HDBank "bạo chi" 2.600 tỷ đồng mua lại 2 lô trái phiếu trước hạn

(Banker.vn) Ngày 4/6, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hà Nội (HNX) đã công bố kết quả mua lại trái phiếu trước hạn của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDBank, HOSE: HDB).

Theo đó, trong hai ngày 30 và 31/5/2024, HDBank đã mua lại toàn bộ 1.500 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của lô trái phiếu mã HDBL2225002 và 1.100 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của lô trái phiếu mã HDBL2225003.

HDBank
Ngân hàng TMCP Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDBank, HOSE: HDB).

Lô trái phiếu HDBL2225002 được phát hành ngày 30/5/2022 với thời hạn 3 năm, tương ứng ngày hết hạn trái phiếu là 30/5/2025. Còn lô trái phiếu HDBL2225003 được phát hành vào ngày 31/5/2022 với thời hạn tương tự.

Được biết, đây là 2 lô trái phiếu đầu tiên được HDBank thực hiện mua lại trong năm 2024, như vậy tổng khối lượng trái phiếu mà ngân hàng đã mua lại từ đầu năm đến nay là 2.600 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, HDBank cũng thành công huy động lô trái phiếu HDBL2427001 vào ngày 9/5/2024. Khối lượng trái phiếu là 2.000 tỷ đồng, ngày đáo hạn là 9/5/2027 với lãi suất trái phiếu là 4,8%.

Về tình hình kinh doanh tại HDBank, theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024, ngân hàng ghi nhận hơn 7.160 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng tới 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, trở thành động lực tăng trưởng chính trong kết quả kinh doanh quý đầu năm của ngân hàng này.

Đối với các nguồn thu ngoài lãi thì kết quả không tăng trưởng đồng nhất. Cụ thể, lãi từ dịch vụ của HDBank đã giảm 47%, còn gần 357 tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối báo lãi gần 175 tỷ đồng, so với mức lỗ hơn 49 tỷ đồng trong quý 1/2023.

Về phía chi phí phát sinh, chi phí hoạt động của Ngân hàng HDBank trong quý 1/2024 đã tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.455 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí cho nhân viên và các hoạt động quản lý tăng lên.

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng tới 33% do ngân hàng này trích lập dự phòng thêm gần 314 tỷ đồng, đạt gần 1.270 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi trừ đi các khoản chi phí, HDBank vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong quý 1/2024 tăng tới 47%, đạt 4.028 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau 3 tháng đầu năm, ngân hàng này đã hoàn thành 25% mục tiêu lợi nhuận cho cả năm 2024.

Tính đến cuối quý 1/2024, tổng tài sản của Ngân hàng HDBank đi ngang so với hồi đầu năm, duy trì ở mức 602.552 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 6%, đạt 363.449 tỷ đồng, chủ yếu là cho vay hộ kinh doanh và cá nhân.

Về chất lượng tài sản, tính đến cuối quý 1/2024, tổng nợ xấu của HDBank đạt 8.062 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu theo đó cũng tăng từ mức 1,79% hồi đầu năm lên mức 2,22% vào cuối quý 1/2024. Ngân hàng HDBank hiện đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu cả năm nay ở dưới mức 2%.

Về chiến lược kinh doanh năm nay, Tổng Giám đốc HDBank cho biết, Ngân hàng chủ trương đẩy mạnh cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong các ngành, lĩnh vực là động lực của nền kinh tế như: Nông nghiệp nông thôn, tín dụng xanh, sản xuất kinh doanh, năng lượng tái tạo, các hoạt động cho vay dự án giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải CO2, xử lý/tái chế rác bên cạnh phát huy vị thế dẫn đầu về tài trợ chuỗi.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 4/6, cổ phiếu HDB đóng cửa ở mức 23.950 đồng/cp, tăng 20% so với thời điểm hồi đầu năm.

Ngân hàng nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém được lợi gì?

Sau hơn chục năm kéo dài tình trạng yếu kém, các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt sẽ được “xử lý” trong năm nay ...

Điểm mặt 3 ngân hàng có lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cao nhất hiện nay

Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng ở điều kiện thường trong hệ thống ngân hàng dao động từ 4,4 - 5,7%/năm. Dưới đây ...

Cao Hậu

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục