Hàng tháng, có một trăm thông báo, dự thảo mới về thay đổi các biện pháp an toàn thực phẩm

(Banker.vn) Hàng tháng, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được khoảng một trăm thông báo, dự thảo về thay đổi các biện pháp an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh động thực vật
New Zealand dự kiến nới lỏng biện pháp giám sát kiểm dịch thực vật đối với một số trái cây Việt Xuất khẩu sang EU: Cần đáp ứng các tiêu chuẩn SPS Văn phòng SPS Việt Nam thông tin về việc một số siêu thị tại Anh dừng bán thanh long Việt Văn phòng SPS Việt Nam thông tin về quả bòn bon bị cảnh báo tại Iceland

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị: “Phổ biến các quy định và cam kết về SPS trong hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các thành viên trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)” do Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức sáng 23/11.

Toàn cảnh Hội nghị
Hội nghị: “Phổ biến các quy định và cam kết về SPS trong hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các thành viên trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)”

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn Phòng SPS Việt Nam cho biết, cho đến nay, Việt Nam đã và đang tham gia 19 hiệp định thương mại song phương và đa phương, trong đó có 16 hiệp định đã ký kết chính thức và 3 hiệp định đang tiến hành đàm phán.

Trong đó, có nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) với những cam kết bắt buộc áp dụng, với nhiều quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) mà chúng ta phải tuân thủ để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

“Hàng tháng, Văn phòng SPS đều nhận được khoảng một trăm các thông báo, dự thảo về thay đổi các biện pháp SPS bao gồm các dự thảo về thay đổi về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, về đối tượng kiểm dịch, về quy định vật liệu tiếp xúc với sản phẩm…”, ông Ngô Xuân Nam chia sẻ và nhấn mạnh việc cập nhật và phổ biển thông tin quy định các thị trường về SPS là rất quan trọng.

Với Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, bao gồm các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand với nhiều cam kết, trong đó có cam kết về SPS mà Việt Nam tham gia.

Riêng trong khối RCEP có thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc Australia và New Zealand. Trong đó, Trung Quốc là một trong những thị trường trọng điểm về xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Gần đây, Trung Quốc đã ban hành các quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật đối với từng ngành hàng.

Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Theo ông Ngô Xuân Nam, Việt Nam có những ngành hàng xuất khẩu truyền thống sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, có những ngành hàng hiện nay chúng ta đã ký thoả thuận qua các Nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhằm thúc đẩy như sản phẩm thuỷ sản, sản phẩm trái cây tươi, sản phẩm có nguồn gốc thực vật, sản phẩm có nguồn gốc động vật như tổ yến nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản thực phẩm.

Đặc biệt từ 2021, Trung Quốc đã ban hành Quy định 248, 249 về đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực phẩm và quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu.

Đến nay, Trung Quốc đã phê duyệt cho Việt Nam gần 3.000 mã sản phẩm cho các nhà máy chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc. Vì vậy, trong thời gian vừa qua, việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc tương đối thuận lợi.

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam, đảm bảo an toàn khi xuất khẩu, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cập nhật và hướng dẫn các quy định của thị trường là rất cần thiết.

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Mạnh Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội nhấn mạnh, bên cạnh những tác động tích cực từ hội nhập thì hàng hoá nông lâm thủy sản có xu thế đối mặt với nhiều rào càn thương mại được các nước nhập khẩu đặt ra để bảo hộ sản xuất trọng nước; yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, các yêu cầu về bảo vệ môi trường...

Điều quan trọng nhất là chúng ta phải sớm nhận diện đầy đủ những tiềm năng, cơ hội, lường trước để phòng, khắc phục những mặt trái, hạn chế từ đó đưa ra được tầm nhìn chiến lược và những giải pháp đồng bộ về phát triển ngành hiệu quả, bền vững.

Trong khuôn khổ hội nghị, Văn phòng SPS Việt Nam cùng các cơ quan liên quan đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp về việc phổ biến thông tin, cập nhật các quy định mới của thị trường Trung Quốc như: thay đổi tiêu chuẩn vật liệu tiếp xúc với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, muối và sữa..., các quy định mới của thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand…; giải đáp các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong thời gian vừa qua.

Thông tin về thị trường Trung Quốc, ông Lò Xuân Quyết – Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu, Trung Quốc cho biết, Việt Nam xếp thứ 10 trong số các quốc gia xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc, tuy nhiên, mới chiếm tỷ trọng khoảng 2,6% tổng giá trị nhập khẩu nông sản của nước này.

Hàng năm có hàng nghìn trường hợp hàng hóa nông sản, thực phẩm từ các quốc gia (vùng lãnh thổ) vi phạm quy định, tiêu chuẩn nhập khẩu của Trung Quốc. Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia (vùng lãnh thổ) có số lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất. Các lỗi bị cảnh báo gồm: Chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; Hồ sơ kèm theo hàng hóa; Tem nhãn bao bì hàng hóa không đáp ứng quy định, yêu cầu nhập khẩu...

Cũng theo ông Lò Xuân Quyết, xu hướng tiêu dùng của người Trung Quốc, nhất là người tiêu dùng ở đô thị đang ngày càng quan tâm đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe, chất lượng cao và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Bên cạnh đó là các quy chuẩn hóa các quy định và hệ thống quản lý, giám sát về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.

Do đó, các doanh nghiệp cần tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, tiêu chuẩn nước nhập khẩu và tăng cường quản lý, giám sát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của nước nhập khẩu; chú trọng xây dựng thương hiệu; cần có nhân lực hiểu biết chuyên môn, thông thạo ngôn ngữ, am hiểu thị trường nước nhập khẩu.

“Quy định SPS là quy định bắt buộc áp dụng, nếu chúng ta vi phạm, sẽ bị đối tác nhập khẩu cảnh báo vi phạm. Việc này sẽ gây ảnh hưởng, thiệt hại cho doanh nghiệp và đặc biệt là ảnh hưởng đến cả ngành hàng và thương hiệu nông sản của Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.

Trong chiều nay (23/11), các đại biểu sẽ đi thăm cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm xuất khẩu đạt các tiêu chuẩn tại vùng sản xuất rau an toàn xã Văn Đức, huyện Gia Lâm để chia sẻ kinh nghiệm.

RCEP là một hiệp định thương mại “khổng lồ”, đại diện cho một trong những khối thương mại tự do lớn nhất thế giới. Các quốc gia thành viên chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội, dân số và khối lượng thương mại toàn cầu.

Hiện nay, các báo cáo đánh giá về tác động của RCEP đều cho rằng, hiệp định sẽ mang lại nhiều tác động tích cực tới nền kinh tế khu vực. Theo đó, tới năm 2030, sẽ làm tăng thu nhập của toàn khu vực khoảng 0,6%, tương đương với tăng thêm mỗi năm 245 tỷ USD và tạo thêm 2,8 triệu việc làm.

Đối với Việt Nam, các nghiên cứu gần đây đều chỉ ra Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều từ RCEP. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2022 dự báo, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 4,9% và xuất khẩu tăng ở mức 11,4% tới năm 2030.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương