Hạn chế thế chấp khoản vay bằng bất động sản, khách hàng thoả thuận trực tiếp với ngân hàng

(Banker.vn) Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, để đảm bảo tiền vay, ngoài bất động sản, ngân hàng và khách hàng có thể thỏa thuận thế chấp bằng nhiều loại tài sản khác nhau.
Ngân hàng Nhà nước xác nhận sẽ sửa Thông tư 06 về cho vay bất động sản Lo ngại Thông tư 06 gây ra 3 bất cập với thị trường bất động sản Ngưng thi hành một số quy định tại Thông tư 06: Thị trường bất động sản có qua “cơn bĩ cực”?

Triển khai nhiều giải pháp về tín dụng, lãi suất

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã nhận được được kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội gửi tới trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Văn bản số 742/BDN ngày 14/6/2023 với nội dung kiến nghị:

“Cử tri đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu tạo lập các kênh thông thoáng nhưng có kiểm soát hợp lý để tạo nguồn vốn lưu động cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động; cho phép các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất được thế chấp bằng máy móc, sản phẩm đầu ra, đầu vào để hạn chế phải thế chấp bằng bất động sản”.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận được nhiều hơn nguồn vốn tín dụng ngân hàng, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp về tín dụng, lãi suất.

Hạn chế thế chấp khoản vay bằng bất động sản, khách hàng thoả thuận trực tiếp với ngân hàng
Theo Ngân hàng Nhà nước, để đảm bảo tiền vay, ngoài bất động sản, ngân hàng và khách hàng có thể thỏa thuận thế chấp bằng nhiều loại tài sản khác nhau.

Cụ thể, về điều hành tín dụng, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng và chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ chương của Chính phủ. Ngày 10/7/2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14% để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ở mức thấp hơn dự kiến, các nguồn vốn trung dài hạn trong nền kinh tế đang còn nhiều khó khăn.

Về điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng yêu cầu triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi, tiết giảm chi phí, qua đó tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng; phối hợp với Hiệp hội ngân hàng để vận động sự thống nhất của các tổ chức tín dụng hội viên tiếp tục thực hiện giảm lãi suất cho vay.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng đổi mới trong việc xây dựng quy trình cho vay cũng như nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay; đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng; trong đó có bổ sung quy định cho vay bằng phương tiện điện tử, khách hàng vay không phải đến ngân hàng, quy trình thủ tục vay nhanh hơn, thuận tiện hơn.

Về các biện pháp đảm bảo tiền vay, theo quy định của pháp luật hiện hành, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về biện pháp bảo đảm trong hoạt động cấp tín dụng phù hợp với quy định của pháp luật. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức tín dụng chủ động trong hoạt động cấp tín dụng và thỏa thuận với khách hàng trong quá trình quản lý khoản vay và trả nợ của khách hàng.

Thực tế, thời gian qua, tổ chức tín dụng đã và đang thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm tiền với nhiều loại hình tài sản khác nhau, như ô tô, tài sản hình thành vay trong tương lai, hàng hóa luân chuyển, quyền đòi nợ, bất động sản... hoặc cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở đánh giá phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả, được tổ chức tín dụng đánh giá có khả năng tài chính để hoàn trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn cả gốc và lãi. Do đó, khách hàng làm việc trực tiếp với tổ chức tín dụng cho vay để đề xuất cụ thể về tài sản bảo đảm của khoản vay.

Hạn chế thế chấp khoản vay bằng bất động sản, khách hàng thoả thuận trực tiếp với ngân hàng
Dư nợ kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng 17,41%

Tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 17,41%

Trước đó, Thông tin tại Hội thảo Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, thời gian qua, ngành ngân hàng đã kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng tiếp cận tín dụng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường bất động sản; triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5% - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường theo đúng chỉ đạo của Chính phủ đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ…

Hiện nay, tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng 20% tổng dư nợ tín dụng chung nên khi tín dụng bất động sản tăng cao sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng và ngược lại. Theo bà Giang, hiện tín dụng bất động sản tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung; trong đó dư nợ kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng (17,41%) vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%) nhưng dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản chiếm đến 65% dư nợ tín dụng bất động sản lại giảm 1,12%. Đây cũng là năm đầu tiên dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản xuất hiện xu hướng giảm trong 3 năm gần đây, cuối năm 2022 tín dụng lĩnh vực này tăng 31,01%.

“Điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó cầu tín dụng để mua bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng của thị trường đang sụt giảm. Diễn biến trên cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng, các khó khăn về mặt pháp lý của các dự án bất động sản đã dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, nhu cầu về mua nhà ở chưa phải là nhu cầu được khách hàng ưu tiên trong thời điểm hiện tại; cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa 6 sản phẩm, phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của người dân; các dự án bất động sản gặp khó khăn về mặt pháp lý nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn” - bà Giang nhận định.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương