Hạn mức tín dụng "cải thiện" sắp cập bến các ngân hàng

(Banker.vn) Theo kiến nghị của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành xem xét và đánh giá, trên cơ sở đó sẽ cấp thêm “room” tín dụng cho các ngân hàng.

Đã thành thông lệ, mỗi năm, Ngân hàng Nhà nước thường có hai lần giao chỉ tiêu tín dụng. Sau khi đưa ra hạn mức tín dụng cho từng tổ chức tín dụng vào đầu năm, cơ quan này tiếp tục có đợt nới “room” tín dụng vào nửa cuối năm.

Điều này cũng dẫn đến việc các tổ chức tín dụng sử dụng hết hạn mức cho vay ngay từ giữa năm, hoặc quý III trước khi Ngân hàng Nhà nước xét duyệt nới room tín dụng đợt hai.

Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tín dụng lần một đến các tổ chức tín dụng. Trong nhóm ngân hàng có tỷ lệ sở hữu chi phối của Nhà nước, ba ngân hàng Agribank, BIDV, VietinBank được cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 6,5 - 7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5%. Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, VIB, ACB, Sacombank được cấp room tín dụng 8,5-9,5%; MB, VPBank, Techcombank từ 10,5 - 12%.

Nhìn chung, mặt bằng “room” tín dụng các tổ chức tín dụng được giao trong năm nay thấp hơn tổng thể cả năm trước, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành là 12%. Song, trước tình hình cầu vốn được cải thiện, nhiều ngân hàng đã dùng hết hoặc sắp hết chỉ tiêu tín dụng cả năm đang đề nghị cơ quan quản lý nới thêm hạn mức cho vay ra.

Được biết, đến cuối tháng 5, MB đã vượt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được cấp là 10,5% và Ngân hàng đang đề nghị được nới chỉ tiêu này lên 15%. Hay tại ACB, hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp cả năm là 9,5%, nhưng đến thời điểm này, room tín dụng đã chật. Ngân hàng này đang đề xuất xin nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 15%.

Theo kiến nghị của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành xem xét và đánh giá, trên cơ sở đó sẽ cấp thêm “room” tín dụng cho các ngân hàng.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết, Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng tổ chức tín dụng để xếp hạng A, B, C… và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng linh hoạt.

Theo một số phân tích, nhiều khả năng, MBB và ACB sẽ được chấp thuận nới room tín dụng lên 15%.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, bất chấp đại dịch Covid-19, khối ngân hàng tư nhân nói chung và hai ngân hàng MB, ACB nói riêng vẫn tăng trưởng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Đây chính là nguyên nhân khiến Ngân hàng Nhà nước cấp room tín dụng cao nhất cho hai ngân hàng này.

Nhìn rộng ra toàn ngành ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc nới room tín dụng trong năm nay cũng sẽ không nằm ngoài quy luật của các năm trước. Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 12% và sẽ phân bổ chỉ tiêu phù hợp với từng ngân hàng.

Vả lại, các ngân hàng cũng đang tăng vốn điều lệ để tăng năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn cho vay. Chẳng hạn, tại ACB, mới đây, Ngân hàng đã được chấp thuận tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 25% để tăng vốn từ 21.615 tỷ đồng lên 27.000 tỷ đồng. Lãnh đạo ACB khẳng định, việc tăng vốn này nhằm bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ.

Bàn về câu chuyện room tín dụng, một số chuyên gia phân tích cho rằng, có lẽ thay vì cấp “room” tín dụng theo quý, Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc quản lý theo hệ số an toàn vốn (CAR) thì hoạt động của các nhà băng sẽ hiệu quả hơn. Như vậy, những ngân hàng có chỉ số CAR an toàn sẽ không phải xin room tín dụng hàng năm nữa.

Linh Đan

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán