loại hình của rủi ro cam kết trả nợ trong cấp tín dụng, hậu quả, nguyên nhân và phương pháp nhận diện loại hình rủi ro này, từ đó phân tích các kỹ thuật nhận diện để đề xuất các biện pháp kiểm soát, giảm thiểu các hiện tượng qua các khâu cấp tín dụng.

Tóm tắt: Bài viết chỉ ra các loại hình của rủi ro cam kết trả nợ trong cấp tín dụng, hậu quả, nguyên nhân và phương pháp nhận diện loại hình rủi ro này, từ đó phân tích các kỹ thuật nhận diện để đề xuất các biện pháp kiểm soát, giảm thiểu các hiện tượng qua các khâu cấp tín dụng.

Loan commitment risk and techniques to prevent and control in banks

Abstract: The article shows types of loan commitment risk during credit granting procedure, its consequences, causes and methods to identify this type of risk, thereby analyzing identification techniques and proposing measures to control and minimize this kind of risk.

Mở đầu

Trong hoạt động của ngân hàng thương mại (NHTM), cấp tín dụng là một trong những mảng chính, thường chiếm tỷ trọng từ 60% - 85% trong kết cấu tài sản có của ngân hàng. Do đó, việc thực hiện cấp tín dụng có hiệu quả sẽ góp phần tạo ra lợi nhuận an toàn. Ngoài ra, thông qua việc cấp tín dụng cho khách hàng sẽ giúp ngân hàng có cơ hội tiếp cận với các bạn hàng của doanh nghiệp như nhà cung ứng, nhà phân phối… tạo điều kiện cho ngân hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm dịch vụ của mình. Đây là cơ hội để gia tăng số lượng khách hàng giao dịch nhằm mở rộng thị phần, đồng thời nâng cao thương hiệu của ngân hàng trên thị trường.

Tuy vậy, có một đặc trưng điển hình trong các hoạt động của các NHTM đó chính là rủi ro tín dụng. Ngân hàng thực hiện cấp tín dụng cho khách hàng có thể đối mặt với rủi ro khách hàng không thể trả đầy đủ gốc, lãi hay cả gốc và lãi của khoản vay đúng cam kết. Khi thực hiện giao dịch tín dụng, từ lúc giải ngân cho đến khi thu hồi vốn, ngân hàng chưa biết chắc giao dịch đó hoàn thành hay không. Do đó, rủi ro tín dụng thể hiện ở khả năng hay xác suất hoàn thành giao dịch tín dụng đó.

1. Nhận diện hiện tượng rủi ro tín dụng cam kết

Có rất nhiều loại rủi ro và có nhiều cách phân loại khác nhau. Thông thường, trong khung rủi ro chung của các NHTM sẽ phân thành các loại như sau:

(i) Rủi ro giao dịch: Là những vấn đề trục trặc xảy ra trong quá trình giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng, đặc biệt là xét duyệt khách hàng vay, bao gồm rủi ro lựa chọn, rủi ro bảo đảm và rủi ro nghiệp vụ.

(ii) Rủi ro danh mục: Là những phát sinh xảy ra khi ngân hàng quản lý danh mục cho vay không chặt chẽ và khoa học, được phân loại ra thành 2 loại là rủi ro nội tại và rủi ro tập trung.

Rủi ro nội tại: Bắt nguồn từ bên trong của cá nhân, tổ chức đi vay và nền kinh tế chung.

Rủi ro tập trung: Là dư nợ dành cho các khách hàng được dồn lại với nhau thành một cụm.

(iii) Rủi ro lựa chọn: Là các vấn đề trục trặc liên quan tới việc thẩm định nguồn tiền của khách hàng và khả năng phân tích tín dụng, trong đó việc ngân hàng phân tích, xem xét và chọn phương án vay có vai trò khá quan trọng.

(iv) Rủi ro bảo đảm: Phát sinh từ các tiêu chuẩn được đưa ra để bảo đảm như điều khoản hợp đồng giao kết, chủ thể, cách thức và mức tiền cho vay.

(v) Rủi ro nghiệp vụ: Liên quan tới hoạt động cho vay của ngân hàng, khả năng quản lý và tác nghiệp của cán bộ nhân viên.

Trong đó, có một “hiện tượng rủi ro” rất phổ biến từ phía khách hàng thường xuyên xảy ra hầu như đối với bất kỳ khách hàng nào, kể cả khách hàng là tổ chức, cá nhân hay khách hàng lớn nhỏ, khách hàng uy tín hay uy tín hạn chế, và ở bất kỳ giai đoạn nào; khách hàng có kết quả hoạt động kinh doanh tốt hay xấu… đó chính là “hiện tượng đến hạn trả nợ nhưng khách hàng không trả đúng hạn” , hay đó là “vi phạm cam kết thời hạn trả nợ” đối với ngân hàng.

2. Hậu quả của rủi ro cam kết

Rủi ro này dẫn đến hậu quả như: (i) Ngân hàng mất nhiều chi phí cơ hội khác, ngân hàng bị thiệt hại do ngân hàng là ‘trung gian tài chính”; phải đi huy động đối tượng khác (có thể lãi suất cao) để bù đắp thiếu hụt cân đối tài chính trong thời hạn chờ khách hàng trả nợ (ngân hàng thu được nợ), (ii) Ngân hàng mất cân đối cục bộ, (iii) Ngân hàng thiệt hại tài chính do phải điều chỉnh kế hoạch tài chính, (iv) Ngân hàng thiệt hại do có thể sẽ phải điều chỉnh cấu phần lãi suất cho vay và huy động, (v) Ngân hàng phát sinh chi phí do phải điều vốn nội bộ từ hội sở chính ngân hàng đến đơn vị cho vay hoặc phải điều chỉnh từ chi nhánh này đến chi nhánh khác, (vi) Ngân hàng thiệt hại tài chính do phải tăng chi phí hoạt động cho thời gian chờ thu nợ, (vii) Ngân hàng thiệt hại tài chính nếu phải sử dụng các “biện pháp đòi nợ” (chi phí đi lại, chi phí tố tụng nếu kiện, chi phí thuê ngoài…).

Như vậy, với “hiện tượng rủi ro” này buộc ngân hàng phải thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để thực hiện thu nợ, hay đó chính là các kịch bản (cho cả danh mục khách hàng và do đối tượng khách hàng vi phạm).

3. Biện pháp kiểm soát hiện tượng rủi ro “khách hàng vi phạm cam kết thời hạn trả nợ”

Do hiện tượng này là không thể tránh, nên ngân hàng phải thực hiện kiểm soát một cách tốt nhất trong quá trình thực hiện cấp tín dụng cho khách hàng. Các biện pháp ứng xử để kiểm soát hiện tượng trên:

Thứ nhất, thực hiện biện pháp né tránh: Ngân hàng chủ động né tránh từ trước khi rủi ro xảy ra, né tránh bằng cách loại bỏ những nguyên nhân gây ra rủi ro (nguyên nhân khách hàng vi phạm trả nợ đúng hạn). Trong mọi trường hợp, với các hiện tượng khách hàng có biểu hiện không trả nợ hoặc không thực hiện trả nợ đúng hạn cho ngân hàng theo hợp đồng đã ký:

(1) Rà soát, đánh giá: Trước hết, ngân hàng tổ chức rà soát, đánh giá các văn phạm quy định của pháp luật có liên quan đến nghiệp vụ, quản lý của ngân hàng và ngành nghề hoạt động của khách hàng vay), từ đó, có các điều chỉnh vào bộ hợp đồng tín dụng và thiết kế quy trình tín dụng sao cho các độ trễ vẫn nằm trong mọi kế hoạch.

(2) Thẩm định, thiết kế khoản vay: Để có thể chủ động né tránh trước khi rủi ro xảy ra và loại bỏ những nguyên nhân gây ra rủi ro, ngân hàng thực hiện các chốt kiểm soát ngay tại khâu thẩm định hồ sơ khách hàng, bao gồm: Khởi tạo (đề xuất) – Thẩm định – Phê duyệt – Giải ngân – Kiểm tra – Thu nợ/Thu lãi.

Thực hiện khâu thẩm định: Uy tín và pháp lý, hồ sơ tài chính, hồ sơ khoản vay, hồ sơ tài sản bảo đảm, phương án trả nợ (trong phương án kinh doanh), trên cơ sở các khâu thẩm định, bộ phận thẩm định sẽ thiết kế ‘khoản cho vay” sao cho đã tính toán hết (loại trừ) các yếu tố (kiểm soát được).

Thiết kế khoản vay: Qua khâu thẩm định, bộ phận hồ sơ sẽ có những dự báo, khuyến nghị, dự kiến khả năng rủi ro về việc khách hàng có thể vi phạm thời hạn trả nợ để từ đó thiết kế khoản vay: Số tiền cho vay, lãi suất phù hợp với nhận định sẽ bù đắp được rủi ro, thời hạn cho vay đã tính các độ trễ với tiên lượng rủi ro, tính toán tính “lỏng” của tài sản thế chấp để dự liệu khả năng xử lý khi rủi ro xẩy ra.

Thiết kế hợp đồng cho vay: Đây là nội dung rất quan trọng, vì là căn cứ khi ngân hàng đã tiên lượng hết là kiểm soát được khoản vay thực hiện đúng thời hạn trả nợ, nhưng khách hàng vẫn vi phạm. Theo đó, chính các điều khoản, điều kiện áp chế trong hợp đồng này là chế tài mạnh nhất buộc khách hàng trả nợ. Trong trường hợp bên vay vẫn không thực hiện yêu cầu về trả nợ, ngân hàng sẽ thực hiện các “biện pháp xử lý để thu hồi nợ”. Trong quá trình này, bước cuối cùng của ngân hàng là thực hiện biện pháp tố tụng để thu nợ.

Như vậy, để loại bỏ được những nguyên nhân gây ra rủi ro, khâu thẩm định để thiết kế khoản vay phù hợp là khâu nòng cốt, từ việc xem xét, đánh giá (qua các chỉ số định lượng (báo cáo tài chính, báo cáo tình hình hoạt động của khách hàng) và các chỉ số định tính (uy tín, kinh nghiệm…), cán bộ thẩm định sẽ tìm ra các dấu hiệu nhận biết.

Thứ hai, biện pháp ngăn ngừa: Ngân hàng thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, được thiết kế các điều khoản, điều kiện cho vay mà khách hàng sẽ ký hợp đồng với ngân hàng thông qua hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo lãnh, hợp đồng bảo đảm. Bên cạnh đó, trong quá trình thẩm định, khách hàng phải chứng minh các nội dung cốt lõi như cơ sở khả thi của nguồn trả nợ, cơ sở chuyển thành tiền của tài sản bảo đảm, nghĩa vụ trả thay, hoa lợi của tài sản bảo đảm… Một số biện pháp có thể kể đến như sau:

- Trong mọi trường hợp, ngân hàng chọn lựa đầu vào khách hàng cần có uy tín, kết quả hoạt động kinh doanh tốt, có lịch sử trả nợ uy tín, ngành nghề hoạt động của khách hàng có xu hướng phát triển và bền vững, khách hàng thực hiện tốt các nghĩa vụ thuế, tài chính khác với nhà nước, tài sản bảo đảm rõ ràng và có tính thanh khoản (trừ trường hợp khách hàng được vay vốn tín chấp thì các điều kiện về tín chấp sẽ được nâng cao hơn một mức).

- Các báo cáo của khách hàng cần được kiểm toán định kỳ hàng quý/bán niên và năm theo chỉ định của ngân hàng (báo cáo tài chính, báo cáo thẩm tra công trình – đối với vay xây dựng công trình).

- Khách hàng phải mở tài khoản thanh toán/tiền gửi tại ngân hàng, trong đó yêu cầu mọi dòng tiền liên quan đến hoạt động của khách hàng đều phải chảy qua tài khoản này.

- Trong mọi thời điểm, khách hàng phải duy trì một tỷ lệ vốn đối ứng trong tài khoản được mở tại ngân hàng.

- Khách hàng chứng minh nguồn trả nợ bổ sung trong trường hợp nguồn trả nợ chính do lý do khách quan không có hoặc không đủ trả nợ cho ngân hàng.

- Khách hàng đồng ý vô điều kiện và tự nguyện bàn giao tài sản để ngân hàng xử lý trong trường hợp ngân hàng xử lý tài sản để thu hồi nợ.

- Trong trường hợp ngân hàng áp dụng các biện pháp khác như: nhận chính công ty (cổ phần)/khách hàng hay các tài sản của khách hàng, đây là điều kiện khách hàng cam kết chấp hành nghĩa vụ.

- Khách hàng phải mua bảo hiểm cho chính các hợp đồng kinh tế của khách hàng với đối tác của khách hàng và các tài sản có giá trị lớn của khách hàng (là các tài sản chưa thế chấp cho ngân hàng).

- Ngân hàng được quyền thâm nhập, kiểm tra mọi hoạt động của khách hàng để nắm rõ tình hình, hiệu quả hoạt động của khách hàng.

- Khách hàng luôn có thông báo về kế hoạch trả nợ trước cho ngân hàng.

Thứ ba, biện pháp giảm thiểu: Một số biện pháp trọng yếu mà ngân hàng áp dụng để giảm thiểu rủi ro đối với các hiện tượng (như mô tả trên) rủi ro như sau:

- Thực hiện tách bạch 3 khâu: Khâu đề xuất (là đơn vị kinh doanh thực hiện khởi tạo khoản vay – đây là đơn vị bán hàng nên họ tiếp xúc trực tiếp với khách hàng), khâu thẩm định rủi ro (đây là các bộ phận tái thẩm định các đề xuất của đơn vị kinh doanh, bộ phận này thẩm định độc lập dựa trên hồ sơ đơn vị kinh doanh đệ trình và các thông tin theo kênh mà bộ phận này độc lập có được, sau khi khâu này xong sẽ được kết hợp với báo cáo đề xuất của đơn vị kinh doanh lên các cấp phê duyệt), khâu tác nghiệp (là bộ phận thực hiện độc lập các thủ tục giao dịch bảo đảm, công chứng, ký hợp đồng tín dụng, giải ngân, thu nợ, thu lãi).

- Kiểm soát theo quy trình cấp tín dụng: Ngân hàng thực hiện kiểm soát theo 3 quá trình để nhằm hạn chế tối đa rủi ro có thể xuất hiện, đó là kiểm tra trước khi giải ngân (đây là một bước rất quan trọng để đối chiếu lại tất các quá trình của hồ sơ – khách hàng – ngân hàng). Nếu đạt đủ các điều kiện sẽ thực hiện lệnh chuyển qua khâu thực hiện giải ngân. Trong quá trình giải ngân, các cán bộ/bộ phận phải tra soát, đối chiếu tính hợp lý, hợp pháp, tính khả thi, tính tồn tại của các hồ sơ chứng từ liên quan và nếu đạt sẽ đệ trình giải ngân. Tại khâu thứ ba là kiểm tra kiểm soát sau khi giải ngân (đây là giai đoạn khách hàng đã nhận tiền), cán bộ/bộ phận của ngân hàng phải theo dõi, kiểm tra việc sử dụng tiền của khách hàng đảm bảo đúng mục đích và không vi phạm pháp luật, ngân hàng thực hiện tần suất kiểm tra tùy theo từng loại vay, như dự án, như vay theo hạn mức, như vay theo phương án, bảo lãnh, chiết khấu…. để từ đó thiết kế các kỳ kiểm tra phù hợp với tính chất của loại vay đó).

Nâng cao tỷ trọng và chất lượng tài sản bảo đảm: Đối với các dạng khách hàng có thể có những biểu hiện rủi ro (thông qua chấm điểm, xếp hạng để nhận diện), khi đàm phán, ngân hàng thường chọn lựa tài sản thế chấp là những tài sản có tính thanh khoản cao, dễ bán, dễ chuyển nhượng, đồng thời, thiết kế tỷ lệ vay/giá trị tài sản bảo đảm được định giá càng thấp càng tốt (thường các khoản vay sẽ có tỷ lệ vay/tài sản bảo đảm là 80%, và ngân hàng sẽ tìm cách đàm phán hoặc bằng các biện pháp nghiệp vụ định giá để đảm bảo tỷ lệ cho vay nhỏ hơn 80%/giá trị tài sản bảo đảm định giá (lý tưởng là 50%). 

- Phân loại và xử lý nợ xấu (thành lập bộ phận chuyên trách). Để hạn chế rủi ro, ngay cả trong quá trình khách hàng chưa đến hạn trả nợ hoặc chưa đến hạn trả nợ cuối cùng nhưng khách hàng vi phạm bất kỳ điều kiện nào trong cam kết vay vốn như cung cấp thông tin sai sự thật, chiếm dụng vốn, hoặc khách hàng có xu hướng kinh doanh thua lỗ nhưng không báo với ngân hàng… thì ngân hàng sẽ thực hiện các biện pháp thông báo thu nợ trước hạn. Nếu khách hàng không tuân thủ, buộc ngân hàng chuyển qua bước thực hiện nghiệp vụ xử lý nợ (đòi nợ, bán tài sản thế chấp, kiện tòa án….). Đồng thời với quá trình đó, ngân hàng thực hiện phân loại nợ để thực hiện các biện pháp trích lập và để buộc khách hàng hợp tác với ngân hàng.

- Trích dự phòng và xử lý rủi ro tín dụng: Trong trường hợp đến hạn của bất kỳ khoản vay hay khế ước nhưng ngân hàng chưa thu được nợ từ khách hàng, ngân hàng lập tức phải thực hiện biện pháp nội bộ về xử lý nguồn để trích lập dự phòng khoản vay theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước và mục tiêu an toàn cho ngân hàng.

- Mua bảo hiểm tín dụng: Khách hàng phải mua bảo hiểm cho khoản vay trong suốt thời gian vay vốn (theo từng loại khoản vay và theo từng thời kỳ, giai đoạn dư nợ khác nhau, bảo hiểm cho tài sản bảo đảm (khi tài sản bị mất mát, hư hỏng, thiên tai…)

Thứ tư, chia sẻ/chuyển giao rủi ro: Trong hoạt động ngân hàng, đối với các khoản hình thành nợ phải thu, ngoài các biện pháp nghiệp vụ ngân hàng tự xử lý, thì ngân hàng cũng luôn ký hợp tác với bên thứ 3 theo 2 dạng.

- Chia sẻ rủi ro với các tổ chức tín dụng (ngân hàng, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, các định chế phi ngân hàng khác): ngân hàng thực hiện ngay các hình thức đồng tài trợ hoặc ủy thác lẫn nhau khoản vay để chia sẻ rủi ro xẩy ra, hoặc/và có thêm kênh quản lý chặt chẽ khoản cho vay.

- Chuyển giao rủi ro, đây là nghiệp vụ có thể ngân hàng ký trước (ký khung) khi xảy ra rủi ro hoặc khi đã phát sinh rủi ro (ký sau) để thực hiện các biện pháp như bán nợ, chuyển hình thức từ tín dụng thành đầu tư, bán tín dụng cho đối tác khác mà có họ có lợi thế hơn hoặc cơ hội tốt cho việc tái cấu trúc khách hàng bị nợ xấu này, với mục tiêu sẽ chuyển hướng – tạo cho khách hàng vay có cơ hội kinh doanh khác để trả nợ vay.

- Kết hợp chia sẻ và chuyển giao rủi ro.

Hiện nay, các ngân hàng thương mại vẫn đang thực hiện lộ trình hội nhập, trong phạm vi này là thực hiện quản trị rủi ro theo chuẩn Basel II, các ngân hàng đồng thời phải thực hiện các nhiệm vụ kinh doanh – quản trị rủi ro tín dụng như truyền thống. Chính vì vậy, gần như các ngân hàng thực hiện chạy song song/tổng hợp theo 2 hệ thống quản trị bộ máy này.

Do đó, về thực tế hoạt động, hiện ngân hàng phải bảo đảm quản trị rủi ro một cách tốt nhất là có thể theo cả mô hình Basel (nếu phù hợp), hoặc theo một cấu phần, hoặc không theo các chuẩn (trong khi đang xây dựng), miễn sao ngân hàng quản trị, kiểm soát được tốt nhất rủi ro.

Tài liệu tham khảo:

- Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (2006), Sự thống nhất quốc tế về phương pháp đo lường vốn và các tiêu chuẩn về vốn (Hiệp ước vốn Basel 2).

- Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng – Ngân hàng thanh toán quốc tế (2010), các nguyên tắc tăng cường quản trị công ty đối với các tổ chức ngân hàng.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 11 năm 2021

Đào Văn Chung

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ