Hiện đại hoá các hoạt động logistics - ''chìa khoá'' thúc đẩy giao thương xuất nhập khẩu

(Banker.vn) Thúc đẩy hạ tầng khu kinh tế biển, hiện đại hoá hoạt động logistics, thúc đẩy giao thương xuất nhập khẩu là những ''điểm nghẽn'' đang cần giải pháp tháo gỡ.
Hợp tác phát triển dịch vụ ngân hàng trên nền tảng cảng biển số Cảng Chu Lai phát huy vai trò mũi nhọn trong hoạt động logistics tại miền Trung

Sáng 28/6, tại TP. Đà Nẵng, Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương TP. Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu khu vực miền Trung. Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng dự hội nghị.

Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu khu vực miền Trung là hoạt động trong chuỗi sự kiện của chương trình “Kết nối giao thương giữa Nhà cung cấp khu vực miền Trung – Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại” diễn ra từ ngày 27 – 30/6 tại TP. Đà Nẵng.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra các sáng kiến đóng góp khả thi, có thể ứng dụng nhanh và hiệu quả cho công tác xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu của vùng, hỗ trợ các sản phẩm dịch vụ của vùng tìm được hướng đi thị trường phù hợp, như trao đổi các nội dung phát triển kinh tế biển, hiện đại hóa các hoạt động logistics, hỗ trợ phát triển xuất khẩu hàng hóa; thúc đẩy kinh tế xanh, thương mại điện tử; xúc tiến thương mại qua hệ thống phân phối quốc tế…

Hiện đại hoá các hoạt động logistics - ''chìa khoá'' thúc đẩy giao thương xuất nhập khẩu
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Moit

Đặc biệt, một trong những chủ đề "nóng" được nhiều địa phương quan tâm như việc xây dựng khu kinh tế biển, hiện đại hoá các hoạt động logistics hỗ trợ, thúc đẩy giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa, cũng như giải pháp về xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, thúc đẩy giao thương biên giới qua các địa phương.

Chia sẻ về tiềm năng, lợi thế cũng như thách thức đang đặt ra đối với vấn đề xây dựng khu kinh tế biển, hiện đại hoá các hoạt động logistics hỗ trợ, thúc đẩy giao thương xuất nhập khẩu tại hội nghị, ông Huỳnh Tấn Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa cho biết, mỗi tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, đều có vị trí quan trọng khác nhau về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và nhờ đó có rất nhiều tiềm năng và lợi thế cần được khai thác, liên kết phát triển.

Với những điều kiện thuận lợi và lợi thế của một số tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ, nằm ở vị trí cận giáp biển, các tỉnh đều có đường bờ biển chạy dọc ở phía Đông. Thời gian qua, các tỉnh khu vực miền Trung đã tập trung phát triển đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có trọng tâm, trọng điểm dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương.

“Do đó, việc xây dựng khu kinh tế biển, hiện đại hoá các hoạt động logistics hỗ trợ, thúc đẩy giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa đối với các tỉnh khu vực miền Trung là hết sức thiết thực và ý nghĩa, là cơ hội lớn để các doanh nghiệp kết nối, hợp tác, đồng hành cùng phát triển sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới” – ông Hải cho hay.

Về phía địa phương, ông Hải cho biết, về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, tỉnh Khánh Hòa nằm ở vị trí thuận tiện. Với vị trí địa lý đặc thù đã tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Khánh Hòa phát triển nhiều ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch.

Bên cạnh đó, Khánh Hòa có thế mạnh trong xuất khẩu thủy sản, nhiều sản phẩm chế biến của các doanh nghiệp trong tỉnh đáp ứng thị hiếu tiêu dùng cao tại thị trường các nước Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp dần được hình thành phát triển, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hiện đại hoá các hoạt động logistics ''chìa khoá'' thúc đẩy giao thương xuất nhập khẩu
Ông Huỳnh Tấn Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Vũ Lê

Bên cạnh những thuận lợi, lãnh đạo Sở Công Thương Khánh Hoà cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức: "Hiện nay, hàng hóa xuất khẩu của Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên chủ yếu vận chuyển thông qua các cảng tại thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động kết nối, phân phối hàng hóa, xây dựng khu kinh tế biển, hiện đại hoá các hoạt động logistics của tỉnh Khánh Hòa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Khánh Hòa chưa có cảng biển phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa đóng trong container, chưa có Trung tâm logistics phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu".

Về phía Quảng Nam, ông Hường Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh cho biết, hiện Quảng Nam có khoảng hơn 200 doanh nghiệp đang thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu qua Cục hải quan Quảng Nam và qua từng năm kết quả xuất nhập khẩu đạt được những kết quả nhất định.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Quảng Nam giai đoạn 2021-2023 đạt 13,3 tỷ USD, trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1,5 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Hàng gia công may mặc, giày, chíp điện tử, vật tư xây dựng...; mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Linh kiện ôtô, linh kiện điện tử, nguyên liệu sản xuất gạch men, điện năng, máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu nhập khẩu sản xuất hàng xuất khẩu,...

"Do vậy, việc hoàn thiện hạ tầng hệ thống logistics phục vụ sản xuất, tiêu thụ tại địa phương và xuất khẩu có ý nghĩa hết sức quan trọng cần được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo đòn bẩy cho hoạt động thương mại dịch vụ và xuất khẩu hàng hóa, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm của tỉnh" - ông Minh nói.

Hiện đại hoá các hoạt động logistics - ''chìa khoá'' thúc đẩy giao thương xuất nhập khẩu
Lãnh đạo Bộ Công Thương cùng đại diện các địa phương tham quan các gian hàng tại hội nghị. Ảnh: Moit

Để khắc phục khó khăn, hiện đại hoá các hoạt động logistics, hỗ trợ và thúc đẩy giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa, đại diện các địa phương kiến nghị lãnh đạo Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, xem xét hỗ trợ địa phương thực hiện một số nội dung sau: Xem xét tham mưu Chính phủ xây dựng, ban hành các chính sách cần thiết để phát triển dịch vụ logistics tại các địa phương, các vùng trên cả nước; tiếp tục cập nhật, hoàn thiện khung pháp lý phát triển dịch vụ logistics gắn với trách nhiệm quản lý nhà nước các bộ ngành, địa phương.

Đồng thời, chủ trì tổ chức các Hội nghị kết nối các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham dịch vụ logistics. Hỗ trợ các địa phương đào tạo nguồn nhân lực với đội ngũ chuyên nghiệp, chuyên sâu phục vụ trong hoạt động logistics.

Về phía Khánh Hoà, lãnh đạo Sở kiến nghị Bộ Công Thương kết nối, đẩy mạnh thu hút tập đoàn, doanh nghiệp lớn có uy tín, năng lực đầu tư, phát triển Trung tâm logistics tại khu vực Vân Phong và thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa nhằm mở rộng thị trường ô tô phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng; bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tỉnh Khánh Hòa.

Đỗ Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục