Hạn chế và xử lý tín dụng đen bằng thực hiện hiệu quả và đồng bộ chính sách

(Banker.vn) Nhận diện rõ mức độ nghiêm trọng của hoạt động tín dụng đen đối với sự phát triển kinh tế xã hội và cuộc sống của người dân, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, trong đó đã giao cho các bộ ngành thực hiện các giải pháp để phòng chống “tín dụng đen”.

Nhận diện rõ mức độ nghiêm trọng của hoạt động tín dụng đen đối với sự phát triển kinh tế xã hội và cuộc sống của người dân, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Tuy nhiên qua các buổi tiếp xúc chuyên đề gần đây của Thủ tướng Chính phủ, với nông dân, với công nhân, các ý kiến trao đổi đối thoại đều phản ánh những nội dung liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” và những tác động đến đời sống của người dân, của người lao động. “Tín dụng đen” phát sinh bởi nhiều nguyên nhân liên quan đến tệ nạn xã hội (cờ bạc, cá độ…) và những khó khăn đột xuất trong sinh hoạt đời sống người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp. Vì vậy Chỉ thị 12/CT-TTg của Chính phủ đã giao cho các bộ ngành thực hiện các giải pháp để phòng chống “tín dụng đen”. Đối với ngành ngân hàng, nhiệm vụ được Chính phủ giao là: “Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, các gói, khoản cho vay ưu đãi đến mọi tầng lớp nhân dân; Nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các chính sách mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; phát triển các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng, miền với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân để góp phần ngăn chặn "tín dụng đen"…”

Về mặt chính sách, định vị nhiệm vụ và thực hiện nhiệm vụ này, sẽ góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu Chính phủ đề ra, song để hạn chế và xử lý hiệu quả hoạt động “tín dụng đen” cần đến sự đồng bộ trong thực hiện nhiệm vụ. Dưới góc độ ngành ngân hàng, hệ thống các tổ chức tín dụng đã và đang thực hiện nhiều chính sách tín dụng, kế hoạch và chiến lược phát triển tài chính toàn diện hướng đến sự phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo hiệu quả, thiết thực, nâng cao đời sống người dân, từ đó góp phần khắc phục những nguyên nhân phát sinh “tín dụng đen” do đời sống người dân gặp khó khăn, nhất là những khó khăn đột xuất và từ những vùng sâu, vùng xa và khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân; khu công nghiệp, khu chế xuất nơi có nhiều người lao động đang sống và làm việc. Cụ thể:

Thứ nhất, thực hiện tốt chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống người dân, góp phần đẩy lùi và hạn chế “tín dụng đen” phát sinh, thông qua việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách qua Ngân hàng chính sách xã hội. Hoạt động này đã và đang được triển khai tích cực, hiệu quả trong suốt nhiều năm qua, giúp người nghèo, đối tượng thu nhập thấp tại mọi miền đất nước, nhất là khu vực khó khăn: miền núi; vùng sâu, vùng xa; khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách (lãi suất thấp, tín chấp và theo chương trình cụ thể: xóa đói giảm nghèo; cho vay giải quyết việc làm; cho vay học sinh sinh viên; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường; cho vay xây nhà để ở, mua, thuê mua nhà để ở…). Thông qua đó, hỗ trợ người nghèo vượt qua khó khăn, tạo việc làm, tạo thu nhập và cải thiện đời sống, góp phần nâng cao đời sống người dân, người lao động và tạo động lực tăng trưởng bền vững. Mục tiêu này đã và đang thực hiện tốt gắn với tăng trưởng tín dụng của NHCSXH qua từng năm. Chỉ riêng tại TP. Hồ Chí Minh, tín dụng chính sách tăng trưởng bình quân 22%/năm và đạt dư nợ hiện nay trên 7.000 tỷ đồng cho 180.896 hộ dân nghèo, thu nhập thấp vay vốn.

Thứ hai, tín dụng tiêu dùng tăng trưởng tốt và sản phẩm ngày càng đa dạng, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng tốt hơn. Trong đó, mặc dù phải trải qua hơn 2 năm đại dịch COVID -19, song hoạt động tín dụng này vẫn tăng trưởng bình quân 19,3%/năm, điều này cho thấy phương thức cho vay linh hoạt, phù hợp và hiệu quả của các TCTD, của các công ty tài chính tiêu dùng, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đặc biệt, những sản phẩm tín dụng cho vay mua thiết bị, phương tiện làm việc, đi lại; sản phẩm phục vụ sinh hoạt; điện thoại… nhu cầu ngày càng tăng bởi sự phù hợp, tiện ích và xu hướng tăng trưởng phát triển của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, tín dụng cho vay nhà để ở, thuê, thuê mua nhà để ở có vai trò quan trọng trong hoạt động tín dụng tiêu dùng, đã và đang phát huy hiệu quả và toàn diện nhìn dưới góc độ góp phần bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân cũng như chủ trương tăng trưởng và phát triển bền vững nền kinh tế đất nước. Hiện, dư nợ cho vay nhà ở xã hội đang được hệ thống NHCSXH tăng cường thực hiện, gắn với thực hiện 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.

Thứ ba, ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen” hiệu quả gắn với bảo đảm tăng trưởng bền vững thông qua thực hiện tốt chiến lược phát triển tài chính toàn diện. Ở đây, hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô như quỹ CEP; các quỹ trợ vốn của các tổ chức, các hội, hiệp hội, liên minh hợp tác xã…tiếp tục giữ vai trò quan trọng và được ghi nhận trong việc hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu vốn nhỏ, lẻ của người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn để có vốn làm ăn, sinh sống, cũng như giải quyết các nhu cầu phát sinh, đột xuất (do thiên tai, dịch bệnh, gặp bệnh tật hiểm nghèo, những hoàn cảnh khó khăn…) rất kịp thời, đúng lúc. Từ đó, không chỉ hỗ trợ người dân, mà còn góp phần trực tiếp hạn chế nạn vay nóng, vay “tín dụng đen” tiềm ẩn nhiều rủi ro và áp lực tiêu cực cho người vay.

Thứ tư, giải pháp toàn diện gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng của ngành ngân hàng, hiệu quả của các chương trình tín dụng của Chính phủ, của NHTW tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ không ngừng tăng trưởng và phát triển, tạo nhiều việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, trực tiếp góp phần nâng cao đời sống; chất lượng cuộc sống người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Đây là giải pháp có ý nghĩa căn bản, chiến lược và toàn diện, góp phần hạn chế những vấn đề tiêu cực phát sinh trong đời sống xã hội, không chỉ có “tín dụng đen”. Theo đó, hoạt động tín dụng liên tục tăng trưởng gắn liền với tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân 12%/năm trong những năm vừa qua, đã góp phần hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống người dân.

Với những cơ chế chính sách và chương trình hành động cụ thể của ngành ngân hàng trong thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao nói chung và tại Chỉ thị 12/CT-TTg về phòng chống “tín dụng đen” nói riêng, ngành ngân hàng đã và đang góp phần quan trọng trong thực hiện các giải pháp về phòng chống “tín dụng đen”. Tuy nhiên “tín dụng đen” phát sinh với nhiều nguyên nhân khác nhau và mức độ tác động ảnh hưởng rất nghiêm trọng đối với an ninh trật tự và an toàn xã hội. Vì vậy, tiếp tục cần sự phối hợp của các ngành, các cấp trong phòng chống “tín dụng đen”, với những nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể được giao theo Chỉ thị 12/CT-TTg của Chính phủ. Trong đó, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho người dân, cho doanh nghiệp, cũng như thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách và chiến lược phát triển tài chính toàn diện. Trong quá trình này, tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp với các ban, ngành trong việc xử lý khó khăn vướng mắc liên quan; trong công tác thông tin truyền thông và nâng cao chất lượng, sản phẩm dịch vụ ngân hàng, dịch vụ tín dụng.

Nguyễn Đức Lệnh -

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục