Hibeco Group: Hãng bia 30 năm quyết 'thay áo' chờ 'đổi vận'

(Banker.vn) 'Chuyện buồn' cứ nối tiếp ập tới doanh nghiệp gia đình bà Phạm Thị Tỵ. Liệu rằng, vận may có mỉm cười với Hibeco Group của những đại gia ở thành phố Hải Dương?
HABECO tưng bừng khai trương giới thiệu sản phẩm tại Hoa Kỳ Thanh tra phòng, chống tham nhũng tại Habeco và Tổng công ty Giấy Việt Nam Bộ trưởng Nông nghiệp Cộng hoà Séc đến thăm và làm việc tại HABECO

Hibeco Group là tên giao dịch của Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia rượu nước giải khát Hưng Yên - Hà Nội, chủ sở hữu của loạt thương hiệu bia khu vực phía Bắc, bao gồm: bia Việt Á, bia hơi Dragon, Viabeco, bia lon Ocean, Staromost... Dù không được nhiều người ưa chuộng như các hãng bia "quốc dân" Habeco và Halida, song, việc khai thác thị trường ngách của Hibeco vẫn mang về những thành công nhất định. Trong đó, doanh nghiệp tập trung, chú trọng phát triển ở hai địa phương là Hải DươngHưng Yên.

Đối với người dân tỉnh, thành phố khác, thương hiệu Hibeco Group còn rất xa lạ, mới mẻ. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã có tuổi nghề trên 30 năm, thuộc diện "cây đa, cây đề" trong lĩnh vực sản xuất bia rượu, nước giải khát.

Hibeco Group: Hãng bia 30 năm quyết 'thay áo' chờ 'đổi vận'

Trung tuần tháng 6/2024, Hibeco Group và Công ty Beckent - Bauer, một hãng bia non trẻ đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện (Ảnh: Hibeco.com.vn)

Theo tìm hiểu của Báo Công Thương, Hibeco Group là pháp nhân chưa tròn 1 tuổi, được lập ngày 19/9/2023, trên cơ sở đơn vị kế tục sự nghiệp cho Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Quốc tế (viết tắt là Công ty Thực phẩm Quốc tế), có trụ sở tại thôn Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Sự ra đời của Công ty Thực phẩm Quốc tế khởi nguồn từ một cơ sở sản xuất nhỏ ở thành phố Hải Dương hồi năm 1989, do bà Phạm Thị Tỵ là người sáng lập, trực tiếp chỉ đạo điều hành.

Bà Phạm Thị Tỵ xuất thân là cán bộ ngân hàng, và sau nhiều năm cống hiến cho ngành ngân hàng, bà nghỉ hưu ở độ tuổi 50. Khi ấy, bà mới bắt đầu có thời gian tập trung cho công việc kinh doanh riêng, vừa nhằm thỏa mãn niềm đam mê ấp ủ bấy lâu, vừa cải thiện năng lực kinh tế cho gia đình. Nhờ sự hỗ trợ và động viên của người đồng hương - ông Bùi Quang Hưng, bà Tỵ đã nhanh chóng mở rộng quy mô hoạt động, di dời "đại bản doanh" từ nơi cư trú trên đường Ngô Quyền, phường Thanh Bình (thành phố Hải Dương) sang Khu công nghiệp Phố Núi A (Hưng Yên) để đáp ứng yêu cầu phát triển mới.

Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Quốc tế theo đó được hình thành, đem tới cho thị trường những nhãn hiệu bia mới lạ như bia Việt Á, Dragon, Special... Số vốn điều lệ của họ hiện đạt 25 tỷ đồng.

Hơn 30 năm hoạt động, công sức của bà Phạm Thị Tỵ, có thể nói đã được đền đáp xứng đáng. Doanh nghiệp lớn mạnh, còn bà được khen ngợi là người phụ nữ "thép" trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bia rượu và nước giải khát. Và, xuyên suốt hành trình biến giấc mơ "Mang đến những đồ uống chất lượng nhất cho người Việt" thành hiện thực, bà Tỵ luôn có cho mình sự sát cánh của 3 người con là ông Lưu Minh Dũng (SN 1963), ông Lưu Anh Tuấn (SN 1968) và bà Lưu Thị Cẩm Thúy (SN 1966).

Ông Lưu Anh Tuấn được bà Tỵ giao làm người đại diện theo pháp luật của Công ty Thực phẩm Quốc tế, ông Lưu Minh Dũng làm Giám đốc điều hành, bà Lưu Thị Cẩm Thúy thì phụ trách công việc thu - chi, dòng tiền ra vào trong cơ quan trên cương vị Kế toán trưởng. Phu quân của bà Lưu Thị Cẩm Thúy, ông Nguyễn Quốc Khánh (SN 1959) là người đứng tên sở hữu 10% cổ phần doanh nghiệp, 90% thuộc về ông Lưu Minh Dũng, tính đến trước tháng 7/2022.

Sau đó, cổ phần Công ty Thực phẩm Quốc tế được phân chia cho các thành viên khác trong gia đình, có phẩm chất, năng lực phù hợp, cũng góp sức trong sự phát triển chung như ông Lưu Thành Đạt (SN 1994, sở hữu 15%), ông Lưu Mạnh Toán (SN 1962, giữ 7%), bà Trần Thị Hoa (SN 1967, giữ 25%), ông Lưu Anh Tuấn giữ 33% và bà Lưu Thị Cẩm Thúy giữ 20%.

"Chuyện buồn" nối tiếp

Có lẽ, như bao nhà sản xuất bia rượu khác, mục đích cuối cùng mà gia đình bà Phạm Thị Tỵ hướng tới là làm sao nâng tầm doanh nghiệp thành một thương hiệu vững mạnh, thâm nhập, phủ sóng trên khắp các thị trường lớn giàu tiềm năng và màu mỡ, thay vì co cụm trong thị trường ngách vốn chật chội và thiếu cơ hội. Habeco - "tượng đài" trong làng kinh doanh bia rượu nội địa, từng nắm thị phần lớn nhất phía Bắc vừa là đối thủ, nhưng cũng vừa là "thần tượng" của họ.

Điều này thể hiện khá rõ qua việc họ gần như xóa bỏ cái tên Công ty Thực phẩm Quốc tế đã sử dụng hơn 2 thập kỷ, và khoác lên mình thương hiệu Hibeco (hoặc Hubeco) từ năm 2023. Bên cạnh đó, họ cũng không che giấu sự ngưỡng mộ đối với hãng bia "biểu tượng ngành bia Bắc Bộ" đến nỗi cố ý làm "nhái" sản phẩm của Habeco và không may bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý hành chính vào năm 2020.

Hibeco Group: Hãng bia 30 năm quyết 'thay áo' chờ 'đổi vận'
Công ty Thực phẩm Quốc tế cố ý làm nhái sản phẩm của Habeco và không may bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý hành chính vào năm 2020 (Ảnh minh họa)

Cụ thể, từ tháng 1/2019 tới thời điểm chính quyền tỉnh thực hiện kiểm tra năm 2020, sự việc Công ty Thực phẩm Quốc tế sản xuất bia hơi, bia tươi rồi đóng vào các keg mang nhãn hiệu "Bia Dragon Hà Nội", "Hà Nội Beer", "Special Hà Nội bia", "Bia tươi Hà Nội Dragon" đã bị bại lộ. Cơ quan chức năng xác định, tổng giá trị tang vật vi phạm gần 300 triệu đồng, là hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền đối với nhãn hiệu "Bia Hà Nội" đã được bảo hộ của Habeco.

Vậy nhưng, dư luận cho rằng mức độ xử lý của chính quyền tỉnh bấy giờ khá nhẹ tay, khi nhà sản xuất bia "nhái" chỉ bị phạt tiền 190 triệu đồng, buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu của Habeco.

Đây không phải lần duy nhất doanh nghiệp của gia đình bà Phạm Thị Tỵ bị xử phạt hành chính. Ngay trước vụ việc "treo đầu dê, bán thịt chó" kể trên, hồi tháng 1/2019, với hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải, Công ty Thực phẩm Quốc tế cũng đã bị UBND tỉnh Hưng Yên phạt hành chính với số tiền 108 triệu đồng.

"Chuyện buồn" cứ nối tiếp tìm đến Công ty Thực phẩm Quốc tế. Trong năm "đại hạn" 2020, ở quê nhà Hải Dương, UBND tỉnh ra quyết định "khai tử" dự án Khu dịch vụ khách sạn cao cấp Thành Đông và thu hồi lại khu đất rộng 1ha, do Công ty Thực phẩm Quốc tế làm chủ đầu tư. Dự án này chỉ nằm cách vài bước chân so với "cứ điểm" Ngô Quyền, phường Thanh Bình của gia đình bà Phạm Thị Tỵ.

Nguyên nhân là vì dự án đã ròng rã "đắp chiếu", không được triển khai. Mặc dù được tỉnh cho thuê đất từ năm 2004 nhưng sau 16 năm, dự án vẫn chỉ là một khung nhà xây dựng dở dang xuống cấp, thô ráp và xám xịt, trơ gan cùng tuế nguyệt trên khu đất đô thị có mặt tiền "đắc địa" thành phố Hải Dương. Sau khi UBND chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi đất giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho doanh nghiệp, khu đất đã được giao về cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý theo quy định.

Khoản lỗ gây lo lắng cho chủ nợ

Năm 2020, "đại dịch" hoành hành còn gây khó khăn, thiệt hại lên hoạt động kinh doanh của Công ty Thực phẩm Quốc tế. Theo tài liệu của Báo Công Thương, doanh thu bán hàng của họ chao đảo trong cơn khủng hoảng này, giảm mạnh từ 40,7 tỷ đồng xuống 12,2 tỷ đồng, thấp hơn 70% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhiều khả năng, việc bại lộ "chiến lược" làm "nhái" sản phẩm của Habeco cũng góp phần làm "thụt lùi" doanh số trong năm này.

Sang năm 2021, khi sự việc đáng tiếc đã giải quyết ổn thỏa, đồng thời doanh nghiệp cũng thích nghi được với tình hình kinh doanh mới, doanh thu của Công ty Thực phẩm Quốc tế có bước cải thiện rõ rệt, tăng cao lên 30,8 tỷ đồng và duy trì ở mức 24,6 tỷ đồng năm 2022 và 26,5 tỷ đồng vào năm 2023. Giải bài toán tìm nguồn thu, nhưng khó khăn chưa được đẩy lùi, doanh nghiệp của bà Phạm Thị Tỵ tiếp tục đối diện với thử thách lớn, đó là khoản lỗ kỷ lục gần 34 tỷ đồng ghi nhận trong năm ngoái.

Nhìn khái quát, trong suốt hơn 20 năm thành lập, Công ty Thực phẩm Quốc tế chủ yếu hoạt động thiếu hiệu quả, thường xuyên thua lỗ hoặc nếu có lãi thì rất ít, không đáng kể. Số liệu tính đến hết năm 2022 cho thấy, tổng lỗ lũy kế của họ là hơn 13 tỷ đồng, qua đó "bào mòn" vốn chủ sở hữu xuống 11,7 tỷ đồng (vốn điều lệ 25 tỷ đồng). Thực tế này cho thấy có dấu hiệu "lạ", bởi nếu liên tục lỗ hoặc lãi "lẹt đẹt", thông thường doanh nghiệp sẽ khó có thể tồn tại được như hiện nay, chứ chưa nói đến chuyện mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chưa dừng lại ở đó, năm ngoái, Công ty Thực phẩm Quốc tế đột nhiên nộp lên cơ quan quản lý nhà nước số lỗ sau thuế suýt soát 33,9 tỷ đồng, cao bất thường khi năm 2022 trước đó vẫn có lãi 113 triệu đồng, và doanh thu thì không xuất hiện sự chênh lệch đáng chú ý (24,6 tỷ đồng và 26,5 tỷ đồng). Hệ quả là toàn bộ vốn góp của cổ đông đã bị xóa sạch, thậm chí, họ bị âm ngược lại 22,1 tỷ đồng.

Trước nỗi buồn của các thành viên gia đình bà Phạm Thị Tỵ, các chủ nợ, đối tác mà Công ty Thực phẩm Quốc tế đang phát sinh công nợ cũng không khỏi lo lắng, bị ảnh hưởng nhất định. Giữa bối cảnh âm vốn chủ sở hữu hơn 22 tỷ đồng, nên nhớ, hãng bia này đang gánh trên vai cả 110 tỷ đồng nợ phải trả, gây áp lực lớn lên khả năng thanh toán, duy trì vận hành. Nói nôm na, toàn bộ tài sản 88 tỷ đồng của Công ty Thực phẩm Quốc tế, từ hàng tồn kho, giá trị máy móc, nhà máy sản xuất sau khấu hao, hay các khoản tiền mặt... đều không đủ chi trả cho các khoản nợ nần.

Hibeco Group: Hãng bia 30 năm quyết 'thay áo' chờ 'đổi vận'
Khoản lỗ đáng suy ngẫm của Công ty Thực phẩm Quốc tế năm 2023 (Đồ thị: Hoa Đông)

Trong đó, Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Hưng Yên là bên "sốt ruột" nhất, khi cấp tín dụng cho Công ty Thực phẩm Quốc tế thông qua các tài sản thế chấp như hệ thống máy móc thiết bị được hình thành từ dự án “Đầu tư nâng cấp hệ thống đóng gói” theo Hợp đồng mua bán thiết bị số II.CNTP/ĐT ngày 03/11/2020 giữa Công ty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Quốc tế và Công ty TNHH Cơ khí Đắc Thành; hệ thống máy móc sản xuất bia; hệ thống máy thanh trùng nhanh bia và bài khí công suất...

Phải chăng, tình hình kinh doanh của Công ty Thực phẩm Quốc tế đáng báo động, cận kề bờ vực phá sản, hay đơn giản khoản lỗ bất thường năm 2023 chỉ là một công cụ tài chính được giới chủ sử dụng với mục đích khác, phục vụ cho sự ra đời của Hibeco Group vào tháng 9/2023!? Dù sự thật đằng sau là gì, thì việc Công ty Thực phẩm Quốc tế báo lỗ đã trực tiếp ảnh hưởng đến khoản nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Ngân sách Nhà nước. Thiết nghĩ, các cơ quan thuế, quản lý nhà nước cần vào cuộc thanh kiểm tra, làm rõ những nghi ngại về việc nâng khống chi phí đầu vào sản xuất cao hơn nhiều so với thực tế, từ đó kéo giảm lợi nhuận ở doanh nghiệp này.

Trong "hệ sinh thái" của gia đình bà Phạm Thị Tỵ, ngoài Công ty Thực phẩm Quốc tế và mới đây là Hibeco Group, một doanh nghiệp lớn khác là Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công (Công ty Thành Công), thành lập vào ngày 3/2/2000, cũng có mối quan hệ khá chặt chẽ.

Doanh nghiệp này là thành quả sau nhiều năm vất vả thương trường của vợ chồng doanh nhân Lê Văn Định (SN 1962) và Nguyễn Thị Tâm Hoa (SN 1963), cùng xuất thân từ tỉnh Hải Dương. Công ty Thành Công có vai vế trên thị trường sản phẩm xi măng tỉnh nhà, đồng thời, nổi danh là chủ đầu tư của một số dự án nhà ở như khu đô thị mới Lạc Long (thị xã Kinh Môn), khu đô thị mới Trạm Bóng (huyện Gia Lộc) và khu đô thị sinh thái Thành Công (thị xã Kinh Môn)...

Hoa Đông

Theo: Báo Công Thương