Hàng ngàn công nhân lao động đình công ở miền Trung đã đi làm trở lại

(Banker.vn) Trong gần 2 tuần sau Tết Nguyên đán, tại các tỉnh miền Trung liên tiếp xảy ra các vụ đình công tập thể với số lượng lên đến hàng nghìn lao động của các công ty điện tử, may mặc ở Nghệ An và Hà Tĩnh ngừng việc, yêu cầu tăng lương, giải quyết một số quyền lợi.

Liên tiếp các vụ đình công

Từ ngày 7 - 15/2, tại các tỉnh miền Trung đầu tiên là nghệ An, rồi đến Hà Tĩnh liên tục 4 vụ đình công với số lượng hàng ngàn công nhân lao động.

Cụ thể, tại Nghệ An, sáng ngày 7/2 Công ty TNHH Viet Glory đóng trên địa bàn xã Diễn Trường huyện Diễn Châu (Nghệ An), hơn 2.500 công nhân lao động đã đồng loạt đình công đòi quyền lợi. Ngay mới chiều qua, sau giờ nghỉ trưa (ngày 15/2), hàng ngàn công nhân của Công ty CP Nam Thuận Nghệ An đóng tại xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, và Công ty TNHH Em - Tech đóng tại phường Vinh Tân, TP. Vinh, (Nghệ An).

Tại Hà Tĩnh chiều cùng ngày, hơn 200 trong tổng số hơn 2.000 công nhân Công ty Haivina, đóng tại Cụm công nghiệp Nam Hồng, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã đình công tập thể để đòi quyền lợi.

Được biết nguyên nhân dẫn đến đình công là bởi công nhân liên quan đến việc tăng lương, phụ cấp, tiền nghỉ phép, tiền thưởng...

Tại Công ty TNHH Viet Glory vào ngày 7/2, công nhân đình công đã đưa ra 11 kiến nghị đối với chủ lao động. Trong tăng lương, bổ sung phụ cấp thâm niên, phụ cấp độc hại, điều chỉnh tem (phiếu) lương... cũng như nội dung liên quan đến văn hóa ứng xử giữa cán bộ quản lý và người lao động.

Hay, chiều ngày 15/2 công nhân Công ty TNHH Em - Tech Nghệ An đã kiến nghị Ban lãnh đạo công ty: Tăng lương kỳ hạn hằng năm theo cấp bậc, thâm niên công tác; bổ sung phụ cấp; cải thiện chế độ ăn hàng ngày để đảm bảo sức khỏe cho công nhân làm việc; thực hiện tốt xét nghiệm cho công nhân…

Chiều cùng ngày, tại dây chuyền may của Công ty Cổ phần Nam Thuận Nghệ An đóng tại xã Diễn Mỹ cũng đã phản đối bằng cách dưng việc tập thể. Bước đầu, 14 kiến nghị của người lao động được trình lên bộ phận quản lý, trong đó có vấn đề: Tăng lương không công bằng giữa các bộ phận khác nhau, yêu cầu tăng phụ cấp xăng xe, không trừ các khoản phụ cấp trong tháng một cách vô lý, không trừ tiền nghỉ phép vào tiền thưởng tháng 13...

Tại Hà Tĩnh, vào chiều 15/2, hơn 200 trong tổng số hơn 2.000 công nhân Công ty Haivina, đóng tại Cụm công nghiệp Nam Hồng, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, đề nghị tăng lương, trả tiền hỗ trợ Covid-19 và đảm bảo một số chế độ phụ cấp...

Công nhân cho biết ngừng việc để đòi quyền lợi vì lương cơ bản và các chế độ thấp. Dù có đủ tiền tăng ca và phụ cấp, mỗi tháng công nhân chỉ được hơn 4 triệu đồng, khó trang trải cuộc sống. "Cả tháng đi làm đầy đủ cũng chỉ được thêm phụ cấp 180.000 đồng. Nếu có việc gia đình xin về sớm 15-20 phút là cũng bị trừ hết tiền chuyên cần...", một nam công nhân nói.

Ông Đinh Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh - cho biết, chính quyền địa phương đã cử cán bộ đến nắm bắt sự việc, phía doanh nghiệp đang xin ý kiến của tổng công ty bên Hàn Quốc, sáng mai sẽ trả lời người lao động.

"Ngày mai chúng tôi sẽ xuống trao đổi, nắm sâu thêm hợp đồng và cam kết của doanh nghiệp đối với người lao động. Địa phương mong muốn họ trả lời giải quyết thấu đáo để công nhân trở lại sản xuất", ông Hồng nói.

Trên 1.000 công nhân đình công đã đi làm trở lại

Trao đổi với PV Báo Công Thương, ông Phạm Đức Cường - Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Diễn Châu, Nghệ An cho biết, sáng 14/2, 100% công nhân Công ty TNHH Viet Glory đã đi làm lại. Hầu hết công nhân đều tỏ ra phấn khởi khi các kiến nghị của mình được doanh nghiệp đáp ứng, đặc biệt là tăng lương cơ bản và bổ sung chế độ phụ cấp thâm niên.

   Sau khi chủ doanh nghiệp đồng ý tăng lương và đáp ứng các yêu cầu về phúc lợi, công nhân mới đồng ý đi làm trở lại. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Viet Glory đều tỏ ra phấn khởi khi đi làm trở lại

Sau 6 ngày đình công, khi tất cả kiến nghị được công ty giải quyết, trong đó: Lương cơ bản được tăng 6%, phụ cấp thâm niên 30.000 đồng/tháng đối với công nhân làm việc từ đủ một năm, cứ mỗi năm cộng thêm 30.000 đồng/tháng, sáng 14/2, công nhân Công ty TNHH Viet Glory mới trở lại làm việc.

Còn tại Công ty TNHH Em - Tech Nghệ An, Ban lãnh đạo công ty đã cơ bản thống nhất giải quyết các kiến nghị của công nhân sau khi báo cáo Tổng công ty phía Hàn Quốc những đề đạt, nguyện vọng của công nhân. Trước mắt trong tháng 3, công ty sẽ cải thiện chế độ ăn cho công nhân và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch theo quy định của Nhà nước. Đồng thời, công ty phối hợp tốt với UBND TP. Vinh, phường Vinh Tân, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, Ban Chỉ đạo thành phố để lắng nghe ý kiến của công nhân nhiều hơn và giải quyết kịp thời hơn trong thời gian tới.

"Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lợi nhuận kinh doanh của công ty không tốt và phải thuê khách sạn cho công nhân ở tại chỗ trong suốt năm 2021. Vì vậy, về chế độ tiền lương, lãnh đạo Công ty TNHH Em - Tech Nghệ An chưa thể tăng lương đúng kỳ hạn. Ban lãnh đạo công ty ở Việt Nam sẽ tiếp tục báo cáo về phía Hàn Quốc. Sau khi có sự thống nhất, ngay cuối buổi chiều qua toàn bộ người lao động đã đồng ý đi làm trở lại, ổn định", ông Nguyễn Trung Dũng, Bí thư Đảng ủy phường Vinh Tân, TP. Vinh cho biết.

Hiện nay, mức lương cơ bản của công nhân Công ty TNHH Em - Tech Nghệ An là 3.900.000 đồng/người. Với mức lương này, công ty đã thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, công nhân vẫn mong muốn có mức lương cơ bản cao hơn so với mức lương ban đầu mà họ nhận.

"Ở đây có sự hiểu nhầm về mức phụ cấp giữa người mới vào cũng được nhận giống mức người làm lâu năm. Tuy nhiên, qua rà soát đối chiếu tại công ty, những người làm lâu năm đều có mức cao hơn so với người mới vào làm. Ban giám đốc công ty đã đưa vào nội dung thỏa thuận bắt đầu từ tháng 3/2022 sẽ thực hiện lộ trình tăng lương cho công nhân lao động theo quy định của pháp luật...", ông Thái Lê Cường, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Vinh cho biết.

Vụ việc tại Công ty cổ phần Nam Thuận, (chuyên may mặc, quy mô trên 1.000 người) đóng tại xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, khoảng 200 công nhân cũng yêu cầu tăng tiền xăng xe cùng một số khoản phụ cấp. Theo ông Phạm Đức Cường, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Diễn Châu, lãnh đạo công ty và chính quyền đang giải thích, vận động để công nhân hiểu rõ những quy định. Hiện, các công nhân đã trở về nhà.

"Để không tái diễn các cuộc đình công tự phát, LĐLĐ huyện Diễn Châu tiếp tục tổ chức tuyên truyền pháp luật lao động đến tập thể người lao động và chủ sử dụng lao động để đảm bảo chấp hành đúng pháp luật lao động. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo người sử dụng lao động tổ chức đối thoại định kỳ theo đúng quy định của Bộ luật Lao động...", ông Nguyễn Đức Cường cho hay.

Hoàng Trinh
Theo Báo Công Thương
Theo: Báo Công Thương