Hành động trách nhiệm, đồng hành và chia sẻ để hỗ trợ khách hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh vượt khó qua đại dịch COVID-19

(Banker.vn) Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho thấy, kết quả hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố theo Thông tư 01 và Thông tư 03 đến nay đạt: 1.423.235 tỷ đồng, đối với 361.438 khách hàng.

Việc thực hiện các giải pháp về giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ và các biện pháp tăng cường trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 là giải pháp quan trọng, tạo thời gian vàng để thành phố đẩy lùi dịch bệnh và phòng chống dịch thành công. Dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn tác động ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế xã hội thành phố, đến doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn.

Chính vì vậy, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều chính sách về tài chính, tiền tệ, về an sinh xã hội để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân (nhất là các đối tượng yếu thế) vượt qua khó khăn cả trong hoạt động kinh doanh cũng như cuộc sống đời thường.

Cụ thể là các chính sách liên quan đến tái cơ cấu, hoãn giãn các khoản nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ… giãn, hoãn giảm thuế phí, giảm lãi suất giảm giá các dịch vụ ngân hàng, các dịch vụ sinh hoạt như điện, nước, viễn thông…; trực tiếp giảm chi phí cho doanh nghiệp và giúp đỡ người nghèo, các đối tượng yếu thế.

Trách nhiệm của các TCTD trong việc hỗ trợ cho doanh nghiệp, đó là trách nhiệm thực thi, trách nhiệm thực hiện cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và ngân hàng, nhất là chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp theo cơ chế Thông tư 01 và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp; về miễn giảm lãi vay và cho vay mới với lãi suất thấp.

Trách nhiệm đó đòi hỏi các TCTD phải thực hiện nghiêm và đầy đủ, công khai và minh bạch đảm bảo cho đối tượng là doanh nghiệp, người dân tiếp cận được.

Trách nhiệm đó còn đòi các TCTD phải đổi mới và ứng dụng công nghệ kết hợp với cải cách hành chính để tạo tiện ích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận được chính sách, được hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn. Tất cả các yếu tố đó hội tụ trách nhiệm của TCTD trong quá trình này đó là đưa cơ chế chính sách thực sự đi vào cuộc sống có hiệu quả.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho thấy, kết quả hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong thời gia qua theo Thông tư 01 và Thông tư 03 đến nay đạt: 1.423.235 tỷ đồng, đối với 361.438 khách hàng. Trong đó cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 132.329 khách hàng, với tổng dư nợ đạt: 243.853 tỷ đồng; miễn, giảm lãi suất đạt: 3.356 tỷ đồng cho 49.558 khách hàng và cho vay mới với lãi suất thấp đạt doanh số: 1.176.026 tỷ đồng, cho 179.488 khách hàng.

Thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi, cho vay ngắn hạn tiền đồng đối với 5 nhóm ngành: xuất khẩu; nông nghiệp và phát triển nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 183.267 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt: 139.000 tỷ đồng, chiếm 75% tổng dư nợ cho vay chương trình này.

Tín dụng chính sách được Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt, với tổng dư nợ đạt 6.200 tỷ đồng cho các đối tượng chính sách, gắn với các chương trình về giải quyết việc làm; xóa đói giảm nghèo; nước sạch vệ sinh môi trường; học sinh sinh viên…;

Cần khẳng định, các chương trình tín dụng đã hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn trong suốt thời gian qua, giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh duy trì, ổn định sản xuất kinh doanh, một số lĩnh vực tăng trưởng và phát triển trong điều kiện đại dịch là không thể phủ nhận.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay tiếp tục cần nhiều hơn nữa, tinh thần chia sẻ và đồng hành giữa các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, hộ kinh doanh để cùng vượt khó và phát triển. Tinh thần đó cần chuyển thành hành động quyết liệt, bởi doanh nghiệp, hộ kinh doanh (khách hàng của ngân hàng) khó khăn thì ngân hàng không thể ổn định để tăng trưởng.

Việc đồng thuận giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp của các TCTD thời gian qua và tiếp tục nhiều hành động thiết thực trong thời gian tới chính là thông điệp ấn tượng và là hành động cụ thể thể hiện được tinh thần trách nhiệm, đồng hành và chia sẻ giữa ngân hàng với doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh nói chung và trên cả nước nói chung.

Nguyễn Đức Lệnh

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục