Hàng tỷ thông tin dữ liệu tại Việt Nam đang bị rao bán trên chợ đen

(Banker.vn) Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, báo cáo của ngành công an, hiện nay trên chợ đen bán dữ liệu Việt Nam với số lượng lớn, lên đến 1.300 GB - tính ra hàng tỷ thông tin; Bộ sẽ thanh tra toàn diện các nhà mạng viễn thông trong việc đảm bảo an toàn dữ liệu thông tin và tiến tới thanh tra các doanh nghiệp bưu chính, các nhà mạng về vấn đề này…

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 4/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn với nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực Thông tin và Truyền thông. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đăng đàn trả lời chất vấn.

Phiên chất vấn tập trung vào ba nhóm vấn đề lớn của ngành, gồm: ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số, công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ và khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia; việc tiếp nhận, tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; quản lý các thuê bao đầu số của nhà mạng công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến. Việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử. Việc thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân….

Có: 33 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt câu hỏi, 10 đại biểu phát biểu tranh luận; 54 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu, 3 đại biểu đăng ký tranh luận nhưng chưa được đặt câu hỏi và sẽ gửi văn bản đến Bộ trưởng Bộ TT&TT.

Phiên chất vấn với nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực Thông tin và Truyền thông

Đẩy nhanh kết nối, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Tại phiên họp, trả lời các câu hỏi chất vấn của ĐBQH liên quan việc kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư , Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay có 8 cơ sở dữ liệu, 5 cơ sở dữ liệu quốc gia, 3 cơ sở dữ liệu chuyên ngành hiện đang kết nối hiệu quả. Mỗi một ngày có khoảng 2 triệu giao dịch kết nối trung ương, địa phương và bộ, ngành với nhau. Tuy nhiên, có nhiều cơ sở dữ liệu khác đã xây dựng nhưng chưa kết nối, chia sẻ; một số cơ sở thông tin đã xây dựng nhưng chưa đủ điều kiện kết nối. Thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục xử lý vấn đề này thúc đẩy và đảm bảo kết nối.

Về cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, đồng thời với môi trường số, Bộ trưởng cho biết, cần tiến hành cải cách thủ tục hành chính và Bộ đã ban hành công văn đối với lĩnh vực này. Theo đó, người dân đã khai báo thông tin một lần thì không cần khai báo thông tin lần hai ở các cơ quan hành chính để đảm bảo không phiền hà, đồng bộ với môi trường số.

“Hiện nay, hiệu quả kết nối cơ sở dữ liệu tương đối tốt. Tuy nhiên cần có “nhạc trưởng” cho việc liên kết dữ liệu quốc gia và dữ liệu ngành. Bộ sẽ tham mưu với Chính phủ về vấn đề này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ thêm.

Trả lời câu hỏi đại biểu Đồng Ngọc Ba, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định về đề nghị làm rõ về việc cung cấp dịch vụ định danh xác thực điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý, Bộ Công an sẽ trực tiếp cấp xác thực, nhưng khi đơn vị sự nghiệp hoặc một doanh nghiệp làm cần có điều kiện, trong đó quy định này thuộc Bộ Công an.

Bộ trưởng khẳng định, xác thực điện tử trên cơ sở dữ liệu dân cư là một phần nhỏ của thị trường, do vậy, vẫn đảm bảo tính cạnh tranh theo cơ chế thị trường lĩnh vực xác thực điện tử nói chung.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đăng đàn trả lời chất vấn

Phát biểu làm rõ thêm các vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, hiện nay cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã chính thức kết nối, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu chuyên ngành của 12 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp nhà nước và Ủy ban nhân dân 15 địa phương.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm cũng thừa nhận, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia dân cư với các bộ, ngành, địa phương còn gặp khó khăn, do hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều bộ, ngành, địa phương chưa bảo đảm, thiếu đồng bộ, chưa có hệ thống để kết nối, chưa triển khai đầy đủ các phương án đảm bảo an toàn thông tin.

Hơn nữa, vẫn có nhiều bộ, ngành, địa phương chưa số hóa dữ liệu, quy trình phục vụ cho triển khai thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, nên dù đã kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng kết quả khai thác còn rất hạn chế.

“Thời gian tới, Bộ Công an cùng với các đơn vị, bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, kết nối này để phục vụ cho nhân dân…”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Đảm bảo an toàn trên không gian mạng

Trả lời các câu hỏi của đại biểu quan tâm đến an toàn trên không gian mạng, cũng như trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về mạng xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vấn nạn lừa đảo qua mạng đang là vấn đề nan giải không chỉ với Việt Nam, mà ở nhiều nước trên thế giới. Thời gian vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật để định nghĩa rõ các hành vi, quy định rõ quy trình xử lý hành chính, mức phạt để lực lượng công an xử lý.

Để xử lý một cách căn bản tình trạng này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công khai các đầu số điện thoại để tiếp nhận phản ánh của người dân về vi phạm. Bộ cũng tiến hành ứng dụng công nghệ thông tin để rà quét, ngăn chặn các trang web có dấu hiệu lừa đảo; tập trung xử lý sim rác, xóa khỏi hệ thống những số thuê bao không có thông tin đầy đủ, hoặc thông tin không chính xác, đối soát thông tin qua cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.

Đối với vấn đề tin giả đang lan truyền rất nhanh, rất rộng, Bộ trưởng cho biết, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành các Nghị định quy định rõ các hành vi, trách nhiệm của các bên liên quan; hạ thời gian mà các nhà mạng phải hạ thông tin sai sự thật, xấu độc từ 48 giờ xuống còn 24 giờ. Mức phạt đưa thông tin đã tăng lên 3 lần, tuy nhiên so với các nước trên thế giới mức phạt của chúng ta chỉ bằng 1/10. Do đó, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ tham mưu cho Chính phủ xem xét cân nhắc đưa mức xử phạt lên mức răn đe.

“Việc ngăn chặn thông tin xấu độc thực sự là công việc khó khăn, cần có sự vào cuộc tích cực, chủ động của mọi bộ, ngành, các tổ chức, các gia đình. Khi toàn bộ xã hội vào cuộc thì mới giải quyết được căn cơ vấn đề này trên không gian mạng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Với nội dung chất vất của đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, về quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, phản cảm xảy ra trên nền tảng xuyên biên giới, chủ yếu khi xem Youtube. Bộ trưởng cho biết, đây là thuật toán hướng đối tượng của các nền tảng xuyên biên giới, cũng là một mô hình kinh doanh của họ. Cơ quan quản lý nhà nước chưa có công cụ để phát hiện ra các quảng cáo mang tính đối tượng này. Cách xử lý hiện nay là người dân có thể chụp ảnh màn hình gửi đến Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ dùng ảnh này yêu cầu các nền tảng gỡ.

“Hiện nay trên 2.000 quảng cáo sai sự thật, quảng cáo về thực phẩm chức năng phản cảm đã được gỡ xuống, Bộ Thông tin Truyền thông sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện thể chế để xử lý vấn đề về này…”, Bộ trưởng Nguyễn mạnh Hùng chia sẻ và cho biết thêm: “Bộ Thông tin và Truyền thông xin phép được nghiên cứu ý tưởng này sẽ sớm có đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng một nền tảng đào tạo trực tuyến phục vụ cho công việc học cả đời của người dân Việt Nam”.

Ngăn chặn tình trạng mua bán trái phép dữ liệu cá nhân

Với các câu hỏi chất vấn về mua bán dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây là tài sản cá nhân được nhắc đến trong Luật An toàn thông tin, doanh nghiệp thu thập thông tin cần thực hiện đúng pháp luật, cụ thể: khi thu thập dữ liệu cá nhân cần có hợp đồng mẫu, quy định rõ trong hợp đồng mục đích sử dụng, cách thức sử dụng thông tin này.

Đến nay, Bộ đã hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tăng mức phạt gấp 2 lần với các trường hợp vi phạm nhưng vẫn còn ở mức thấp. Bộ sẽ thanh tra toàn diện các nhà mạng viễn thông trong việc đảm bảo an toàn dữ liệu thông tin và tiến tới thanh tra các doanh nghiệp bưu chính, các nhà mạng về vấn đề này; đồng thời kiến nghị cần xem xét quy định phạt trên phần trăm doanh thu của các doanh nghiệp vi phạm thay vì phạt theo giá trị tuyệt đối.

Đối với các câu hỏi về cuộc gọi lừa đảo biết đầy đủ thông tin về người dân nên dễ tin, dễ bị lừa, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, có nguyên nhân kỹ thuật và nguyên nhân phi kỹ thuật. Trong đó, nguyên nhân kỹ thuật là một số tổ chức, doanh nghiệp thu thập thông tin cá nhân chưa đảm bảo an toàn, bị hacker tấn công lấy cắp dữ liệu. Theo báo cáo của ngành công an, hiện nay trên chợ đen bán dữ liệu Việt Nam với số lượng lớn, lên đến 1.300 GB - tính ra hàng tỷ thông tin.

Còn có nguyên nhân phi kỹ thuật, đó là người dân dễ dãi trong việc cung cấp thông tin của cá nhân mình. Cũng có việc một số doanh nghiệp quản lý nội bộ kém để cho nhân viên dữ liệu lấy thông tin của doanh nghiệp bán ra bên ngoài.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành một bộ cẩm nang về an toàn thông tin, trong đó có một nội dung rất quan trọng về cách thức để người dân bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình. Hiện nay, Bộ cũng đã xây dựng một cơ sở dữ liệu về lộ, lọt thông tin thông qua các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế.

Hiện nay có 120 triệu thực thể thông tin có thể bị lộ lọt, người dân có thể tra cứu để biết mình có bị lộ lọt thông tin không. Bên cạnh đó, một trong những giải pháp rất tốt là các cơ quan nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp có chăm sóc khách hàng khi muốn tiếp cận người dân, khách hàng thì làm việc với nhà mạng để hiện tên chứ không hiện số điện thoại.

Bên cạnh đó, Bộ phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý một số vụ mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân để răn đe, truyền thông rộng rãi và thanh tra các nhà mạng toàn diện về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình làm rõ thêm vấn đề đại biểu quan tâm

Giải trình vấn đề về tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: “tình trạng này đang diễn ra rất phức tạp”.

Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an kiến nghị mốt số giải pháp, gồm: hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách đặc thù bảo vệ an ninh, an toàn thông tin mạng; các ban, bộ, ngành, các địa phương chủ động đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, kiểm soát chặt chẽ quy trình bảo đảm an ninh chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ lưu trữ thông tin, dữ liệu cai nghiện; xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin, an ninh dữ liệu; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên lĩnh vực an ninh mạng, an ninh dữ liệu của mở rộng quan hệ hợp tác quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp bảo mật an ninh mạng hàng đầu trên thế giới.

Giải pháp đột phá cho bài toán chuyển đổi số

Với các câu hỏi liên quan đến giải pháp đột phá của chuyển đổi số Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: nền tảng số là giải pháp đột của chuyển đổi số Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông đặt trọng tâm phát triển các nền tảng. Theo đó, năm 2022 đã xây dựng xong và hoạt động khai thác 52 nền tảng số Việt Nam. “Tín hiệu đáng mừng là trong năm 2022 này đã có 500 triệu người Việt Nam cài đặt các nền tảng số Việt Nam và chiếm 30% tổng số cài đặt của người Việt Nam và con số này đang tăng lên”, Bộ trưởng chia sẻ.

Về giải pháp đột phá, Bộ trưởng nêu rõ: “có việc thì sẽ có người, có việc khó thì sẽ có người giỏi, có việc vĩ đại thì sẽ có người vĩ đại”. Lý giải cho câu nói này, Bộ trưởng chia sẻ, người ở đây được hiểu là cả người và doanh nghiệp. Theo đó, khi Bộ công bố các bài toán chuyển đổi số quốc gia ở cả mức Trung ương và các địa phương và có trang web để công bố các bài toán cần lời giải bài toán chuyển đổi số Việt Nam.

Với các câu hỏi về đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện cả nước có xấp xỉ khoảng 1,2 triệu cả người lao động nhưng nhân lực tính từ cao đẳng trở lên chỉ khoảng 550 nghìn người.

Vì vậy, để tăng cường nhân lực cho lĩnh vực, giải pháp được Bộ trưởng nêu ra là “đại học số”. Tuy nhiên nếu đào tạo theo cách truyền thống thì đã đạt đến mức giới hạn. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cấp giấy phép về thí điểm đại học số. Nếu đại học số thí điểm sớm thì sẽ là một trong những giải pháp để có thể nhanh chóng có được nguồn nhân lực công nghệ số, Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng.

“Ngoài ra, một trong những giải pháp mang tính căn bản đột phá mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang thực hiện là xây dựng các nền tảng đào tạo trực tuyến số lượng lớn đến các đối tượng khác nhau, tên nền tảng này là One Touch và đã đưa vào vận hành được 6 tháng, đã có 10 triệu người Việt Nam lên đó học tập. Trong nền tảng này cũng có một phần dành riêng cho cán bộ, công chức lên đấy tự học, tự đánh giá và sẽ tự cấp các chứng chỉ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo thêm.

Thanh Hải

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục