Hàng Việt gặp 'sóng lớn' và chiến lược vượt khó

(Banker.vn) Thuế nhập khẩu hàng Việt vào Mỹ lên tới 46% có thể đẩy xuất khẩu vào thế khó. Không chỉ là thuế, đây là bài toán chiến lược, Việt Nam sẽ ứng phó ra sao?
Tăng "sức đề kháng" cho hàng Việt tại thị trường EU Thương vụ Hoa Kỳ: Chủ động tìm hiểu thông tin chính sách thuế mới, tham mưu kịp thời Thành lập tổ phản ứng nhanh chính sách thuế mới của Mỹ

Giải pháp ứng phó ngắn hạn

Trước những biến động phức tạp của thương mại toàn cầu, Việt Nam đang đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ các biện pháp thuế mới của Hoa Kỳ. Cụ thể, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ chịu mức thuế nhập khẩu lên tới 46%, trong khi mức thuế chung 10% chính thức có hiệu lực từ ngày 5/4/2025. Các biện pháp thuế đối ứng tiếp tục được Hoa Kỳ triển khai từ ngày 9/4, tạo thêm áp lực lên chuỗi cung ứng và hoạt động xuất khẩu.

Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu chiến lược của Việt Nam, đặc biệt với các nhóm hàng như dệt may, gỗ, điện tử và nông sản. Do vậy, bất kỳ thay đổi nào trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ đều có ảnh hưởng trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu, việc làm và tăng trưởng kinh tế trong nước.

Trước thách thức này, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải có những hành động chiến lược, nhanh chóng và đồng bộ từ cả khu vực công và tư nhân nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực và bảo đảm mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Thay vì chỉ phản ứng bị động, đây là thời điểm để Việt Nam tái định vị chiến lược xuất khẩu - bao gồm việc đa dạng hóa thị trường, nâng cao năng lực tuân thủ thương mại và phối hợp hiệu quả giữa Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia trong môi trường thương mại toàn cầu ngày càng phức tạp.

Theo đó, trước áp lực ngày càng lớn từ các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt từ thị trường Hoa Kỳ, việc triển khai các giải pháp ngắn hạn một cách chiến lược, linh hoạt và chủ động trở nên cấp thiết nhằm bảo vệ lợi ích doanh nghiệp và duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu. Bốn nhóm giải pháp trọng tâm gồm:

Tăng cường đối thoại song phương, đa phương. Việc thiết lập và vận hành hiệu quả các kênh đối thoại thương mại với đối tác, nhất là Hoa Kỳ, cần được đẩy mạnh. Thông qua các cuộc tham vấn cấp cao, cơ quan chức năng Việt Nam có thể làm rõ quan điểm về chính sách thương mại công bằng và minh bạch. Đề nghị xem xét lại các mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chưa phù hợp. Sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi cần thiết.

Hỗ trợ kịp thời cho cộng đồng doanh nghiệp. Theo Bộ Công Thương, năm 2023 có hơn 220 vụ việc phòng vệ thương mại được áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các giải pháp hỗ trợ cần thiết bao gồm cung cấp thông tin sớm và đầy đủ về các cuộc điều tra, rủi ro từ thị trường. Hỗ trợ pháp lý, tư vấn hồ sơ, nâng cao năng lực ứng phó. Khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, giảm lệ thuộc vào một số đối tác truyền thống.

Rà soát quy tắc xuất xứ và tăng cường truy xuất nguồn gốc. Trước các cáo buộc gian lận xuất xứ, việc siết chặt quản lý và tăng cường minh bạch là yêu cầu cấp thiết. Giải pháp trọng điểm giám sát chặt chẽ việc cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, kết nối dữ liệu toàn chuỗi. Ngăn chặn gian lận thương mại, bảo vệ thương hiệu “Made in Vietnam”.

Hàng Việt gặp 'sóng lớn' và chiến lược vượt khó
Việt Nam đang đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ các biện pháp thuế mới của Hoa Kỳ. Ảnh minh họa

Tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA). Việt Nam hiện có 16 FTA có hiệu lực. Trong bối cảnh thị trường Mỹ có nhiều rào cản, doanh nghiệp cần mở rộng xuất khẩu sang các thị trường FTA lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN và các nước CPTPP. Khai thác ưu đãi thuế quan, đơn giản hóa thủ tục hải quan. Đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường cao cấp.

Tóm lại, việc triển khai đồng bộ các giải pháp ngắn hạn không chỉ giúp doanh nghiệp thích ứng với biến động, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho các chính sách ứng phó dài hạn, bảo vệ lợi ích quốc gia và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường thương mại quốc tế.

Tăng giá trị, mở rộng thị trường và nâng cao nội lực

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu nhiều biến động và chuỗi cung ứng tiếp tục tái cấu trúc, việc xây dựng một chiến lược xuất khẩu dài hạn, bền vững là yêu cầu cấp thiết để bảo đảm tăng trưởng kinh tế ổn định. Các định hướng chiến lược gồm:

Chuyển đổi mô hình xuất khẩu, gia tăng giá trị. Việt Nam đang nỗ lực chuyển dịch từ mô hình gia công sang mô hình dựa trên thiết kế, thương hiệu và sáng tạo. Hiện, tỷ lệ hàng hóa có thương hiệu Việt chỉ chiếm dưới 10% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong khi các ngành như dệt may, da giày vẫn chủ yếu làm thuê với giá trị gia tăng thấp (15 - 20%). Mục tiêu đến năm 2030 là tỷ lệ hàng xuất khẩu tự thiết kế, phát triển thương hiệu đạt ít nhất 20%. Ưu tiên các ngành có tiềm năng như nông sản chế biến, thực phẩm, dệt may cao cấp, điện tử tiêu dùng.

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu đang là ưu tiên chiến lược. Các khu vực như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ được xác định là thị trường tiềm năng. Năm 2024, xuất khẩu sang châu Phi đạt khoảng 3,1 tỷ USD, tăng 12%. Khu vực Nam Mỹ ghi nhận tăng trưởng gần 15%, nhờ các thị trường như Brazil, Argentina, Chile. Để mở rộng thị trường, Việt Nam cần tận dụng các FTA song phương, đa phương và nâng cao năng lực logistics xuyên lục địa.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cung ứng nội địa. Việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc, đang gia tăng rủi ro cho chuỗi xuất khẩu. Riêng ngành dệt may, hơn 60% nguyên phụ liệu vẫn phải nhập khẩu.

Chiến lược cần hướng đến: Phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước, nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 40 - 50% vào năm 2030. Kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa, hình thành cụm liên kết sản xuất.

Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua đổi mới và phát triển logistics. Cạnh tranh toàn cầu không còn chỉ dựa vào giá mà còn phụ thuộc vào chất lượng, tốc độ và dịch vụ. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, quản trị và marketing. Chi phí logistics hiện chiếm 16 - 20% giá thành sản phẩm - cao hơn mức trung bình khu vực (khoảng 12%). Cần xây dựng hệ sinh thái logistics hiện đại, kết nối thông minh giữa cảng - kho - vận tải để tối ưu chi phí.

Đồng bộ chính sách, tạo nền tảng phát triển bền vững. Để nâng cao năng lực xuất khẩu, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng. Đề xuất: Xây dựng cơ chế phản ứng chính sách linh hoạt trước biến động quốc tế. Thành lập quỹ hỗ trợ xuất khẩu và ủy ban phản ứng nhanh về thương mại. Định hướng lại chiến lược xuất khẩu theo hướng tự chủ, bền vững, ít phụ thuộc, có khả năng chống chịu tốt hơn.

PGS, TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục