Hạt lạc - "thần dược" từ thiên nhiên

(Banker.vn) Lạc là loại thực phẩm có hạt phổ biến, được gọi là "thần dược" ngũ cốc. Hạt lạc chứa rất nhiều chất dinh dưỡng như chất béo,lecithin, protein, axit amin...
Xu hướng phát triển bền vững trong ngành thực phẩm và đồ uống Hướng dẫn cách lựa chọn và sử dụng bánh trung thu an toàn Miền Trung có kho lưu trữ thực phẩm cho người nghèo, người yếu thế

Các lợi ích của hạt lạc

Chống lão hóa

Một trong những tác dụng của lạc là chống lão hóa, bởi loại hạt này rất giàu resveratrol, sắt và catechin. Công dụng của những chất này bao gồm làm chậm tốc độ lão hóa của tế bào, đồng thời có thể chống lại quá trình oxy hóa và loại bỏ các gốc tự do trong cơ thể, giúp duy trì tình trạng da tốt.

Loại hạt bổ dưỡng được mệnh danh là “nhân sâm”
Lạc rất tốt cho sức khỏe

Bổ sung canxi

Theo sự gia tăng của tuổi tác, tốc độ mất canxi càng nhanh, nếu không bổ sung canxi, cơ thể sẽ dễ bị loãng xương. Do vậy, người trung niên và người cao tuổi nên ăn lạc với số lượng nhất định để hấp thụ canxi, giúp đạt được hiệu quả ngăn ngừa sự xuất hiện của các bệnh về xương.

Bảo vệ dạ dày

Người đau dạ dày có thể thỉnh thoảng ăn một ít lạc, bởi trong lạc có rất nhiều protein có thể trung hòa axit dịch vị, đồng thời cũng giàu phospholipid, giúp thúc đẩy quá trình bài tiết gastrin trong cơ thể, đặc biệt là niêm mạc ruột non, do đó ức chế tiết axit dịch vị.

Hàm lượng mô xơ và dầu béo trong hạt lạc (đậu phộng) tương đối cao. Chức năng của những chất này là bôi trơn đường ruột, thúc đẩy quá trình bài tiết chất chuyển hóa, từ đó ngăn ngừa táo bón, giảm xác suất ung thư đường ruột.

4 nhóm người sau đây không nên ăn quá nhiều:

Người đã cắt bỏ túi mật

Trong trường hợp bệnh túi mật nghiêm trọng, khiến bạn phải cắt bỏ túi mật, bạn không nên ăn lạc. Loại hạt này chứa nhiều chất béo, trong khi việc cắt bỏ túi mật khiến dịch mật tiết ra ít hơn, nếu ăn nhiều lạc sẽ làm tăng gánh nặng cho gan.

Người bị bệnh gút

Lạc là loại thực phẩm có hàm lượng purin trung bình, dễ làm tăng nồng độ axit uric sau khi vào cơ thể con người. Do đó, khi bị gút, bạn không nên ăn lạc.

Người bệnh tiểu đường

Hàm lượng đường trong lạc tuy không cao nhưng hàm lượng chất béo cao, nếu không xử lý kịp thời sẽ chuyển hóa thành đường, không có lợi cho việc ổn định lượng đường trong máu.

Người bị bệnh dạ dày ruột mãn tính

Đối với những người mắc các bệnh như thủng dạ dày, loét dạ dày cũng nên tránh ăn lạc, bởi vì lạc có hàm lượng calo cao, sau khi nhai, vụn lạc sẽ bám vào thành dạ dày, ảnh hưởng đến quá trình lành vết loét.

Lạc quả thực là một loại thực phẩm quý, đặc biệt khi ăn đúng cách, bạn có thể nhận được những lợi ích bảo vệ đường tiêu hóa, bổ sung canxi và chống lão hóa nêu trên.

Tuyệt đối không ăn lạc mốc

Có một loại độc tố mà bạn hẳn đã nghe nói đến, được gọi là aflatoxin. Đây gần như là chất độc hại nhất trên thế giới. Aflatoxin có thể gây tổn thương gan trong trường hợp nhẹ và gây ra các tổn thương ác tính ở gan, chẳng hạn như ung thư gan, nếu hàm lượng cao hơn có thể gây tử vong.

Aflatoxin độc hại như thế nào? Mọi người đều biết rằng kali xyanua có độc tính cao và aflatoxin độc gấp 10 lần so với kali xyanua. Asen cũng có độc tính cao, độc tính của aflatoxin cao gấp 68 lần so với asen.

Aflatoxin rất dễ hình thành trong đậu phộng mốc, bởi thành phần và cấu trúc của đậu phộng đặc biệt thích hợp cho sự phát triển và sinh sản của aflatoxin. Đặc biệt, cần lưu ý, chiên hoặc sấy đơn giản là vô ích và không thể loại bỏ aflatoxin. Sức sống của aflatoxin rất mạnh, nhiệt không thể tiêu diệt được. Ngoài ra, nếu thời gian chiên, quay hạt lạc quá lâu với nhiệt độ cao, aflatoxin có thể bị tiêu trừ nhưng các thành phần khác có hại cho cơ thể sẽ được hình thành.

Trên thực tế, aflatoxin sợ nhất chính là nước. Nếu bạn luộc lạc mốc trong nước thì hơn 90% aflatoxin sẽ bị tiêu diệt, nhưng vẫn có khả năng aflatoxin còn sót lại. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, nếu hạt lạc được bảo quản bị mốc hoặc đổi màu một chút, đừng ăn chúng.

Một số bài thuốc từ hạt lạc

Trong đông y, hạt lạc có tính bình, vị ngọt béo, tác dụng nhuận phế, hòa vị, trừ đàm, chỉ huyết, chủ yếu dùng để chữa ho khan, ít sữa, thiếu máu, thiếu tiểu cầu, bệnh dạ dày mạn tính, viêm thận mạn, cước khí.

Hạt lạc còn có thể sử dụng làm nhiều món ăn, bài thuốc chữa bệnh rất tốt:

Lạc nấu canh gân bò: Gân chân bò 100g, lạc cả vỏ lụa 100-150g, cùng đem hầm cho nhừ nhuyễn lạc là ăn được. Bài thuốc này có tác dụng bổ huyết khí, hoặc cũng có thế dùng xương sống lợn hầm lạc cả vỏ lụa, ngày dùng một lần cũng có tác dụng sinh huyết, bổ huyết.

Phụ nữ sau sinh có thể dùng lạc cả vỏ lụa, nấm hương, chân giò hầm nhừ ngày ăn 1-2 ngày/lần để nhiều sữa.

Người đau dạ dày, tá tràng có thể dùng lạc nhân 30g, ngâm nước 30 phút sau đó giã nát, rồi cho 200ml mật ong vào trộn đều, uống trước khi ngủ.

Khi ăn lạc cũng cần lưu ý một số điều:

- Không cho trẻ nhỏ ăn lạc vì dễ bị đi vào đường thở, nguy hiểm tính mạng.

- Người dị ứng không ăn lạc, đây là loại ngũ cốc dễ gây dị ứng. Các triệu chứng bao gồm nôn mửa, tiêu chảy, phù mạch (sưng), cấp tính đau bụng, chàm dị ứng trầm trọng, hen suyễn, và trong trường hợp xấu nhất là sốc phản vệ.

- Người thể hàn, tiêu chảy không ăn lạc, nếu dùng quá liều có thể gây tiêu chảy, hoặc khiến mắt, miệng, hoặc mũi bị khô. Người nhuận tràng, đại tiện lỏng do hàn thấp ứ trệ, không nên dùng lạc.

Lê Nguyệt

Theo: Báo Công Thương