Hàng loạt 'ông lớn' muốn đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong

(Banker.vn) Trong khoảng thời gian từ ngày 7-15/2, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) sẽ tiến hành làm việc với 13 nhà đầu tư quan tâm đề xuất đầu tư các dự án ưu tiên thu hút vào Khu kinh tế Vân Phong và các Khu công nghiệp trên địa bàn.
Trong một vài năm tới, KKT Vân Phong không chỉ trở thành vùng động lực cho riêng Khánh Hòa mà còn cho cả khu vực Nam Trung bộ
Trong một vài năm tới, KKT Vân Phong không chỉ trở thành vùng động lực cho riêng Khánh Hòa mà còn cho cả khu vực Nam Trung bộ.

Cụ thể, từ ngày 7-10/2, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong (BQL KKT Vân Phong) sẽ làm việc với 8 nhà đầu tư quan tâm đề xuất các dự án ưu tiên thu hút vào khu vực Nam Vân Phong và các Khu công nghiệp.

Theo đó, Công ty CP Dầu khí Đông Phương làm việc về dự án lọc hóa dầu, năng lượng, công nghiệp; Công ty Stanvian hóa chất, Công ty Stavian Land làm việc về dự án hóa dầu, công nghiệp; Công ty CP Trung Nam về dự án năng lượng, công nghiệp.

Các Công ty CP Sonadezi, Tổng công ty Becamex IDC, Công ty CP SSI, Công ty CP Sinnec sẽ làm việc về các dự án đầu tư phát triển khu công nghiệp; Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn sẽ làm việc về đầu tư xây dựng cảng biển.

Từ ngày 14-15/2, BQL KKT Vân Phong sẽ làm việc với 5 doanh nghiệp quan tâm đề xuất các dự án tại khu vực Bắc Vân Phong.

Trong đó, Tập đoàn Novaland và Công ty CP Đầu tư Đất Tâm, Công ty CP FPT, Công ty CP Flamingo Holding Group sẽ làm việc về các dự án thuộc lĩnh vực đô thị, du lịch; Tập đoàn Sungroup sẽ làm việc liên quan đến các dự án thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ, sân bay, cảng biển…

BQL KKT Vân Phong cho biết, các nhà đầu tư sẽ giới thiệu tổng quan dự án, quy mô dự án, quy mô sử dụng đất, dự kiến tổng vốn dự án. Cùng với đó là sơ bộ đánh giá về tác động, ảnh hưởng môi trường của dự án; hiệu quả kinh tế xã hội của dự án. Đối với dự án công nghiệp, nhà đầu tư phải nêu rõ công nghệ, xuất xứ dây chuyền công nghệ, nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra…

Mục đích của các buổi này là để nắm bắt nhu cầu đầu tư của nhà đầu tư để nghiên cứu trong quá trình lập quy hoạch phân khu các khu chức năng tại KKT Vân Phong và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Đồng thời, BQL KKT Vân Phong cũng thu thập thông tin để có cơ sở tham mưu xây dựng danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào KKT Vân Phong vừa phù hợp với định hướng đã được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII thông qua, đồng thời phù hợp với nhu cầu thực tế của nhà đầu tư để phát huy hết tiềm năng và lợi thế của KKT Vân Phong.

Theo định hướng của tỉnh Khánh Hòa, trong một vài năm tới, KKT Vân Phong không chỉ trở thành vùng động lực cho riêng Khánh Hòa mà còn cho cả khu vực Nam Trung bộ. KKT Vân Phong sẽ bao gồm khu vực Nam Vân Phong (thị xã Ninh Hòa) và Bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh) với tổng diện tích 150.000 ha (trong đó, 70.000 ha đất liền, còn lại là mặt biển).

Số liệu từ BQL KKT Vân Phong cho biết, từ khi thành lập đến nay, KKT Vân Phong đã thu hút được 155 dự án đầu tư (125 dự án trong nước và 30 dự án có vốn ĐTNN) với tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỷ USD, vốn thực hiện 2,5 tỷ USD (đạt 61%); trong đó có 97 dự án đã đi vào hoạt động; 58 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đang triển khai đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, riêng giai đoạn 2016-2020, đóng góp nguồn thu ngân sách của tỉnh khoảng 20.950 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% của tỉnh; giá trị công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 32,9% của tỉnh; giải quyết việc làm cho khoảng 12.000 lao động.

Quang Đăng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán