Hàng loạt doanh nghiệp "xù" hợp đồng cung cấp dự trữ gạo: Chuyên gia nói gì?

(Banker.vn) Theo ghi nhận tại nhiều địa phương, thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp đã bỏ thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia, nhiều doanh nghiệp đã bị xử phạt.
Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp: Khởi sắc ngay từ đầu năm Nhiều doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh sẽ được miễn thuế

Hàng loạt doanh nghiệp "xù thầu" gạo

Vừa qua, theo ghi nhận tại nhiều địa phương, hàng loạt doanh nghiệp đã bỏ thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia. Cụ thể, trong năm 2023, một doanh nghiệp đã bỏ thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia, thuộc Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thanh Hóa.

Theo đại diện lãnh đạo Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thanh Hóa cho biết, theo kế hoạch năm 2023 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thanh Hóa dự trữ 16.000 tấn gạo.

Đến tháng 8/2023, đơn vị nhập được 10.000 tấn, thiếu 6.000 tấn. Có 1 đơn vị - là Công ty Phát Tài - trúng thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia 2023, tại Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thanh Hóa đã bỏ thầu dịp tháng 10/2023. Lý do đơn vị này bỏ thầu do tình hình giá gạo thế giới và trong nước tăng cao.

“Đến hiện tại, đơn vị đang chuẩn bị cho việc đấu thầu lại để nhập vào kế hoạch 2024” - đại diện Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thanh Hóa thông tin.

Ngoài ra, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thanh Hóa không xuất cấp gạo cho tỉnh Thanh Hóa cũng như các tỉnh khác. Chỉ có 15.000 tấn do các cục khác (thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước) xuất cấp. Do đó, nguồn dự trữ gạo vẫn đảm bảo theo yêu cầu.

Hàng loạt doanh nghiệp "xù" hợp đồng cung cấp dự trữ gạo: Chuyên gia nói gì?
Theo ghi nhận tại nhiều địa phương, thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp đã bỏ thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia, nhiều doanh nghiệp đã bị xử phạt

Tương tự, trong năm 2023, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nghệ Tĩnh được giao thu mua 18 nghìn tấn gạo. Toàn bộ công tác đấu thầu được thực hiện qua mạng đấu thầu quốc gia, đúng quy trình. Có một số nhà thầu nộp hồ sơ, được chấm thầu và công bố trúng thầu gói cung cấp gạo. Tuy nhiên sau khi công bố kết quả trúng thầu, một số nhà thầu đã "bỏ chạy", chấp nhận mất tiền đặt cọc (5% tổng giá trị gói thầu) mà không thực hiện việc cung cấp gạo cho Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nghệ Tĩnh theo nội dung tham gia đấu thầu.

Được biết, do giá gạo lúc đó tăng hơn vài nghìn đồng/kg so với giá gạo đã công bố trúng thầu. Do đó nhà thầu không thể đáp ứng được, họ chấp nhận mất tiền cọc. Đây cũng là lý do năm 2023, đơn vị chỉ thu mua được 40% số gạo trên tổng số gạo được giao chỉ tiêu dự trữ.

Mới đây, Hà Nội cũng đã thông báo danh sách nhiều nhà thầu "bỏ chạy" sau khi trúng các gói thầu dự trữ gạo quốc gia. Theo thông tin công bố của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nội, năm 2023 có 4 doanh nghiệp bị xử phạt do "bỏ chạy" không thực hiện hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia.

Và đặc biệt, năm 2023 không phải lần đầu tiên Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nội xử phạt các doanh nghiệp "xù thầu" gạo. Trước đó, Cục Dự trữ khu vực Hà Nội đã điểm danh 5 doanh nghiệp “bỏ chạy” không cung cấp gạo dự trữ quốc gia.

Theo quy định tại điểm d khoản 8 Điều 11 Luật Đấu thầu, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nội đã thu tiền bảo đảm dự thầu của các nhà thầu vi phạm và nộp ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền đã thu. Tổng cộng số tiền là hơn 1,3 tỷ đồng.

Dấu hỏi về chế tài xử lý?

Liên quan đến việc các nhà thầu “bỏ chạy” sau khi trúng thầu, ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia, trước đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã lên tiếng về vấn đề này.

Đại diện Vụ trưởng Vụ Quản lý hàng dự trữ (Tổng cục Dự trữ Nhà nước - Bộ Tài chính) cho biết, trong năm 2023, các cục dự trữ nhà nước tiếp tục thực hiện đánh giá uy tín nhà thầu trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu mua gạo dự trữ quốc gia.

“Việc đánh giá uy tín nhà thầu không phải là “loại nhà thầu” mà để đảm bảo sự công bằng cho tất cả các nhà thầu tham dự thầu (nhà thầu có uy tín cao hơn thì sẽ được chấm điểm cao hơn và ngược lại), tăng tính cạnh tranh giữa các nhà thầu trong đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia và các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực sẽ lựa chọn được nhà thầu đáp ứng tốt nhất, đúng quy định của pháp luật về đấu thầu và hồ sơ mời thầu (đáp ứng tốt tất cả các yêu cầu kỹ thuật và giá dự thầu)" - đại diện Vụ trưởng Vụ Quản lý hàng dự trữ thông tin.

Tuy nhiên, thực tế đặt ra, nhà thầu có vết "xù thầu" hiện vẫn không bị cấm thầu mà chỉ bị trừ điểm uy tín.

Theo các chuyên gia, việc các doanh nghiệp "xù" thầu gạo dự trữ quốc gia đặt ra một dấu hỏi về chế tài xử lý. Nhiều doanh nghiệp "xù thầu" gạo dự trữ quốc gia, nhưng các doanh nghiệp này chỉ bị phạt tiền mà không có doanh nghiệp nào bị cấm thầu.

Thời điểm năm 2020, ngoài phạt tiền, Bộ Tài chính từng đề xuất cấm tham gia hoạt động đấu thầu cung cấp hàng dự trữ quốc gia với hành vi không thực hiện hoặc thực hiện một phần hợp đồng cung cấp hàng dự trữ quốc gia.

Như vậy, với chế tài xử phạt tiền mà không cấm thầu như hiện nay khó chấm dứt được tình trạng các doanh nghiệp cung cấp gạo dự trữ quốc gia "xù thầu", ảnh hưởng đến mục tiêu dự trữ lương thực quốc gia. Bởi hiện tượng này từng và đang xảy ra ở nhiều nơi, trong nhiều thời gian khác nhau.

Theo các chuyên gia, sau khi trúng thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia, nhiều nhà thầu đã từ chối thực hiện hợp đồng cung cấp gạo, chấp nhận vi phạm Luật Đấu thầu và bị phạt số tiền hàng trăm triệu đồng. Việc bỏ thầu của doanh nghiệp làm dấy lên lo ngại "lời ăn, lỗ bỏ", tạo tiền lệ xấu, khi lúa gạo còn là vấn đề an ninh lương thực quốc gia.

Theo đó, cần nhìn nhận vụ việc trên hai khía cạnh là quản lý Nhà nước và trách nhiệm, đạo đức doanh nghiệp với Tổ quốc. Bởi thực tế, vì lợi nhuận nên những doanh nghiệp này bỏ cọc. Mức phạt hiện nay có thể còn quá thấp khiến doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt, bỏ thầu. Về phía quản lý Nhà nước cần làm chặt chẽ hơn, hoàn thiện khung pháp lý để doanh nghiệp không bỏ thầu, nhất là tham gia đấu thầu mua gạo phục vụ nhiệm vụ dự trữ lương thực cho quốc gia.

Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho hay: Dự trữ quốc gia là nguồn dự trữ chiến lược của Nhà nước nhằm chủ động đáp ứng những yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh. Để siết chặt vấn đề này thông qua pháp lý tương đối khó khăn. Chúng ta đang ở trong nền kinh tế thị trường, mọi vấn đề được giải quyết theo quy luật thị trường. Ở đó, chúng ta rất khó can thiệp hành chính, pháp luật. Đây là bài học kinh nghiệm để cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp có phương pháp để giải quyết bài toán trong lúc giá cả biến động mạnh. Chúng ta cần có những giải pháp mang tính kỹ thuật, không thể trông chờ vào hành chính pháp luật vì nhà thầu họ đã chấp nhận mất tiền. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần gắn trách nhiệm, đạo đức trong quá trình hoạt động, tránh vi phạm pháp luật.

Đỗ Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục