Hạn chế rủi ro trong giao dịch: Quy định cụ thể hơn về định danh và xác thực điện tử

(Banker.vn) An toàn thông tin là mối quan tâm của mọi người, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng. Do vậy, việc quy định cụ thể về định danh, xác thực điện tử là cần thiết.
Đề nghị sửa đổi Luật giao dịch điện tử Luật giao dịch điện tử (sửa đổi): Khắc phục hạn chế, bất cập

Nhiều điểm chưa phù hợp

Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức cuộc họp góp ý nội dung Dự thảo Nghị định Quy định về định danh và xác thực điện tử. Cuộc họp nhằm đối chiếu với thực tiễn, nhận diện những vướng mắc, cũng như xem xét kiến nghị với cơ quan soạn thảo bổ sung, hoàn thiện bản dự thảo để khi ban hành nghị định đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế cũng như cuộc sống người dân.

Hạn chế rủi ro trong giao dịch: Quy định cụ thể hơn về định danh và xác thực điện tử
Hạn chế rủi ro trong giao dịch điện tử cần quy định cụ thể hơn về định danh và xác thực điện tử

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Nghị định quy định về định đanh và xác thực điện tử liên quan nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng, nhất là trong giai đoạn chuyển đổi số như hiện nay.

Lĩnh vực ngân hàng hiện có dư nợ khoảng 12 triệu tỷ đồng với số lượng khách hàng rất lớn, việc triển khai nghị định sẽ liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của khách hàng và tổ chức tín dụng.

Trên quan điểm cá nhân, ông Nguyễn Thành Long - Chủ nhiệm câu lạc bộ Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng - cho biết, còn một số nội dung của dự thảo chưa phù hợp thực tiễn. Theo quy định tại dự thảo có thể hiểu tất cả tổ chức cung cấp dịch vụ định danh khách hàng điện tử (eKYC) hiện nay cũng buộc phải được Bộ Công an cho phép mới đươc hoạt động, việc hoạt động eKYC của các ngân hàng và tổ chức hiện nay có thể bị xem là chưa phù hợp quy định pháp luật.

Do đó, cơ quan soạn thảo cần phân định rõ phạm vi của "Dịch vụ định danh và xác thực điện tử" được hiểu trong nghị định này chỉ là "Dịch vụ định danh và xác thực điện tử có sử dụng dữ liệu cư dân quốc gia" để tránh hiểu lầm với các dịch vụ xác thực người dùng điện tử khác trên thị trường.

Ông Long cũng nhấn mạnh, định danh điện tử không phải eKYC mà các tổ chức tín dụng vẫn đang triển khai thực hiện. eKYC chỉ là phương pháp xác minh khách hàng gián tiếp, sử dụng phương thức điện tử. “Nếu các tổ chức tín dụng được kết hợp eKYC với phương thức xác thực quy định trong Dự thảo Nghị định thì có hiệu quả tốt hơn, nhưng không có nghĩa Nghị định này điều chỉnh hoạt động eKYC. Nếu có nội dung nào trong Dự thảo có thể gây ra nhầm lẫn rằng việc mở các tài khoản online đều phải tuân theo Nghị định thì cần phải kiểm tra xem xét lại”, ông Long nói.

Một nội dung quan trọng mà các tổ chức tín dụng quan tâm là vấn đề xác thực chủ thể danh tính điện tử, xác thực thông tin của chủ thể thông qua các tổ chức trung gian. Hiện, dự thảo quy định tổ chức tín dụng, tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông, di động, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số định danh điện tử, tổ chức hành nghề công chứng, thừa phát lại và tổ chức khác được giao thực hiện dịch vụ công xác thực chủ thể danh tính điện tử, xác thực thông tin của chủ thể danh tính điện tử qua tổ chức cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử.

Tuy nhiên, đại diện tổ chức hội viên tham dự cuộc họp đều có ý kiến đề nghị cho phép các tổ chức tín dụng, công ty Fintech (công nghệ tài chính), trung gian thanh toán… được kết nối trực tiếp thay vì phải thông qua một bên trung gian.

Đại diện các ngân hàng cũng cho hay, ngân hàng đã triển khai phương thức xác thực eKYC từ lâu, đề nghị cho phép kết nối dữ liệu với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để định danh khách hàng.

Về vấn đề này, một lần nữa ông Long đề nghị: Cần cho phép các tổ chức tín dụng được kết nối, khai thác dữ liệu định danh điện tử trong hoạt động của tổ chức tín dụng nhằm xác minh, xác thực khách hàng cho mục đích phòng chống rửa tiền và gian lận, lừa đảo trong hoạt động tài chính ngân hàng. Đối với cơ sở dữ liệu quốc gia, Bộ Công an nên xem xét mở API cho các bên vào đối chiếu không tính phí.

Hiện nay, một số nước trong khu vực cũng đang cho gọi miễn phí vào cơ sở dữ liệu, nhưng đương nhiên với điều kiện là bên gọi vào cần đăng ký. Việc này giúp mở rộng dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ tài chính nói chung.

Đảm bảo khả năng thực thi

Ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia CIC - lại cho rằng: Dự thảo Nghị định đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các bên liên quan. Tuy nhiên, còn một số nội dung cụ thể cần làm rõ như vấn đề cập nhật thông tin danh tính điện tử, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự….

Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành ngân hàng hiện có khoảng 114 triệu tài khoản cá nhân, bất kỳ thay đổi về công tác định danh đều ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động ngân hàng. Vì vậy, Vụ Thanh toán đã có ý kiến đề nghị Dự thảo Nghị định phải có cách tiếp cận làm sao để không làm xáo trộn hoạt động ngân hàng.

Đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, bà Nguyễn Tuyết Minh đã nêu ra những vấn đề còn nhiều trăn trở cần phải nghiên cứu, trao đổi thêm trong thời gian tới như các ngân hàng có thể trở thành các tổ chức cung cấp dịch vụ định danh điện tử hay không nếu bảo đảm điều kiện của Bộ Công an; các tài khoản ngân hàng hiện nay khi chưa thành tổ chức định danh và xác thực điện tử thì mức độ sử dụng như thế nào, có thể ứng dụng ra ngoài không?

Bởi theo cách hiểu của bà Minh: “Dự thảo quy định đang chia ra 2 mức độ tài khoản và tôi nhận thấy rằng, tại nhiều ngân hàng, mức độ tài khoản hiện nay đang ở mức độ 2. Trong thời gian tới, khi đăng ký tài khoản của các ngân hàng, có thể sử dụng tài khoản của Bộ Công an để đăng ký tài khoản ngân hàng hay không? Nếu sử dụng được, yêu cầu cả các ngân hàng về pháp lý là gì để đảm bảo việc khai thác sử dụng?”.

Ông Phạm Văn Sơn - đại diện Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an - cho hay: “Chúng tôi đã tiếp thu nhiều ý kiến phù hợp, các ý kiến chưa tiếp thu được đã có báo cáo giải trình cụ thể lý do. Chúng tôi cũng sẽ lắng nghe, ghi nhận các ý kiến và tiếp tục nghiên cứu tiếp thu”.

Đồng thời, ông Sơn cũng chia sẻ: Dự thảo Nghị định còn phải qua vòng thẩm định của Văn phòng Chính phủ, xin ý kiến các thành viên Chính phủ và mong nhận được sự tham gia góp ý của Hiệp hội Ngân hàng, tổ chức liên quan sao cho nghị định ban hành tạo điều kiện thuận tiện nhất cho công dân và tổ chức.

Hiệp hội Ngân hàng đã tham gia góp ý xây dựng nội dung Dự thảo Nghị định ngay từ đầu và nhiều nội dung đã được tiếp thu. Những nội dung chưa tiếp thu, Hiệp hội chia sẻ với Tổ soạn thảo nhưng với mục tiêu hướng tới là làm sao để nghị định ban hành đi vào cuộc sống, không làm tăng chi phí, ảnh hưởng người dân.

Thanh Tâm

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục