Công ty CP Sữa Quốc tế LOF (UPCoM: IDP) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với kết quả kinh doanh tích cực. Cụ thể, trong quý III/2024, Sữa Quốc tế LOF ghi nhận đạt 2.048 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp công ty thu về đạt 835 tỷ đồng, tăng 23%.
Sau 9 tháng, Sữa Quốc tế LOF đang tiến rất gần đến việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2024 khi đã hoàn thành 95% mục tiêu đề ra. |
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính cũng tăng mạnh 33%, lên mức 48 tỷ đồng. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, các khoản chi phí cũng đồng loạt gia tăng. Trong đó, chi phí bán hàng tăng mạnh nhất (tăng 32%), lên mức 425 tỷ đồng, tiếp đến là chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí tài chính lần lượt tăng 24% và 11%, lên mức 63 tỷ đồng và 20 tỷ đồng.
Kết quả, sau khi trừ các chi phí hoạt động và thuế, công ty ghi nhận lãi sau thuế gần 300 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận cao nhất theo quý trong lịch sử hoạt động của Sữa Quốc tế LOF.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, công ty đạt 5.563 tỷ đồng doanh thu thuần và 811 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 12% và 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, Sữa Quốc tế LOF đang tiến rất gần đến việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2024 khi đã hoàn thành 95% mục tiêu đề ra.
Tính đến cuối quý III/2024, quy mô tài sản của Sữa Quốc tế LOF đạt 6.282 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Công ty hiện có 1.982 tỷ đồng tiền, khoản tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng, giúp tạo ra 69 tỷ đồng tiền lãi trong 9 tháng đầu năm. Hàng tồn kho của công ty cũng tăng 15%, đạt 500 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chi phí xây dựng dở dang của Sữa Quốc tế đã tăng 77% lên 1.054 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu là do công ty đang đầu tư vào dự án Nhà máy sữa tại Bình Dương. Dự án này có quy mô 2.800 tỷ đồng và công suất khoảng 300.000 tấn sản phẩm/năm, dự kiến đi vào hoạt động từ quý I/2025.
Về nợ vay, Sữa Quốc tế ghi nhận dư nợ tài chính cuối quý III ở mức 1.468 tỷ đồng, phần lớn là nợ vay ngắn hạn. Vào cuối tháng 8 vừa qua, Sữa Quốc tế Lof đã đề ra hạn mức tín dụng 700 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), 600 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), 800 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank).
Sữa Quốc tế LOF cho biết, mục đích vay vốn là để bổ sung vốn lưu động, phát hành bảo lãnh, thư tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm sữa và từ sữa trong giai đoạn 2024-2025.
Được biết, Công ty CP Sữa Quốc tế LOF tiền thân là Công ty CP Sữa Quốc tế IDP, doanh nghiệp mới chỉ đổi tên hồi tháng tháng 7 vừa qua. Trụ sở chính của công ty cũng được chuyển từ Hà Nội đến Khu công nghiệp Bàu Bàng, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.
Về dài hạn, Sữa Quốc tế LOF đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp có doanh thu đạt 1 tỷ USD. Tại lễ công bố đổi tên, Tổng giám đốc Bùi Hoàng Sang chia sẻ rằng công ty đang hướng đến việc tăng gấp đôi doanh số trong 5 năm tới và kỳ vọng sẽ lọt vào danh sách các công ty Việt Nam có doanh thu tỷ USD trong tương lai.
Nam Long (NLG) chuẩn bị bàn giao dự án Akari City, kỳ vọng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024 của Nam Long (NLG) bị ảnh hưởng bởi tiến độ bàn giao các dự án chậm ... |
Lợi nhuận Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC) 'lao dốc' dù doanh thu tăng vọt Công ty CP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC) ghi nhận doanh thu tăng 33,3% trong quý III/2024, nhưng lợi nhuận sau ... |
Phạm Hường