Hậu biến cố, LDG “xin khất” thanh toán gần 190 tỷ đồng tiền gốc, lãi trái phiếu

(Banker.vn) Kinh doanh thua lỗ, thâm hụt vốn, LDG tiếp tục không thể trả lãi và gốc trái phiếu đúng hạn cho trái chủ.

Mới đây, Công ty CP Đầu tư LDG (HOSE: LDG) đã tiến hành công bố thông tin bất thường về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Theo đó, doanh nghiệp này phải trả 186,4 tỷ đồng tiền gốc và hơn 1,8 tỷ đồng tiền lãi của lô trái phiếu mang mã LDGH2123002 vào ngày 11/12/2023 nhưng chưa thể thực hiện. Lý do được đưa ra là công ty đang sắp xếp dòng tiền và cần thời gian để thanh toán.

Hậu biến cố, LDG “xin khất” thanh toán gần 190 tỷ đồng tiền gốc, lãi trái phiếu
Báo cáo của LDG về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu

LDG cho biết dự kiến sẽ trả hơn 1,8 tỷ đồng tiền lãi của lô trái phiếu này trong tháng 3/2024 và sẽ thanh toán 186,4 tỷ đồng tiền gốc thành hai đợt. Trong đó, 40% sẽ được chi trả vào tháng 2/2024 và 60% còn lại sẽ được thanh toán vào tháng 3/2024.

Đáng chú ý, trước đó, báo cáo tình hình thanh toán gốc và lãi trái phiếu nửa đầu năm 2023 ghi nhận, LDG cũng chưa thanh toán lãi lô trái phiếu mã LDGH2123002 cho trái chủ. Tổng số tiền lãi phải thanh toán đến hạn khoảng 16,4 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp này chỉ mới chi trả gần 1,9 tỷ. Giải trình về việc không thanh toán lãi trái phiếu đến hạn, LDG cho biết công ty đang sắp xếp nguồn và đang thông báo kế hoạch trả nợ.

Theo tìm hiểu, lô trái phiếu mã LDGH2123002 được phát hành ngày 10/12/2021, có kỳ hạn 24 tháng và mệnh giá là 400 tỷ đồng. Mục đích phát hành để tăng quy mô vốn hoạt động, lãi suất năm đầu tiên là 11,5%/năm, trả lãi 1 tháng/lần.

Về tình hình tài chính, báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 của LDG ghi nhận, tại ngày 30/9/2023, tổng nợ phải trả đạt hơn 4.558 tỷ đồng, gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay tài chính là 1.332 tỷ đồng, chủ yếu là vay từ các ngân hàng trong nước. Chín tháng đầu năm, doanh nghiệp này đã đi vay gần 294 tỷ đồng và trả nợ gốc 190 tỷ.

Về tình hình kinh doanh, kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của LDG chỉ đạt vỏn vẹn 486 triệu đồng. Lợi nhuận sau thuế theo đó âm 209 tỷ đồng. Kết quả này khiến mục tiêu thu về 1.448 tỷ đồng doanh thu và 3,9 tỷ lợi nhuận sau thuế cả năm của doanh nghiệp trở nên hoàn toàn bất khả thi.

Không chỉ kinh doanh thua lỗ, trong 9 tháng đầu năm 2023, LDG còn tiếp tục mô hình thâm hụt vốn. Trong đó, dòng tiền kinh doanh chính âm 57,8 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 143,2 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 2,34 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 103,98 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh. Trước đó, LDG đã có 4 năm liền ghi nhận dòng tiền âm.

Hậu biến cố, LDG “xin khất” thanh toán gần 190 tỷ đồng tiền gốc, lãi trái phiếu
Kinh doanh thua lỗ, thâm hụt vốn, LDG tiếp tục không thể trả lãi và gốc trái phiếu đúng hạn cho trái chủ

Trong một diễn biến khác, ngày 18/12/2023, LDG đã bổ nhiệm các vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc mới sau khi ông Nguyễn Khánh Hưng bị bắt. Theo đó, ông Ngô Văn Minh được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT, còn chức vụ Tổng giám đốc được giao lại cho ông Trần Công Luận.

Trước đó, cuối tháng 11/2023, ông Nguyễn Khánh Hưng, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của LDG đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai bắt tạm giam để điều tra hành vi “Lừa dối khách hàng” theo quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự. Động thái này được thực hiện sau khi cơ quan chức năng mở rộng điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Dự án Khu dân cư Tân Thịnh, xã Đồi 61, huyện Trảng Bom.

Về dự án Khu dân cư Tân Thịnh, hay còn được biết đến với tên thương mại là Viva Park, với quy mô hơn 18ha với tổng mức đầu tư 1.290 tỷ đồng, dự án từng được LDG quảng cáo là khu đô thị thông minh đầu tiên tại Việt Nam sử dụng hệ thống điện thông minh và năng lượng sạch. Ra mắt cuối năm 2018, chỉ vài tháng sau khi ông Hưng công bố kế hoạch 5 năm của LDG, với việc thu hút hàng trăm lượt khách từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội đổ về giao dịch, dự án này được kỳ vọng sẽ tạo ra trợ lực quan trọng, giúp LDG khởi đầu hành trình chinh phục mục tiêu trở thành doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam với quy mô 1,3 tỷ USD vào năm 2022.

Tuy nhiên, kể từ năm 2020, dự án liên tục dính lùm xùm và thường xuyên phải “đón” các đoàn thanh tra. Kết luận ban đầu của Thanh tra tỉnh Đồng Nai xác định, dù chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và chưa được cấp giấy phép xây dựng để thực hiện đầu tư dự án, song LDG đã tổ chức thi công 680 căn nhà (198 căn biệt thự, 290 căn nhà liên kế đã thi công xong và 192 căn đang thi công dang dở) cùng hệ thống đường giao thông, cấp thoát nước, điện, xử lý nước thải, công viên cây xanh. Trong khi dự án chưa đủ điều kiện bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật, LDG đã ký hợp đồng nguyên tắc mua bán nhà cùng 60 khách hàng, với số tiền hơn 132 tỷ đồng. Các khách hàng đã thanh toán từ 25-95% giá trị hợp đồng và có 7 hộ chuyển đến sinh sống.

Tại ngày 30/9/2023, Khu dân cư Tân Thịnh đang là dự án tồn kho lớn nhất của LDG với giá trị lên đến với 464,23 tỷ đồng, tương ứng 37,8% tổng giá trị tồn kho.

LDG có động thái mới sau cú “sa chân” của ông Nguyễn Khánh Hưng: Bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc mới

Gần 3 tuần sau khi Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khánh Hưng bị bắt tạm giam để điều tra “tội lừa dối khách hàng”, LDG đã ...

Toàn cảnh dự án Khu dân cư Tân Thịnh khiến Chủ tịch LDG Nguyễn Khánh Hưng vướng vòng lao lý

Ra mắt vào năm 2018, dự án Khu đô thị Tân Thịnh được quảng cáo là khu đô thị thông minh đầu tiên tại Việt ...

Cổ phiếu LDG dưới thời Chủ tịch Nguyễn Khánh Hưng: Từ “pha loãng” đến “sạch bóng” cổ đông lớn

Từ một cơ cấu cổ đông cô đặc vào thời điểm mới lên sàn, dưới thời ông Nguyễn Khánh Hưng, cổ phiếu LDG dần bị ...

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục